Động mạch cảnh là động mạch có kích thước khá lớn nằm ở cổ đóng vai trò chủ yếu trong việc đưa máu giàu oxy lên não. Do vậy hẹp động cảnh rất nguy hiểm vì có thể khiến cho lưu lượng máu lên não giảm đi. Hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não thường gặp, chiếm khoảng 25-30% các trường hợp.
Bệnh hẹp động mạch cảnh ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá muộn khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên 2 bên cổ và sau đó rẽ nhánh vào não nằm trong sọ. Chức năng của động mạch cảnh là cung cấp máu cho não. Khi động mạch cảnh trở nên hẹp hoặc tắc nghẽn thì được gọi là bệnh động mạch cảnh.
Động mạch cảnh hẹp là do có các mảng xơ vữa bám trên thành động mạch. Các mảng xơ vữa này được hình thành và phát triển do các yếu tố như hút thuốc lá, ít vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…
Hẹp động mạch cảnh do có các mảng xơ vữa bám trên thành mạch. Ảnh: Internet
Tại chỗ động mạch cảnh bị hẹp, các mảng xơ vữa có thể tự vỡ ra, tạo thành các mảnh nhỏ gây tắc tại chỗ hoặc trôi theo dòng máu đến lấp một nhánh động mạch nào đó trong não. Hậu quả là thiếu máu nuôi não, tổ chức não vùng tương ứng bị chết, gây ra các triệu chứng yếu, liệt chân tay...
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, khoảng 20-30% tai biến mạch máu não là do huyết khối từ mảng vữa động mạch cảnh gây nghẽn mạch. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp động mạch cảnh bị tàn phế suốt đời.
Nguyên nhân thông thường nhất của hẹp động mạch cảnh là xơ vữa động mạch. Quá trình xơ vữa mạch máu cho đến nay vẫn được hiểu là một quá trình diễn tiến sinh lý theo tuổi và vẫn không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên người ta nhận thấy có những yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự hình thành và phát triển xơ vữa động mạch cảnh là:
- Tuổi tác: Bệnh thường chỉ gặp sau 50 tuổi, càng lớn tuổi thì nguy cơ hẹp động mạch cảnh càng tăng.
- Gia đình có tiền sử bị chứng xơ vữa động mạch, chứng hẹp động mạch vành hoặc động mạch chủ.
- Mắc các bệnh như cao huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh đái tháo đường...
- Hút thuốc lá.
- Lối sống ít vận động, nhiều stress.
Nguy cơ hẹp động mạch cảnh do béo phì. Ảnh: Internet
Hẹp động mạch cảnh có thể không hoặc có triệu chứng. Nếu không có biểu hiện gì đặc biệt thì gọi là hẹp động mạch cảnh không triệu chứng, bệnh chỉ được phát hiện khi khám tổng quát hoặc khám vì một bệnh lý khác (tim mạch, tuyến giáp…).
Còn hẹp động mạch cảnh có triệu chứng là biểu hiện của thiếu máu não hoặc nặng hơn là tai biến mạch máu não. Các triệu chứng thường gặp là:
- Cảm giác yếu hoặc tê, cảm giác như có kim châm ở một bên mặt hoặc cơ thể, chẳng hạn như ở tay hoặc chân.
- Không kiểm soát được vận động tay hoặc chân.
Tê tay chân là dấu hiệu của hẹp động mạch cảnh. Ảnh: Internet
- Không nhìn thấy gì ở một mắt (nhiều người mô tả triệu chứng này giống như thấy cửa sổ kéo xuống).
- Lú lẫn.
- Nói không rõ ràng, nói lắp hoặc khó nói.
Các triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và biến mất trong vòng 24 giờ. Có người chỉ bị một triệu chứng nhưng cũng có người bị nhiều triệu chứng cùng lúc.
Phương pháp chẩn đoán hẹp động mạch cảnh phổ biến hiện nay là siêu âm màu. Đây là lựa chọn an toàn và chi phí thấp trong chẩn đoán và theo dõi điều trị mức độ hẹp động mạch cảnh.
Ngoài ra, còn có các phương pháp khác chẩn đoán khác như chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) hoặc chụp CT đa lớp cắt (MSCT) để đánh giá toàn thể hệ thống động mạch trong và ngoài sọ.
Cuối cùng là chụp mạch số hóa xóa nền DSA để can thiệp điều trị. Đây là phương pháp đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng lòng mạch, được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch máu.
Quá trình điều trị hẹp động mạch cảnh tuỳ thuộc vào mức độ hẹp của động mạch này, hẹp có triệu chứng hay không cũng như sức khỏe chung của bệnh nhân. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc, kiểm soát mức tăng lipid máu và đường huyết để giảm nguy cơ hẹp động mạch cảnh, thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống. Nếu bệnh nặng hoặc tiến triển các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc nong động mạch cảnh và đặt stent.
Đặt stent là một trong những phương pháp cho bệnh hẹp động mạch cảnh. Ảnh: Internet
- Những người có nguy cơ mắc bệnh cao như tuổi cao, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, bị các bệnh về mạch vành hay bệnh tắc động mạch ngoại biên… cần khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc bệnh động mạch cảnh.
- Kiểm soát tốt các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị triệt để các rối loạn lipid máu.
- Xây dựng hoặc điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ để giảm thiểu mức độ tiến triển của bệnh động mạch cảnh.
- Không hút/bỏ hút thuốc lá.
- Những người béo phì, thừa cân nên giảm cân để làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch cảnh.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn,
- Ăn các loại thức ăn chứa ít chất béo bão hòa.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống