Hắt hơi liên tục là bệnh gì? Hắt hơi có phải dấu hiệu sắp ốm?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hắt hơi liên tục là bệnh gì? Hắt hơi có phải dấu hiệu sắp ốm?
Nhiều người bị hắt hơi liên tục (hắt xì nhiều lần) khi ngồi điều hòa, khi thay đổi thời tiết hay khi bị ốm... Tại sao cơ thể lại có phản ứng hắt hơi liên tục này? Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì? Có cách phòng tránh không?

Hắt hơi là gì? Hắt hơi (hắt xì) hay còn gọi là nhảy mũi là một sự phóng thích không khí từ phổi ra bên ngoài bằng đường mũi và miệng. Điều này thường xảy ra do niêm mạc mũi bị kích thích do vi khuẩn hay các dị nguyên xâm nhập.

1. Hắt hơi liên tục là bệnh gì?

Hắt hơi liên tục là bệnh gì? Theo các bác sĩ cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hắt hơi liên tục, nhiều lần. Người bị hắt hơi liên tục có thể hắt xì tới vài chục cái một lần gây cảm giác cực kỳ khó chịu cho mũi, thậm chí có người còn cảm thấy hoa mắt sau khi hắt xì.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng hắt hơi liên tục mà bạn cần lưu ý:

- Dị ứng theo mùa (dị ứng thời tiết)

Có nhiều người gặp vấn đề dị ứng thời tiết nên cơ thể sẽ bị hắt hơi liên tục trong thời gian dài. Tác nhân gây ra có thể từ trong nhà hay những yếu tố môi trường. Đối với mùa đông, nguyên nhân gây hắt hơi liên tục là sự ẩm ướt của không khí - tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

viem-mui-di-ung-do-thoi-tiet

Sự ẩm ướt của không khí khiến niêm mạc mũi bị kích ứng gây hắt xì (Ảnh: Internet)

Người bị dị ứng theo mùa có thể hắt xì nhiều lần kèm theo mũi bị sụt sịt, chảy nước mũi, ngứa cổ họng và có thể ngứa cả ở vòm miệng. Với những nhóm dị ứng nặng hơn có thể là mất ngủ, nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn khi không được can thiệp y tế kịp thời.

- Cảm lạnh

Hắt hơi liên tục có thể là dấu hiệu của bệnh cảm lạnh. Có một vấn đề cần lưu ý đó là cảm lạnh không chỉ xảy ra vào mùa đông. Triệu chứng sớm của bệnh cảm lạnh là các cơn hắt hơi liên tục. Bên cạnh đó nếu như trong mũi phát triển các polyp thì cũng có thể gây ra hiện tượng tương tự.

- Dị ứng vật nuôi

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị dị ứng với lông vật nuôi như chó hay mèo. Dấu hiệu dị ứng với vật nuôi khi tiếp xúc là hắt hơi liên tục. Điều này cũng xảy ra tương tự với những người bị dị ứng với mùi nước hoa, ô nhiễm không khí.

dị ứng vật nuôi

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị dị ứng với lông vật nuôi như chó hay mèo (Ảnh: Internet)

- Thời tiết thay đổi

Đôi khi bạn cũng có thể bị hắt hơi liên tục do thời tiết bị thay đổi, chẳng hạn như nhiệt độ nóng - lạnh chênh lệch lớn, ngồi trong phòng điều hòa - đi ra ngoài,...

- Sự tiếp xúc với khói thuốc

Khói thuốc cũng có thể trở thành nguyên nhân gây hiện tượng hắt hơi liên tục do niêm mạc mũi bị kích thích.

Mắc ung thư phổi do hít phải khói thuốc lá_3

Niêm mạc mũi có thể bị khói thuốc lá kích thích (Ảnh: Internet)

- Dị ứng với các chất kích thích

Một vài chất kích thích có thể tác động tới mũi của bạn như bụi, hạt tiêu, phấn hoa, nước xả vải,... gây hắt hơi liên tục. Nếu bạn đang không mắc các bệnh như viêm họng, cảm cúm hay bị viêm mũi thì có thể bạn bị mắc chứng dị ứng với các chất kích thích này.

- Thuốc

Dị ứng thuốc có thể gây ra phản ứng hắt hơi liên tục cùng các tác dụng phụ khác như buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy,.. Nếu gặp các tác dụng này khi đang sử dụng một loại thuốc nào đấy, hãy nói cho bác sĩ điều trị của bạn biết để được thay đổi thuốc hoặc có biện pháp giảm nhẹ.

- Dị ứng với ánh nắng mặt trời

Nhóm người bị mắc hội chứng sneeze syndrome hay còn gọi là hội chứng hắt hơi là những người bị dị ứng với ánh nắng mặt trời. Hội chứng này có thể được di truyền từ bố mẹ, sang con cái.

dị ứng với ánh nắng mặt trời

Hội chứng sneeze syndrom là hội chứng dị ứng với ánh nắng mặt trời (Ảnh: Internet)

2. Hắt hơi có phải dấu hiệu bạn sắp bị ốm?

Tùy thuộc vào dấu hiệu đi kèm của người bệnh mà bác sĩ sẽ xác định xem bạn có đang bị ốm, bị bệnh gì hay không.

Ví dụ như các bác sĩ có thể phân loại một cách khá tương đối về nguyên nhân gây ra tình trạng hắt hơi liên tục là do bạn bị viêm mũi vận mạch hay bị viêm mũi dị ứng. Nếu mắc bệnh nhóm viêm mũi này thì bạn có thể có biểu hiện kèm theo là chảy nước mũi, ngạt mũi (tắc mũi) và đau váng đầu.

Khi kiểm tra niêm mạc mũi của những người này sẽ phát hiện ra những phần bị phù nề, có màu nhợt hoặc màu tím nhạt - đây được gọi là các khối polyp mũi hình thành do niêm mạc mũi bị thoái hóa và ở trong tình trạng viêm mũi lâu ngày.

niêm mạc mũi bị phù nề gây hắt xì nhiều lần

Các khối polyp mũi hình thành do niêm mạc mũi bị thoái hóa (Ảnh: Internet)

Điều quan trọng nhất là phải tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng hắt hơi là gì. Bởi như đã nói ở trên ngoài nguyên nhân là do bệnh lý thì hắt hơi cũng có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với một số chất kích thích như phấn hoa, nước hoa, lông vật nuôi, thời tiết, ánh nắng mặt trời hay tác dụng phụ của một số loại thuốc,..

3. Nếu bạn có cơ địa dị ứng phải làm cách nào để bảo vệ?

Đối với những người bị hắt hơi ở một số mùa nhất định trong một năm có thể thực hiện một số phương pháp phòng bệnh như sau:

- Sử dụng thuốc kháng histamin H1 (telfast, clarityne...)

- Sử dụng những thuốc dạng xịt mũi tại chỗ như rhinocort, budenase, nasonex...

- Đồng thời cần tránh xa những tác nhân có thể gây ngứa mũi khi tiếp xúc.

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết bi chuyển mùa: sử dụng khăn ấm, mũ đội đầu, quần áo giữ nhiệt, thở bằng đường mũi - không nên hít không khí trực tiếp qua đường miệng

- Đeo khẩu trang khi ra đường

- Không nên tắm hay gội đầu vào buổi sáng

- Nếu như việc ngồi điều hòa gây ra hiện tượng hắt hơi liên tục bạn nên hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ đồng thời bước vào phòng để không khi bạn hít vào ấm hơn rồi mới làm quen với không khí mới

Khi nào cần phải được điều trị?

Hắt hơi liên tục khi nào cần phải điều trị? Các bác sĩ khuyên rằng nếu như hắt hơi liên tục kèm theo ngạt mũi, dịch mũi chảy ra chuyển màu vàng xanh thì cần phải can thiệp điều trị sớm như dùng kháng sinh điều trị triệu chứng và chống viêm nhiễm.

Nếu không được điều trị kịp thời bạn có nguy cơ gặp phải các biến chứng bệnh nguy hiểm như viêm thanh khí - phế quản, viêm họng,... Bên cạnh việc uống thuốc điều trị, nếu nặng hơn bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật nội soi.


Tác giả: Kim Phụng