Bệnh hắc lào (hay còn được biết đến với tên gọi dân gian là bệnh lác) là một bệnh lý da liễu khác thường gặp. Bệnh thường gây ngứa ngáy nhiều, khó chịu, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người mắc. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người, không có sự phân biệt giới tính và tuổi tác.
Bệnh hắc lào là một bệnh lý gây nên do các tác nhân vi sinh vật gây nên trên da. Bệnh có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau từ đầu, mặt, chân tay, ngực,... Nếu không được điều trị sớm, bệnh dễ tiến triển nặng dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân gây bệnh hắc lào được xác định là do sự ký sinh của các loại vi nấm trên da của người bệnh. Những loại nấm gây có khả năng ký sinh và gây ra bệnh hắc lào có chung đặc điểm là có kích thước rất nhỏ và thường được gọi chung với tên gọi là dermatophytes. Các loài nấm cụ thể gây hắc lào thường gặp nhất bao gồm các đại diện như trichophyton, epidermophyton và microsporum.
Do hắc lào là bệnh gây nên bởi sự ký sinh của các vi nấm trên da, vì thế căn bệnh này có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này qua người khác nếu không có các biện pháp dự phòng tốt.
* Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào?
Như đã nói bệnh hắc lào có thể xảy ra ở bất kỳ ai tuy nhiên một số yếu tố thuận lợi nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào trên thực tế có thể kể đến như:
- Khí hậu nóng ẩm: Khí hậu nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm gây bệnh hắc lào phát triển và gây bệnh dễ dàng hơn. Do đó, người dân ở các vùng khí hậu nhiệt đới dễ mắc hắc lào hơn là người sống ở nơi có nhiệt độ lạnh.
- Vệ sinh kém: Bệnh hắc lào gây nên do sự ký sinh của các loại nấm. Do đó, vệ sinh kém cũng là yếu tố trực tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào. Các hành động vệ sinh kém dễ gây lây lan hắc lào như sử dụng chung vật dụng vệ sinh cá nhân, lười tắm rửa, tiếp xúc nhiều với các động vật nuôi bị nhiễm hắc lào,...
- Sức đề kháng kém: Sức đề kháng kém làm giảm khả năng chống chọi với các tác nhân ký sinh. Những người có hệ miễn dịch suy giảm (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, hay sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch,...) dễ dàng mắc bệnh hắc lào hơn so với những người khác.
- Mặc quần áo quá chật chội: Việc mắc các bộ quần áo quá chật chội cũng khiến bề mặt da không được thông thoáng, khó thoát mồ hôi,... cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hắc lào.
Tùy thuộc vào đặc điểm vị trí mắc bệnh, cơ địa của bệnh nhân,... mà đôi khi người bệnh có thể có các biểu hiện với sự khác biệt nhất định giữa các bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân hắc lào đều thường có một số các biểu hiện đặc trưng như sau:
- Ngứa: Ngứa là triệu chứng xuất hiện nhiều nhất ở bệnh nhân mắc bệnh hắc lào. Ngứa khu trú ở khu vực nhiễm bệnh. Ngứa có thể tăng lên khi trời nóng, đổ mồ hôi,... Vì ngứa nhiều nên người bệnh thường gãi nhiều gây trầy xước da.
- Các mảng bất thường trên da: Tại vị trí mắc bệnh hắc lào, người bệnh thường sẽ quan sát thấy trên da nổi lên các mảng bất thường. Các mảng này thường có một số đặc điểm nổi bật gồm có dạng hình tròn hoặc bầu dục, giới hạn khá rõ ràng, thường có màu đỏ nhưng đôi khi có màu nâu, có thể có vảy ở bề mặt,... Các mảng bất thường này có thể xuất hiện đơn độc nhưng cũng có thể bao gồm nhiều mảng cùng xuất hiện tại một vị trí hoặc ở nhiều vị trí cùng lúc.
- Mụn nước: Một số các mụn nước nhỏ có thể sẽ xuất hiện ở bề mặt các mảng bất thường trên da. Những mụn nước mới xuất hiện này thường sẽ gây ngứa nhiều hơn cho bệnh nhân. Điều này kích thích bệnh nhân cào gãi nhiều hơn.
Bên cạnh các triệu chứng điển hình thường gặp ở hầu hết các bệnh nhân, tùy thuộc vào vị trí mắc bệnh mà người bệnh còn có thể biểu hiện bằng một số các triệu chứng riêng khác:
- Hắc lào ở đùi: Bệnh nhân có thể biểu hiện thêm bằng các triệu chứng như đau nhức nhiều, da đổi màu nổi bật so với vùng da xung quanh, hoặc đôi khi có thể xuất hiện các u cục ở khu vực bệnh.
- Hắc lào ở chân: Bệnh hắc lào ở chân thường xuất hiện tại mu bàn chân và kẽ ngón chân. Gây ngứa rất nhiều nhất là ở vùng kẽ ngón chân, phồng rộp da, có mùi khó chịu bất thường.
- Hắc lào da đầu: Hắc lào da đầu thường xuất hiện đi kèm với các triệu chứng đặc trưng là các biểu hiện như rụng tóc, xuất hiện mụn mủ,... Nếu tình trạng nặng bệnh nhân có thể có biểu hiện sốt, sưng hạch.
Để chẩn đoán xác định bệnh hắc lào, căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân có thể là chưa đầy đủ. Vì vậy, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định.
Xét nghiệm chủ yếu được sử dụng trong chẩn đoán bệnh hắc lào là soi trực tiếp mẫu bệnh phẩm lấy từ vùng da bệnh của bệnh nhân dưới kính hiển vi để tìm tác nhân gây bệnh.
Việc điều trị bệnh hắc lào chủ yếu là dựa trên các phương pháp điều trị nội khoa bằng các loại thuốc. Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh trên thực tế mà bác sĩ có thể đưa ra các chỉ định dùng thuốc khác nhau.
Trong trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân thường chỉ cần bôi các loại thuốc chống nấm lên bề mặt da bị bệnh để điều trị da là được mà không cần sử dụng thêm các loại thuốc khác. Những thuốc bôi chống nấm thường sử dụng cho bệnh nhân hắc lào hay dùng hiện nay như miconazol, ketoconazol, econazol...
Nếu tình trạng bệnh của bệnh nhân đã trầm trọng, vùng mắc bệnh có diện tích lớn,... thì bên cạnh các loại thuốc bôi chống nấm tại chỗ như đã kể trên thì còn có thể được cho sử dụng thêm các loại thuốc kháng nấm toàn thân đường uống để điều trị bệnh.
* Một số lưu ý cần nhớ khi tiến hành điều trị bệnh hắc lào?
- Bệnh hắc lào nên được điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất và điều trị dễ dàng nhất.
- Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ, không tự ý điều trị, không tự ý bỏ thuốc.
- Thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây lan bệnh cho cộng đồng và lây lan cho những người xung quanh.
- Tránh cào gãi tại vùng da bệnh để tránh gây viêm nhiễm, trầy xước da khiến bệnh lâu lành và khiến nấm dễ xâm nhập sâu sơn.
Đối với bệnh nhân hắc lào, ngoài việc tuân thủ tốt các yêu cầu của bác sĩ khi điều trị thì chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của bệnh nhân và tránh bệnh tiến triển nặng hơn. Những loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân hắc lào kể đến như:
- Các loại vitamin: Người bệnh hắc lào được khuyến cáo nên sử dụng nhiều hơn các loại thực phẩm tự nhiên có chứa nhiều vitamin như rau củ, trái cây, dầu oliu,... để cung cấp thêm các loại vitamin cho cơ thể nhằm giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
- Protein thực vật: Các loại protein có nguồn gốc thực vật như các thực phẩm họ đậu đỗ, súp lơ xanh, rau mầm,... được cho là tốt cho bệnh nhân hắc lào. Chúng không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn giúp tăng cường khả năng chống viêm, chống dị ứng và thúc đẩy khả năng hồi phục.
Ngoài ra, người bệnh còn được khuyên nên sử dụng thêm các loại thực phẩm như gừng, tỏi trong khẩu phần ăn để giúp tăng cường khả năng kháng viêm, chống lại các tác nhân xâm nhập cho cơ thể.
Bên cạnh các thực phẩm được đánh giá tốt, có khả năng hỗ trợ cho bệnh nhân hắc lào như đã kể trên thì cũng có những thực phẩm được cho là không nên sử dụng khi bị hắc lào. chẳng hạn như:
- Các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá, mực,...
- Các loại thịt đỏ như thịt trâu, thịt bò, thịt dê,...
- Rau muống, thức ăn nếp.
- Thực phẩm chứa nhiều đường, sữa các loại, thực phẩm cay nóng.
- Rượu, bia và các đồ uống có tính kích thích.
Không có cách nào có thể hoàn toàn ngăn chặn khả năng mắc bệnh hắc lào xảy ra, nhưng một số biện pháp dự phòng nhất định nếu được thực hiện tốt thì có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số các biện pháp dự phòng bệnh hắc lào hiệu quả có thể thực hiện như:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách tắm gội và vệ sinh cá nhân hằng ngày, nên sử dụng thêm các loại xà phòng khi làm vệ sinh cá nhân để giữ cơ thể sạch sẽ hơn. Nên tăng cường vệ sinh cá nhân nhất là vào mùa nóng, hoặc sau khi đổ nhiều mồ hôi (chơi thể thao, vận động mạnh,...).
- Không sử dụng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như khăn tắm, khăn mặt,... với người khác để tránh nguy cơ gây lây nhiễm hoặc bị lây nhiễm.
- Cẩn trọng khi tiếp xúc với súc vật hoặc các hoạt động tập thể như bơi lội,... để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Lựa chọn quần áo, giày dép có kích thước thích hợp không quá chật, chất liệu thoáng mát để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.
- Bệnh hắc lào có chữa được không?
Bệnh hắc lào nếu được điều trị sớm và đúng cách thì có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng nào cho người bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến viện càng muộn thì việc điều trị sẽ trở nên càng khó khăn hơn.
- Bệnh hắc lào có thể tái phát không?
Bệnh hắc lào sau khi điều trị vẫn có khả năng tái phát nếu bệnh nhân tiếp tục tiếp xúc với các nguồn bệnh hoặc do quá trình điều trị chưa được tiến hành dứt điểm khiến tác nhân gây bệnh chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.
- Bệnh hắc lào có nguy hiểm không?
Nhìn chung, bệnh hắc lào không quá gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân khi mắc bệnh nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh hắc lào khiến cho bệnh nhân trở nên mất thẩm mỹ, khó chịu vì các triệu chứng, tự ti khi đối diện với mọi người,... Những trường hợp nặng bệnh còn có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan của bệnh nhân.