Mới đây, Hà Nội đã phát hiện ca bệnh Whitmore là một bệnh nhân nữ (Đ.T.T), 62 tuổi, trú tại Cổ Đông, Sơn Tây. Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân bị ngã, cánh tay trái đập xuống nền nhà gây sưng, bầm tím, hoại tử cơ, theo Báo điện tử VTV.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, rét run, mạch nhanh và huyết áp thấp, nguy cơ tử vong cao.
Qua thăm khám, chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, hoại tử cơ cánh tay trái trên nền bệnh nhân tiểu đường – tăng huyết áp và suy tuyến thượng thận. Bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Ngoại chấn thương kết hợp điều trị, vừa phẫu thuật vừa hồi sức tích cực đồng thời cấy máu tại Khoa Vi sinh. Kết quả phát hiện trong máu có vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) gây ra bệnh Whitmore.
Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân hết sốc, các chỉ số sinh tồn bình thường. Sáng 28/8, bệnh nhân được xuất viện.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây ra. Cục Y tế dự phòng cho biết, vi khuẩn gây bệnh Whitmore là một vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei, gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Vi khuẩn gây bệnh Whitmore được liệt vào danh sách vi khuẩn có tính khủng bố sinh học vì mức độ nguy hiểm vô cùng của nó.
TS.BS Đặng Đức Hoàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh Whitmore, tỷ lệ tử vong từ 40 đến 60%. Người có nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao nhất là nông dân, bệnh nhân đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh mạn tính về phổi hoặc thận.
Các chuyên gia Y tế chia bệnh Whitmore thành các loại khác nhau, mỗi loại có dấu hiệu và triệu chứng riêng, cụ thể như sau.
Nhiễm trùng phổi:
- Ho
- Sốt cao
- Đau ngực
- Đau đầu
- Chán ăn
Nhiễm trùng cục bộ:
- Đau hoặc sưng cục bộ
- Sốt
- Loét
- Áp xe
Nhiễm trùng máu:
- Sốt
- Đau đầu
- Suy hô hấp
- Khó chịu ở bụng
- Đau khớp
- Mất phương hướng
Nhiễm trùng lan truyền:
- Sốt
- Giảm cân
- Đau dạ dày hoặc ngực
- Đau cơ hoặc khớp
- Đau đầu
- Động kinh
Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, bệnh Whitmore không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết,... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Báo Sức khỏe đời sống dẫn lời ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, vi khuẩn Whitmore không phải tự nhiên từ "trên trời rơi xuống" mà nó có sẵn trong đất. Quá trình làm việc của người dân nếu đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì dễ bị vi khuẩn tấn công.
Do đó cần sử dụng các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt để tránh được nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương như mang ủng khi đi xuống ruộng, đeo găng tay dọn vườn vào mùa mưa,....
Những người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính nên tránh tiếp xúc với đất và vũng nước đọng.
Bên cạnh đó, trong môi trường khói bụi, ô nhiễm khi gió cuốn bụi lên, con người cũng dễ hít phải vi khuẩn Whitmore. Chúng nằm sẵn trong phổi chờ khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu sẽ phát triển lên.
Cho đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, các chuyên gia y tế cho biết, biện pháp phòng ngừa Whitmore cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn.