Hạ kali máu và những điều bạn cần biết

Hạ kali máu và những điều bạn cần biết
Kali là khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong các quá trình hoạt động của cơ thể như co cơ, chức năng tim, quản lý cân bằng nước. Hạ kali máu là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường.

1. Hạ kali máu là bệnh gì?

Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali trong máu thấp hơn so với bình thường. Thông thường, nồng độ kali trong máu của bạn là 3,6-5,2 millimoles trong một lít máu (mmol/l). Mức kali rất thấp (dưới 2,5 mmol/l) có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức.

2. Nguyên nhân gây hạ kali máu là gì?

Có nhiều lí do khiến hạ kali máu xảy ra, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do sử dụng thuốc lợi tiểu, bị tiêu chảy và lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài.

Hạ kali máu và những điều bạn cần biết - Ảnh 1.

Hạ kali máu có khả năng là do tổn thương ở thận (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, các nguyên nhân gây hạ kali máu bao gồm:

- Một số tổn thương ở thận do các rối loạn ở thận như nhiễm toan ống thận (trong suy thận mạn và suy thận cấp), thiếu hụt magie, bệnh bạch cầu, bệnh Cushing (và các rối loạn tuyến thượng thận khác)

- Mất kali qua dạ dày và ruột do ói mửa, thụt tháo quá mức do sử dụng thuốc nhuận tràng, tiêu chảy, sau phẫu thuật cắt bỏ ruột non...

- Do ảnh hưởng của thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh khí thũng (thuốc gắn kết các thụ thể beta-adrenergic như thuốc giãn phế quản, steroid, hoặc theophylline), kháng sinh aminoglycosides...

- Giảm lượng thức ăn hoặc suy dinh dưỡng, biếng ăn, chứng cuồng ăn vô độ, phẫu thuật giảm béo, nghiện rượu...

3. Triệu chứng hạ kali máu thường gặp

Khi nồng độ kali thấp, các tế bào không thể tái tạo năng lượng và giải phóng năng lượng liên tục, làm cho cơ bắp và các dây thần kinh không thể hoạt động bình thường. Ảnh hưởng của hạ kali máu có thể gây ra các triệu chứng như:

- Chuột rút, yếu cơ, đau cơ

 - Táo bón 

 - Mệt mỏi 

 - Hồi hộp (rối loạn nhịp tim)

Hạ kali máu và những điều bạn cần biết - Ảnh 2.

Mệt mỏi và đau cơ là triệu chứng hạ kali máu (Ảnh: Internet)

4. Điều trị hạ kali máu như thế nào?

4.1. Chẩn đoán hạ kali máu

Đôi khi nguyên nhân hạ kali máu không rõ ràng nên bác sĩ có thể tiến hành thực hiện các xét nghiệm nhất định để chẩn đoán chính xác được bệnh.


- Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm nhằm kiểm tra nồng độ kali, chức năng thận (BUN và creatinine), glucose, magie, canxi, photpho. 


- Đo nồng độ digoxin (Lanoxin): Kali thấp ảnh hưởng đến nhịp tim (loạn nhịp tim), do đó bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm này nếu bệnh nhân đang uống một chế phẩm digitalis. 


- Điện tâm đồ ECG hoặc đồ hình tim: Phát hiện những thay đổi điện thế ở tim và một số loại rối loạn nhịp tim gây ra bởi kali thấp.

Hạ kali máu và những điều bạn cần biết - Ảnh 3.

Chẩn đoán hạ kali máu bằng cách xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ kali (Ảnh: Internet)

4.2. Phương pháp điều trị hạ kali máu

Liệu pháp thay thế kali 

Liệu pháp này được tiến hành tuỳ theo phân loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc điều trị bắt đầu ngay khi các xét nghiệm xác định chẩn đoán được bệnh. Người bị nghi ngờ hạ kali máu nghiêm trọng cần phải được theo dõi tim mạch và truyền dịch.


Uống kali

Thông thường, người có nồng độ kali thấp nhẹ hoặc vừa phải  (2,5-3,5 mEq/l), những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chỉ cần uống kali dưới dạng viên hoặc dạng lỏng. Đây là biện pháp dễ quản lý, an toàn, không tốn kém và dễ hấp thu qua đường tiêu hóa. 

Tuy nhiên một số chế phẩm với liều quá cao có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn.


Truyền kali tĩnh mạch

Người bị loạn nhịp tim hoặc có các triệu chứng nặng và nếu mức kali thấp dưới 2,5 mEq/l cần được truyền kali tĩnh mạch. Trong trường hợp này, bạn cần nhập viện hoặc được theo dõi tại khoa cấp cứu được chỉ định. Kali sẽ được truyền rất chậm vào tĩnh mạch và theo dõi kĩ lưỡng trong nhiều giờ để tránh các vấn đề nghiêm trọng về tim và tránh kích ứng mạch máu chỗ đặt kim truyền.


Đối với những người hạ kali máu nghiêm trọng và biểu hiện các triệu chứng, phải sử dụng cả kali để truyền tĩnh mạch và uống.

Hạ kali máu và những điều bạn cần biết - Ảnh 4.

Điều trị hạ kali máu bằng cách uống kali (Ảnh: Internet)

5. Biện pháp khắc phục tình trạng hạ kali máu

- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt ngủ nghỉ phù hợp.

- Nếu đang trong thời gian được theo dõi do nồng độ kali trong máu thấp, bạn nên tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài vì mất kali đi kèm với đổ mồ hôi.

- Nếu bổ sung chế độ ăn uống, thảo dược, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc nhuận tràng gây ra các triệu chứng kali thấp, cần tránh dùng các sản phẩm này và tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Không tự ý ngừng dùng thuốc kê toa mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.  

Tác giả: D.A