Theo Ths.Bs Lê Minh Quang, Khoa Nội tổng quát – Tiểu đường – Y học bộ gen, Bệnh viện Quốc tế City, tình trạng hạ đường máu trong khi ngủ thực tế xảy ra thường xuyên nhiều so với thực tế mà bệnh nhân và bác sĩ nhận thấy. Tình trạng hạ đường huyết ban đêm có thể gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ tập thể dục quá gần giờ đi ngủ đến việc uống bia rượu vào buổi tối.
Nếu không được điều trị, tình trạng hạ đường máu trong suốt đêm có thể dẫn đến đau đầu và mất ngủ, và trong trường hợp nặng có thể co giật hoặc thậm chí tử vong. Chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng đường máu thấp trong khi bạn ngủ bằng 6 bước đơn giản sau đây:
Tất cả những bệnh nhân mắc tiểu đường có nguy cơ hạ đường máu đều nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ để đảm bảo rằng sẽ không có một tình trạng đường máu thấp xảy ra trong đêm.
Nếu mức độ đường trong máu của bạn thấp được ghi nhận trước khi đi ngủ, hãy ăn bổ sung một ít thức ăn trước khi đi ngủ. Số lượng thức ăn phù hợp với con số đường trong máu.
Ví dụ, nếu mức đường chỉ hơi thấp, chỉ cần ăn một lượng thức ăn nhỏ. Nếu bạn sử dụng một máy bơm insulin, nên xem xét việc tạm thời giảm liều lượng của insulin.
Các triệu chứng của hạ đường huyết thường phát triển khi lượng đường trong máu giảm dưới 70 mg/dl, bao gồm run rẩy, ra mồ hôi, nhầm lẫn, hành vi thất thường, đau đầu và cảm giác hẫng (đầu nhẹ).
Khi bị hạ đường huyết ban đêm, bạn có thể thức dậy với những triệu chứng này hoặc với một mức đường máu cao là kết quả của phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại tình trạng hạ đường. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị tình trạng "mất nhận biết tình trạng hạ đường huyết" sẽ không cảm thấy các triệu chứng của đường máu thấp.
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách để nhận ra hạ đường huyết ban đêm, đặc biệt là nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện nó. Đó là một tình trạng nguy hiểm bởi vì bạn không thể nhận ra đường trong máu của bạn đã giảm xuống khi mà bạn không có triệu chứng gì.
Bỏ qua bữa ăn tối hay chỉ ăn bữa ăn tối rất ít là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ đường máu trong đêm. Nên ăn một bữa ăn tối lành mạnh, cân đối và chú ý đến số lượng thức ăn.
Tập thể dục thường xuyên rất có ích cho bệnh nhân tiểu đường, nhưng tránh không tập thể dục nhiều ngay gần giờ đi ngủ vì nó có thể gây ra hạ đường máu trong đêm. Bạn nên tránh tập thể dục trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ.
Nếu mức đường trong máu của bạn là dưới 100 mg/dl lúc trước khi đi ngủ sau khi tập thể dục, nên ăn thêm gấp đôi số lượng thức ăn trong bữa ăn nhẹ mà bạn thường ăn trước khi đi ngủ để tránh nguy cơ hạ đường trong đêm.
Uống thức uống có cồn như bia rượu có thể làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết ban đêm, vì vậy tránh tiêu thụ thường xuyên bia rượu. Vào những dịp lễ Tết, chỉ nên uống ở mức vừa phải, tức không quá một đơn vị cồn một ngày đối với phụ nữ và hai đơn vị mỗi ngày đối với nam giới. Một đơn vị tương đương 1 chai bia hoặc 1 ly rượu vang.
Nếu bạn uống bia rượu vào buổi tối, nên ăn thêm thức ăn nhằm giảm thiểu nguy cơ hạ đường máu trong khi bạn ngủ.
Nếu bạn thường thức dậy với các triệu chứng hạ đường máu, nên có một số thứ để sẵn ngay cạnh giường của bạn như nước ngọt, nước trái cây để bạn có thể dùng ngay mà không cần phải rời khỏi giường.
Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ của mình để điều chỉnh chế độ điều trị nhằm giúp kiểm soát đường máu của bạn được tốt hơn và phòng ngừa tình trạng hạ đường máu trong đêm.