Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, lây từ người này sang người khác qua vật thể trung gian là muỗi.
Trong những ngày đầu của bệnh, bệnh nhân sốt xuất huyết thường chỉ có các biểu hiện như sốt, đau nhức cơ thể, chán ăn,... Từ ngày 3-7 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh và thường xuất hiện các biến chứng như xuất huyết, suy tạng, sốc sốt xuất huyết. Sau giai đoạn nguy hiểm sẽ bước sang giai đoạn hồi phục, các triệu chứng của bệnh hết dần.
Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết có thể dựa vào các dấu hiệu triệu chứng lâm sàng hoặc các nghiệm pháp. Tuy nhiên người bệnh thường sẽ được thực hiện xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán. Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1Ag thường được dùng để chẩn đoán bệnh trước 5 ngày đầu sau khi khởi phát. Trong khi đó, xét nghiệm miễn dịch IgM dengue, hay IgG dengue thường sẽ được thực hiện kể từ ngày thứ 3 trở đi để chẩn đoán bệnh.
Đọc thêm:
- 7 biến chứng đặc biệt nguy hiểm của sốt xuất huyết: Có thể xuất huyết não, tử vong nhanh
Phần lớn các trường hợp, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ có diễn tiến bệnh theo các giai đoạn điển hình như đã nói ở trên. Tuy nhiên cũng không ít các bệnh nhân có diễn tiến xấu đi, trở nặng trong quá trình điều trị dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí có những bệnh nhân tưởng chừng như đã khỏi bệnh nhưng sau đó lại tử vong một cách nhanh chóng. Vậy bệnh sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể được đưa ra để lý giải cho tình trạng này như:
- Không theo dõi sát bệnh nhân trong quá trình điều trị: Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể diễn biến xấu một cách nhanh chóng trong khi trước đó tình trạng của bệnh nhân vẫn ổn định và đang có xu hướng chuyển biến tốt. Vì thế nếu không được theo dõi sát các dấu hiệu bất thường sẽ rất khó để đưa ra phương án can thiệp kịp thời. Điều này làm gia tăng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Điều này lý giải việc tại sao với các bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định điều trị tại nhà thì tái khám hằng ngày tại cơ sở y tế hoặc tái khám ngay khi bệnh có dấu hiệu xấu đi là yêu cầu bắt buộc.
- Do bệnh diễn tiến xấu hoặc xảy ra các biến chứng: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào ngày 3-7 sau khi khởi phát bệnh do tình trạng tăng tính thấm thành mạch và giảm tiểu cầu.
Trong giai đoạn này các triệu chứng của bệnh như sốt, nhức mỏi cơ thể,... có thể dần thuyên giảm hoặc thậm chí biến mất. Chính sự thuyên giảm của các triệu chứng này khiến người bệnh hoặc người chăm sóc ngộ nhận rằng bệnh nhân đã khỏi sốt xuất huyết.
Nhưng trên thực tế đây mới chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Người mắc sốt xuất huyết hoàn toàn có thể gặp phải các biến chứng đe dọa tính mạng như chảy máu, suy tạng do suy giảm thể tích máu, sốc sốt xuất huyết,... trong giai đoạn này.
Bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển biến xấu một cách nhanh chóng, nên việc phát hiện để có phương án xử trí kịp thời là vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các trường hợp được chỉ định điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Nếu người bệnh gặp một trong những triệu chứng sau, nên đến cơ sở y tế để được xem xét và điều trị kịp thời:
- Người bệnh lừ đừ, li bì
- Có biểu hiện đau bụng nhiều, nhất là đau bụng ở khu vực hạ sườn phải.
- Nôn ói nhiều lần.
- Tình trạng xuất huyết mới xuất hiện như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
- Đi tiểu ít.
- Xét nghiệm máu bất thường với men gan tăng cao, chỉ số hct tăng, số lượng tiểu cầu giảm thấp.
- Có các biểu hiện của tình trạng sốc như da lạnh tái, mạch nhanh nhỏ, không đo được huyết áp hoặc huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg.
Có thể thấy rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi tử vong. Nhưng hậu quả này hoàn toàn có thể được dự phòng nếu bệnh nhân, người chăm sóc, bác sĩ có cái nhìn đầy đủ về bệnh, theo dõi sát sao trong quá trình điều trị và xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra.