Chọn quần áo sai cách cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông

Tham vấn chuyên môn: -
Chọn quần áo sai cách cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông
Viêm nang lông là căn bệnh phổ biến ở người, đây được coi là kẻ thù đối với phụ nữ vì sự mất thẩm mỹ mà nó mang lại khiến nhiều chị em tự ti, ngại giao tiếp. Vậy nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông là gì và điều trị bệnh viêm nang lông như thế nào?

Viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa hay viêm nang lông là những căn bệnh ngoài da thường gặp, bệnh tuy có thể tự điều trị nếu như phát hiện sớm, về sau khi bệnh nặng việc điều trị càng khó khăn hơn và có khả năng trở thành mạn tính, gây khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. 

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông

Trước khi tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh viêm nang lông, bệnh nhân cần nắm được khái niệm và nguyên nhân gây viêm nang lông. 

- Viêm nang lông (viêm lỗ chân lông) là tình trạng nhiễm trùng của các nang lông. Nang là nơi mọc ra sợi lông, nằm ở dưới da. Bệnh có thể xảy ra vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ mặt, da dầu, đến tay, chân, ngực, lưng...đặc biệt là những vùng da thường xuyên bị ma sát, nhiều mồ hôi.

- Nguyên nhân viêm nang lông chủ yếu do mồ hôi, những người có cơ địa da dầu, hay sử dụng mỹ phẩm thường xuyên có thể gây bít tắc nang lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn thường trú trên da như staphylococcus đi vào các nang lông và gây nhiễm trùng.

- Một số dấu hiệu rất dễ nhận biết của bệnh viêm nang lông như: da biến đổi giống như nổi da gà, các nang lông đẩy mủ, mụn đỏ sẽ sưng lên, cùng với một số sợi lông/tóc ở trung tâm mụn đỏ. Nhiều trường hợp bệnh nặng hơn có thể bị vỡ mụn, chảy ra dịch vàng màu hoặc vàng nhạt.

Nang lông cũng có thể bị kích thích bởi cọ xát lặp đi lặp lại. Chẳng hạn khi bạn mặc quần jean bó sát, chất vải thô tác động vào da gây kích ứng dẫn đến viêm nang lông ở đùi hoặc bẹn.

Những người thường xuyên đổ mồ hôi như người lao động, vận động viên thể thao...là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông cao hơn bình thường. Bệnh cũng hay gặp ở quý ông do thói quen cạo râu, đặc biệt là khi cạo râu ngược chiều mọc của râu. 

Người mắc đái tháo đường, HIV/AIDS, ung thư đang hóa trị, hoặc bệnh nhân đang uống thuốc ức chế miễn dịch cũng dễ bị viêm nang lông hơn những người khác.

Đa số bệnh viêm nang lông không lây, tuy nhiên hãy chú ý đến việc sử dụng chung khăn tắm, dao cạo râu, mặc chung quần áo... với bệnh nhân viêm nang lông có thể bị lây truyền.

2. Điều trị bệnh viêm nang lông như thế nào? Bệnh có chữa được không

Bệnh viêm nang lông hoàn toàn có thể điều trị được, thậm chí, phòng bệnh viêm nang lông có thể chỉ là việc thay đổi một số thói quen trong ngày… Bệnh viêm nang lông ở thẻ nhẹ có thể tự khỏi (hoặc điều trị đơn giản) mà không để lại sẹo nếu điều trị đúng phương pháp. 

Tuy nhiên, giống như tất cả các bệnh nhiễm trùng khác, luôn luôn có phần trăm nhỏ bệnh không thuyên giảm mà phát triển nghiêm trọng hơn. Bệnh có thể bị nhiễm trùng sâu và để lại sẹo, hoặc rụng tóc vĩnh viễn nếu như viêm nang lông ở da đầu.

Tùy vào cơ địa và thể trạng bệnh nặng nhẹ, bác sĩ sẽ kê một số loại kháng sinh như cephalexin hoặc erythromycin. Một loại không thể thiếu trong toa thuốc là thuốc bôi có chứa kháng sinh như erythromycin, clindamycin, hoặc mupirocin. 

Đôi khi ngoài thuốc thoa kháng sinh, bác sĩ có thể cho thoa thêm hydrocortisone 1% trong 3-5 ngày để giảm ngứa nhanh hơn. Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm nang lông có kèm với tình trạng nhiễm nấm, bạn sẽ được cạo tìm nấm, để sử dụng thuốc kháng nấm thích hợp.

Viêm nang lông cũng được chia thành hai dạng là viêm nang lông mạn tính và viêm nang lông cấp tính. Mức độ mạn tính thì bệnh khó điều trị hơn và thường tái đi tái lại, không có phản ứng với thuốc kháng sinh.

3. Ngăn ngừa viêm nang lông tái phát trong tương lai

Quần áo bó sát hay chất vải thô cứng là nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông thường phổ biến. Do vậy bệnh nhân muốn phòng tránh cần chú ý tới điều này. Thay vì mặc quần áo quá chật như quần legging, quần jean ôm, hoặc chất liệu vải cứng, xù xì có thể gây kích ứng da. Bạn nên chọn quần áo rộng rãi, thoải mái để da dễ thở và thoát mồ hôi dễ hơn. 

Ngoài ra, việc vệ sinh da sạch sẽ, hạn chế sử dụng các loại sữa tắm và mỹ phẩm gây kích ứng và tẩy rửa mạnh cũng là một cách phòng tránh viêm nang lông.

Một trong những cách tốt nhất để phòng bệnh là thay ga trải giường thường xuyên để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn và các ký sinh trùng bị mắc kẹt trong đó.

Khi cạo râu, sử dụng một lưỡi dao sắc và một loại kem cạo râu để dao cạo trượt trơn tru hơn trên da. Nếu vẫn bị tái phát, bạn không nên tiếp tục cạo râu, thay vào đó bạn có thể chuyển sang một loại kem làm rụng lông chẳng hạn.

Đối với nữ giới, việc nhổ lông thường xuyên cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông. Do vậy, thay vì waxing, bạn nên sử dụng các phương pháp triệt lông bằng tia laser sẽ an toàn hơn việc tự nhổ hoặc cạo lông. 


Tác giả: Thanh Thanh