Hiện nay nhiều người vẫn cho rằng chỉ nên thực hiện các biện pháp sàng lọc ung thư khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người khỏe mạnh không cần khám tầm soát.
Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ tất cả các bệnh ung thư giai đoạn đầu đều không có những biểu hiện rõ ràng, chỉ khi bệnh lan rộng mới hình thành các triệu chứng rõ rệt.
Hầu hết các bệnh ung thư đều có tỉ lệ chữa khỏi thành công nếu phát hiện sớm, do đó việc tầm soát và sàng lọc ung thư càng sớm càng giúp người bệnh có cơ hội sống sót cao.
Sàng lọc ung thư được khuyến cáo cho tất cả mọi người, nhất là phụ nữ, nam giới trên dưới 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư do hút thuốc lá, uống rượu bia, gia đình có người mắc ung thư, viêm gan B, viêm gan C,...
Mặc dù được khuyến cáo nên sàng lọc ung thư định kỳ 1 lần/năm tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp bất thường người bệnh cần kiểm tra nhiều hơn. Nhất là khi có các triệu chứng kéo dài: ho dai dẳng, đau bụng, nổi hạch hoặc u, chảy máu không rõ nguyên nhân,...
Hiện nay có vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung, được khuyến khích cho trẻ gái và phụ nữ trẻ từ 9-26 tuổi, chưa có quan hệ tình dục. Nhiều phụ nữ cho rằng tiêm vắc xin thì sẽ không mắc bệnh, do vậy không cần sàng lọc ung thư cổ tử cung nữa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiêm phòng không thay thế việc tầm soát ung thư cổ tử cung, bởi vắc xin chỉ giúp chống lại các loại HPV nguy cơ cao nhất gây ung thư cổ tử cung là 16 và 18 (gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung), ngoài ra nó còn giúp ngừa loại HPV 6 và 11 gây ra mụn cóc sinh dục.
Trong khi đó, có khoảng hơn 13 loại HPV có thể gây ra sự thay đổi của các tế bào ở cổ tử cung, và ung thư cổ tử cung. Ngoài HPV 16, 18, các loại khác cũng gây ung thư cổ tử cung bao gồm: HPV 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59 và 68.
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư là một phần trong khám tầm soát, sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ mang tính gợi ý nhằm phát hiện sớm ung thư, còn để đưa ra kết luận chính xác, cần kết hợp các xét nghiệm khác, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết.
Phụ nữ có thai không được khuyến khích tầm soát ung thư, tuy nhiên bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường thì phải đi khám ngay.
Sự thực là chỉ những phụ nữ đã quan hệ tình dục mới nên tầm soát ung thư cổ tử cung. Bởi những người đã quan hệ tình dục có nguy cơ cao nhiễm virus HPV- yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Trong khi đó, những người chưa từng quan hệ tình dục thì khả năng này rất thấp.
Tuổi tác là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, tỷ lệ mắc ung thư cao nhất ở những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người trẻ tuổi không mắc ung thư. Hiện nay, độ tuổi mắc ung thư đang ngày càng hạ thấp, vì vậy những người trẻ tuổi không nên chủ quan với sức khỏe của chính mình.
Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET/CT) là thiết bị y khoa hạt nhân áp dụng công nghệ kết hợp giữa máy PET và máy CT. Thiết bị này giúp phát hiện ung thư giai đoạn sớm, ngoài ra, nó còn giúp tìm kiếm vị trí ung thư di căn, vị trí ung thư nguyên phát, đánh giá hiệu quả điều trị và đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân. Có nhiều người cho rằng PET/CT mới chính là phương pháp tầm soát ung thư toàn thân tốt nhất.
Tuy nhiên, mặc dù không thể phủ nhận ưu điểm của PET/CT, song không thể coi đây là phương pháp tầm soát ung thư, bởi chi phí quá tốn kém, trên 20 triệu đồng/ lần chụp. Hơn nữa, chụp PET/CT có thể gây hại cho cơ thể nếu như chụp thường xuyên, chính vì vậy phương pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.