Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nhờ uống cà phê mỗi ngày

Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nhờ uống cà phê mỗi ngày
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh Alzheimer. Do đó phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Theo một nghiên cứu gần đây, uống cà phê nhiều hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Có hơn 55 triệu người trên toàn thế giới hiện đang phải sống chung với bệnh sa sút trí tuệ. Trong đó, bệnh Alzheimer được xem là dạng sa sút trí tuệ thường gặp nhất, chiếm từ 50-70% tổng số các trường hợp sa sút trí tuệ. Cùng với sự già hóa dân số, số lượng trường hợp mắc bệnh Alzheimer được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Bệnh Alzheimer không phải là kết quả bình thường của sự lão hóa tự nhiên. Ngược lại, nó thực sự là một căn bệnh phức tạp. Bệnh Alzheimer xảy ra gây nên các biến đổi tại não, làm mất trí nhớ và nhận thức suy giảm.

Phòng tránh bệnh Alzheimer nhờ uống cà phê mỗi ngày - Ảnh 1.

Bệnh Alzheimer ngày càng trở nên phổ biến - Ảnh: Internet

Những nghiên cứu trong quá khứ đã từng đề cập đến vai trò của cà phê trong làm giảm tỷ lệ tỷ lệ bị suy giảm nhận thức. Chính vì thế, các nhà khoa học đến từ Đại học Edith Cowan nước Úc đã thực hiện một nghiên cứu mới để tìm hiểu rõ hơn về chủ đề này.

Theo nghiên cứu mới, số lượng cà phê mà một người tiêu thụ mỗi ngày có mối liên hệ với khả năng bị suy giảm nhận thức. Kết quả cụ thể của nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience.

Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Samantha Gardener cho rằng, nếu có thêm các nghiên cứu mới đồng ý với quan điểm này. Trong tương lai, uống cà phê có thể được khuyến cáo với vai trò của một biện pháp thay đổi lối sống trong để làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh Alzheimer.

Theo bà, đây là một sự thay đổi đơn giản mà mọi người đều có thể thực hiện. Những người có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao nhưng không biểu hiện triệu chứng có thể là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này.

Đọc thêm:

Thải độc đại tràng bằng cà phê có tốt không? Bác sĩ cảnh báo điều gì?

Bà bầu uống cà phê được không và thông tin cần biết về bà bầu uống cà phê 

1. Nghiên cứu đã được tiến hành như thế nào?

Để thực hiện nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu theo thời gian về Hình ảnh học, Dấu ấn sinh học và Lối sống tại Úc. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tiến hành theo dõi những người tham gia trong thời gian kéo dài lên đến hàng thập kỷ (khoảng 126 tháng).

Có tổng cộng 227 người đã được lựa chọn tham gia vào nghiên cứu. Họ đều là những người trên 60 tuổi và không có ai bị suy giảm nhận thức trước đó.

Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia sẽ phải trả lời một phiếu câu hỏi nhằm cung cấp thông tin về tần suất và số lượng cà phê mà họ đã sử dụng. Đồng thời, họ cũng sẽ được thực hiện các bài kiểm tra để tiến hành đánh giá chức năng nhận thức. Những bài kiểm tra này sẽ được lặp lại sau mỗi 18 tháng.

Các bài kiểm tra trên những người tham gia tập trung đánh giá 6 vùng của chức năng nhận thức. 6 vùng nhận thức này bao gồm trí nhớ từng hồi, trí nhớ nhận thức, chức năng điều hành, ngôn ngữ, sự chú ý và tốc độ xử lý.

Thang điểm Tổng hợp nhận thức về bệnh Alzheimer tiền lâm sàng (PACC) sẽ được sử dụng để đánh giá những kết quả đã thu được. Thang điểm này là phương pháp đo lường đáng tin cậy để đánh giá những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng suy giảm nhận thức.

Trong số những người tham gia, các nhà khoa học cũng đã tiến hành lựa chọn ra hai nhóm riêng biệt. Nhóm thứ nhất bao gồm 60 người, họ được chỉ định chụp ghi hình cắt lớp positron (PET) để đánh giá sự lắng đọng beta-amyloid trong não. Còn với 51 người trong nhóm thứ 2 sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI để đánh giá mức độ giảm thể tích của não.

2. Mối liên hệ giữa uống cà phê và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Theo phân tích, uống cà phê có tác động tích cực đến chức năng các vùng nhận thức, sự chú ý và điểm số PACC. Sự suy giảm nhận thức ở các vùng trên đều chậm đi nếu uống nhiều cà phê hơn.

Ngoài ra, uống nhiều cà phê hơn làm chậm sự tích tụ của protein amyloid. Tuy nhiên, dường như lại không có bất kỳ mối quan hệ nào giữa hành vi nào với tình trạng giảm thể tích não.

Cụ thể các nhà khoa học nhận thấy, nếu tăng lượng cà phê sử dụng từ 1 tách/ngày lên 2 tách/ngày trong vòng 18 tháng, nguy cơ bị suy giảm nhận thức sẽ có thể giảm đi 8%. Đồng thời, sự tích tụ beta-amyloid tại não cũng sẽ giảm đi tới 5%.

Tiến sĩ Gardener nói, "Sử dụng nhiều cà phê hơn có mối quan hệ với sự lắng đọng của một loại protein gọi là beta-amyloid. Trong não của những người bị bệnh Azheimer có sự tăng tích tụ loại protein này."

Theo bà, kết quả này rất thú vị để có thể xây dựng một cơ chế triển vọng trong điều trị bệnh Alzheimer. Một loại thuốc mới là Aduhelm (aducanumab) cũng hoạt động dựa trên cơ chế làm giảm sự tích tụ của protein beta-amyloid. Tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều tranh cãi xung quanh tác dụng của loại thuốc này, thậm chí một số ý kiến cho rằng nó không làm giảm sự suy giảm nhận thức. Trong khi đó, uống cà phê đã làm được điều này.

Phòng tránh bệnh Alzheimer nhờ uống cà phê mỗi ngày - Ảnh 2.

Nghiên cứu mới cho thấy uống cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer - Ảnh: Internet

3. Những giới hạn của nghiên cứu

Các giới hạn của nghiên cứu là điều cần phải được xem xét một cách thận trọng.

Thứ nhất, hồi tưởng để tự báo cáo các thông tin liên quan đến chế độ ăn uống có thể gây ra một số sai lệch trong độ chính xác của dữ liệu thu được. Nhưng nghiên cứu lần này đề cập đến việc sử dụng cà phê nên nhóm nghiên cứu cho rằng sự sai sót sẽ ít xảy ra hơn. Bởi vì nó đã diễn ra như một thói quen trong suốt một thời gian dài.

Thứ hai, nghiên cứu này được tiến hành trên phạm vi nhỏ, chỉ có 227 người tham gia. Với số lượng người tham gia ít ỏi như vậy đã dẫn đến việc kết quả thu được thiếu tính tổng quát cho toàn bộ dấn số nói chung.

Tiến sĩ Gardener còn cho rằng, phần lớn những người tham gia nghiên cứu của bà và các cộng sự là những người da trắng. Điều này làm hạn chế tính khái quát hóa của kết quả đối với các quần thể khác. Vì thế sẽ cần thêm các nghiên cứu mới với thành phần tham gia da dạng hơn để có thể khẳng định kết quả.

Đồng thời, nghiên cứu này cũng không đề cập đến các đối tượng nằm trong lứa tuổi trung niên.  Từ đó dẫn đến không thể đánh giá được các tác động của việc sử dụng cà phê lên nhóm người thuộc lứa tuổi này trong giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Sự khác biệt giữa sử dụng cà phê có chứa caffein với cà phê không chứa caffein chưa được đề cập đến cũng là một sự hạn chế trong nghiên cứu. Do đó, không thể khẳng định về tác dụng của phương pháp đã chuẩn bị.

Theo Tiến sĩ Sara Imarisio đến từ Viện nghiên cứu Bệnh Alzheimer thuộc Vương quốc Anh, những nghiên cứu dạng này có thể cung cấp các bằng chứng về lợi ích của chế độ ăn uống đối với sức khỏe não bộ. Tuy nhiên, chung ta phải thận trọng khi lý giải kết quả của chúng. Bởi còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể thúc đẩy sa sút trí tuệ xảy ra.

Bà nói thêm, nghiên cứu này không thể hiện được mối quan hệ nhân quả. Vì vậy không thể xác nhận được liệu uống cà phê có thực sự làm giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Hơn thế nữa, vấn đề tiêu thụ cà phê chỉ được báo cáo khi nghiên cứu bắt đầu. Nên không rõ các phát hiện trong nghiên cứu này có mối quan hệ gì với sức khỏe lâu dài của não bộ hay không.

Phòng tránh bệnh Alzheimer nhờ uống cà phê mỗi ngày - Ảnh 3.

Nghiên cứu về tác dụng của cà phê trong làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong tương lai - Ảnh: Internet

4. Điều cần làm trong tương lai

Theo nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu bổ sung cần được tiến hành trên nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong thời gian dài hơn. Đồng thời cũng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu can thiệp khác với số lượng và chủng loại cà phê sử dụng được chỉ định một cách cụ thể. Điều này sẽ giúp xác nhận lại các phát hiện trong nghiên cứu lần này.

Tiến sĩ Imarisio có đồng ý kiến với quan điểm này. Trong tương lai sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để đánh giá dài hạn về các tác dụng của việc sử dụng cà phê trong giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên bà cũng lưu ý rằng, những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe não bộ khi tuổi tác tăng cao chính là đảm bảo hoạt động thể chất và tinh thân, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu giới hạn, kiểm soát cân nặng, cholesterol, huyết áp,...

Nguồn tham khảo:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/drinking-coffee-may-reduce-the-risk-of-developing-alzheimers-disease

Tác giả: QN