Chuyên gia sản phụ khoa Amanda Jefferys tại Trung tâm Y khoa Sinh sản thuộc Bệnh viện Southmead tại TP Bristol và cộng sự giải thích rằng tuyến giáp sản sinh những hormone thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể cũng như những thay đổi từ đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản trước, trong lúc và sau khi mang thai.
Khảo sát cho thấy 2,3% phụ nữ có vấn đề về sinh sản mắc bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá đáng). Tỉ lệ bệnh này chiếm trung bình khoảng 1,5 % trong dân cư và bệnh có thể gây rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ngược lại, bệnh nhược giáp (tuyến giáp hoạt động yếu) xảy ra ở khoảng 0,5% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và bệnh có thể khiến thiếu niên chậm phát triển khả năng tình dục.
Nghiên cứu phát hiện rằng nhược giáp cũng liên quan đến vấn đề kinh nguyệt và trong nhiều trường hợp khiến khó rụng trứng. Điều đáng lưu ý nhất trong nghiên cứu này là bệnh về tuyến giáp khiến dễ xảy ra biến chứng trong khi mang thai và khi sinh nở như sẩy thai, tiền sản giật, thai chết, thai kém phát triển, sinh non. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo phụ nữ nên kiểm tra và chữa trị rối loạn chức năng tuyến giáp.
Chuyên gia nội tiết sinh sản Mỹ thuộc Bệnh viện Lenox Hill tại TP New York, TS Tomer Singer, đồng ý với nghiên cứu nói trên.
Trang tin MNT dẫn lời ông Singer: “Trong hơn 2 thập niên qua, chúng tôi lưu ý mối quan hệ chặt chẽ giữa bệnh về tuyến giáp với vô sinh cũng như tác hại lên thai kỳ và hậu quả lúc sinh nở. Tôi ủng hộ việc kiểm tra phát hiện rối loạn chức năng tuyến giáp lúc bắt đầu mang thai, khi chữa trị vô sinh và tìm kiếm nguyên nhân sẩy thai”. Ông cho biết biện pháp phát hiện rối loạn tuyến giáp chỉ cần qua xét nghiệm máu một cách đơn giản đồng thời việc chữa trị cũng đơn giản và an toàn với khả năng phục hồi cao.
Một chuyên gia khác cũng hậu thuẫn cho lập luận nói trên là TS Alan Copperman, Trưởng Khoa Nội tiết sinh sản và vô sinh tại Bệnh viện Mount Sinai ở TP New York. Ông Copperman khẳng định: “Cả hai bệnh cường hay nhược giáp đều ảnh hưởng nghiêm trọng lên chức năng sinh sản. Do đó, chữa trị một bệnh nhỏ có thể cải thiện cơ hội mang thai, giảm nguy cơ sẩy thai đồng thời cải thiện sức khỏe cho đứa bé”.