Giảm cân đột ngột cần chú ý khi giảm khoảng 4,5 kilogram (kg) cân nặng hoặc 5% trọng lượng cơ thể bình thường trong vòng từ 6 - 12 tháng. Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như trầm cảm, ung thư, rối loạn tiêu hóa hoặc căng thẳng.
Theo Health, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây giảm cân đột ngột dựa trên tình trạng sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất và một số rủi ro khách quan ngoài ý muốn mà bạn có thể tham khảo.
Lưu ý, những nguyên nhân này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ. Khi phát hiện cân nặng giảm đột ngột mà không ăn kiêng hay tập luyện, hãy theo dõi các triệu chứng kèm theo nếu có và gặp bác sĩ sớm để được thăm khám.
Tình trạng sức khỏe tâm thần
Một vài tình trạng sức khỏe tâm thần có thể gây chán ăn và dẫn tới giảm cân đột ngột, bao gồm trầm cảm, lo lắng, căng thẳng, rối loạn ăn uống,...
Đọc thêm:
+ 10 lý do khiến bạn "tự nhiên bị mệt" không phải do trầm cảm theo mùa
+ Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có ảnh hưởng tới tính mạng không? Làm cách nào để nhận biết?
Tình trạng sức khỏe thể chất
- Ung thư: Chán ăn và giảm cân bất thường là triệu chứng thường gặp và đáng chú ý của các bệnh ung thư bắt đầu từ máu như bệnh bạch cầu và u lympho hoặc các dạng ung thư khác như ung thư ruột kết, ung thư thực quản, ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tụy.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư khác có thể kể đến như: Ho dai dẳng, thay đổi bất thường trên da, thay đổi thói quen đại tiện, thường xuyên đầy bụng, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi kéo dài, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân,...
Điều trị ung thư bao gồm: Phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc thuốc nhắm mục tiêu.
- Bệnh tiểu đường: Do không thể sử dụng đường để tạo năng lượng một cách bình thường nên người bị tiểu đường type 1 có thể bị giảm cân đột ngột. Các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường type 1 có thể gồm khát nước nhiều hơn và đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
Điều trị bệnh tiểu đường type 1 bao gồm: Sử dụng insulin, theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, sử dụng thực phẩm lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Mục tiêu là giữ cho lượng đường trong máu của bạn càng gần mức bình thường càng tốt để trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng do tiểu đường gây ra.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh phổi mãn tính đặc trưng bởi luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi gây khó thở, ho, đờm và thở khò khè. Người bị COPD tường gặp khó khăn trong ăn uống do khó thở và mệt mỏi kéo dài dẫn đến chán ăn và giảm cân.
- Rối loạn thần kinh: Những người mắc các bệnh lý thần kinh (liên quan đến não) như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer thường bị sụt cân đột ngột - đây cũng là một trong những triệu chứng sớm của bệnh. Giảm cân được giải thích là do bệnh nhân bị rối loạn thần kinh dẫn tới giảm khả năng cảm nhận mùi và vị của thức ăn, từ đó dẫn tới chán ăn. Bệnh cũng thường gặp ở người lớn tuổi, độ tuổi mà quá trình trao đổi chất giảm - một trong những yếu tố thúc đẩy giảm cân.
- Bệnh cường giáp: Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức khiến quá trình trao đổi chất "tăng tốc". Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến giảm cân do cơ thể đốt chát calo nhanh hơn bình thường.
- Bệnh Celiac: Người mắc bệnh Celiac không thể dung nạp gluten - một loại protein có trong lúa mì. Khi tiếp xúc với lúa mì, cơ thể sẽ sinh ra phản ứng tự miễn dịch ngăn cản sự hấp thụ chất dinh dưỡng và dẫn tới giảm cân.
- Tiêu chảy mãn tính: Một số tình trạng tiêu hóa như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn có thể gây tiêu chảy mãn tính và ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, từ đó gây sụt cân đột ngột.
- Lupus: Lupus là một tình trạng tự miễn gây ra các vấn đề về tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Giảm cân thường là triệu chứng sớm của bệnh lupus.
- Bệnh Addison: Bệnh addison khiến tuyến thượng thận không tạo ra đủ hormone cortisol. Hệ quả là gây ra các vấn đề về dạ dày như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy khiến bạn chán ăn và giảm cân.
- Viêm khớp dạng thấp: Tình trạng này gây đau và sưng ở các khớp. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp cũng gây viêm ở đường tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề về hấp thụ thức ăn và gây sụt cân.
Các yếu tố nguy cơ gây giảm cân đột ngột
Ngoài tình trạng sức khỏe tâm thần và thể chất kể trên thì một số yếu tố khách quan cũng làm tăng nguy cơ giảm cân đột ngột, bao gồm: tuổi tác, các vấn đề về răng như rụng răng hay giảm tiết nước bọt, hút thuốc, khô miệng, tác dụng phụ của thuốc ức chế men chuyển ACE hay thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
Nếu đang sử dụng thuốc và gặp tác dụng phụ này, hãy nói chuyện với bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều, có thể ảnh hưởng tới tình trạng bệnh.
Nếu nhận thấy cân nặng giảm khoảng 4,5 kg cân nặng hoặc 5% trọng lượng cơ thể bình thường trong vòng từ 6 - 12 tháng mà không qua ăn kiêng hay tập luyện, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sụt cân đột ngột là gì.
Để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, phân tích mẫu phân, xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang hoặc MRI, phân tích đánh giá tâm lý,... tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Nguồn dịch: What Causes Unexpected Weight Loss?