Giảm cân bằng phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước tốt hay hại cho sức khoẻ?

Giảm cân bằng phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước tốt hay hại cho sức khoẻ?
Phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước có thể giúp giảm cân nhưng không phải là giảm béo. Phần lớn trọng lượng bạn giảm được lúc đầu có thể đến từ nước, carbs và thậm chí là một lượng nhỏ khối lượng cơ bắp.

Có rất nhiều phương pháp ăn uống giảm cân, trong đó nhiều người lựa chọn Water Fasting, đây là phương pháp nhịn ăn và chỉ uống nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh phương pháp này. Vậy có nên giảm cân bằng bằng cách nhịn ăn bằng nước (Water Fasting) hay không?

1. Water Fasting là gì?

Water Fasting là một kiểu nhịn ăn mà bạn chỉ uống nước trong một khoảng thời gian - thường là 24 đến 72 giờ và không ăn bất kỳ thức ăn hoặc đồ uống nào khác. Mục đích của phương pháp này là giúp giảm cân và thải độc cơ thể.

Mặc dù không có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên người về phương pháp Water Fasting, nhưng một số nghiên cứu dường như cho thấy một số lợi ích của phương pháp này. Tuy nhiên, phương pháp Water Fasting tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể rất nguy hiểm nếu tuân theo quá lâu.

Giảm cân bằng phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước tốt hay gây hại cho sức khoẻ? - Ảnh 2.

Water Fasting là một kiểu nhịn ăn mà bạn chỉ uống nước trong khoảng 24 đến 72 giờ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Những thói quen buổi sáng giúp "tăng tốc" hành trình giảm cân mùa hè

4 loại thực phẩm không nên cắt bỏ nếu bạn đang cố gắng giảm cân

2. Lợi ích của phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước

Một số nghiên cứu cho rằng phương pháp nhịn ăn uống nước có thể đem lại một số lợi ích nhưng chỉ mang tính hứa hẹn.

2.1. Có thể điều trị tăng huyết áp

Một nghiên cứu được thực hiện với 174 người tham gia bị tăng huyết áp giới hạn, họ đã hướng dẫn nhịn ăn trong 10 - 11 ngày dưới sự giám sát về mặt y tế. Kết quả cho thấy huyết áp đã giảm xuống mức bình thường ở 90% số người tham gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ người. Ngoài ra, những người tham gia không nhịn ăn một mình. Vì quá trình nhịn ăn kéo dài nên họ phải ở trong một cơ sở điều trị nội trú và được kiểm tra y tế hai lần một ngày để đảm bảo an toàn.

2.2. Có thể cải thiện độ nhạy insulin và leptin

Insulin và leptin là những hormone quan trọng ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Insulin giúp cơ thể lưu trữ chất dinh dưỡng từ máu, trong khi leptin giúp cơ thể cảm thấy no.

Nghiên cứu cho thấy rằng nhịn ăn bằng nước có thể khiến cơ thể bạn nhạy cảm hơn với leptin và insulin. Độ nhạy cao hơn làm cho các hormone này hoạt động hiệu quả hơn.

Khi cải thiện độ nhạy cảm với insulin cơ thể bạn giảm lượng đường trong máu hiệu quả và đặc biệt hữu ích cho người bị tiểu đường. Trong khi đó, nhạy cảm hơn với leptin có thể giúp cơ thể bạn xử lý các tín hiệu đói hiệu quả hơn và do đó, giảm nguy cơ béo phì.

Giảm cân bằng phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước tốt hay gây hại cho sức khoẻ? - Ảnh 3.

Nhịn ăn bằng nước có thể mang lại một số lợi ích sức khoẻ nhưng cần nghiên cứu nhiều hơn (Ảnh: Internet)

2.3. Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính

Có một số bằng chứng cho thấy việc nhịn ăn bằng nước có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư và bệnh tim. 

Một số nghiên cứu cũng gợi ý rằng nhịn ăn bằng nước có thể bảo vệ tim khỏi tác hại của các gốc tự do. Các gốc tự do là các phân tử không ổn định có thể làm hư hỏng các bộ phận của tế bào. Chúng được biết là đóng một vai trò trong nhiều bệnh mãn tính.

2.4. Giảm cân

Bằng cách lấy đi lượng calo của cơ thể, nhịn ăn nước có thể bắt đầu ketosis - một trạng thái trao đổi chất trong đó cơ thể đốt cháy chất béo dự trữ để lấy năng lượng và giúp giảm cân.

2.5. Thải độc nhờ quá trình tự thực bào

Tự thực bào giúp loại bỏ các chất độc hoặc tế bào bị hư hỏng, giúp cho các tế bào khác khỏe mạnh và hoạt động tốt. Ngoài ra, tự thực bào có thể giúp bảo vệ cơ thể, chống lại các bệnh như ung thư, bệnh Alzheimer và bệnh tim cũng như có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Mà tự thực bào xảy ra khi chúng ta nhịn ăn, bỏ đói cơ thể.

Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi đề xuất phương pháp nhịn ăn bằng nước để thúc đẩy quá trình tự thực bào.

3. Nguy hiểm và rủi ro khi áp dụng phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước

Nhịn ăn bằng nước mặc dù có thể mang lại lợi ích cho một số người, nhưng không phải là không có rủi ro và có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Dưới đây là một số nguy hiểm và rủi ro khi áp dụng phương pháp này:

3.1. Có thể bị mất nước

Nhịn ăn bằng nước có thể khiến bạn bị mất nước. Điều này là do khoảng 20-30% lượng chất lỏng hàng ngày của bạn đến từ thực phẩm bạn ăn. Do đó, nếu chỉ uống nước mà không ăn bất kì thực phẩm nào, bạn có thể bị thiếu nước và chất lỏng.

Ngoài ra, việc nhịn ăn bằng nước có thể dẫn đến sự mất cân điện giải, ảnh hưởng đến chức năng của tim và cơ.

3.2. Bị hạ huyết áp thế đứng

Mất nước do nhịn ăn bằng nước có thể dẫn đến hạ huyết áp thế đứng. Hạ huyết áp thế đứng là tình trạng tụt huyết áp xảy ra khi bạn đột ngột đứng dậy và nó có thể khiến bạn chóng mặt, choáng váng, thậm chí là ngất xỉu. Nếu bạn gặp những triệu chứng này trong thời gian nhịn ăn bằng nước thì có thể đây không phải là một lựa chọn tốt cho bạn.

Giảm cân bằng phương pháp Water Fasting - nhịn ăn bằng nước tốt hay gây hại cho sức khoẻ? - Ảnh 4.

Nhịn bằng nước đem lại nhiều rủi ro đối với sức khoẻ hơn là lợi ích (Ảnh: Internet)

3.3. Thiếu dưỡng chất

Nhịn ăn bằng nước kéo dài có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng nếu không được lên kế hoạch và giám sát đầy đủ. Vì khi này, cơ thể bạn không hề được bổ sung bất kỳ loại thực nào khác ngoài nước.

Ngoài những rủi ro trên, nhịn ăn kéo dài cũng có thể dẫn đến suy nhược cơ, đặc biệt nếu lượng protein nạp vào không đủ.

4. Những ai không nên giảm cân bằng phương pháp Water Fasting

Một số người gặp các vấn đề sức khoẻ sau không nên áp dụng biện pháp nhịn ăn bằng nước:

- Bệnh gút: Nhịn ăn bằng nước có thể làm tăng sản xuất axit uric, một yếu tố nguy cơ gây ra các cơn gút.

- Rối loạn ăn uống: Những người có tiền sử rối loạn ăn uống nên tránh nhịn ăn nước vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này, có thể khiến cơ thể mất hứng thú với thực phẩm.

Nhìn chung, nhịn ăn bằng nước (Water Fasting) không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt chỉ nên áp dụng phương pháp này trong một thời gian ngắn để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Phương pháp này đem lại nhiều rủi ro đối với sức khoẻ hơn là lợi ích. Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc hoặc mắc bất kỳ bệnh lý nào, đừng nhịn ăn với nước trừ khi đó là chỉ định của bác sĩ. Tốt hơn hết, mọi người không nên nhịn ăn bằng nước mà không có sự giám sát y tế.

Nguồn tham khảo:

1. Water Fasting: Benefits and Dangers

2. Water Fasting; The Ancient Practice for Modern Wellness


Tác giả: Vân Anh