Chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi với cái tên trào ngược axit hoặc ợ nóng là tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra sự khó chịu.
Khi dịch vị đi lên thực quản gây viêm, nó kích thích cổ họng và cũng làm hẹp chu vi thực quản. Người bệnh cũng gặp phải các triệu chứng như khản giọng, thức ăn bị vướng trong cổ họng hay bị nóng rát cổ, buồn nôn, ho và ăn mòn men răng. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ tái phát bệnh trào ngược dạ dày thực quản ngày càng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân.
Thứ nhất, do bệnh này thường bị coi nhẹ và bỏ qua ở giai đoạn đầu. Cho nên, nếu được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn đầu thì khả năng phục hồi của niêm mạc thực quản lớn, người bệnh cũng chỉ cần điều trị trong ngắn ngày và khả năng tái phát cũng thấp hơn.
Những triệu chứng của trào ngược dạ dày ở giai đoạn đầu có thể kể đến là ợ hơi, ợ chua còn cả ở người bình thường, nhất là sau khi ăn no hay khi nằm. Do vậy, chúng lại thường bị coi nhẹ và bỏ qua. Việc điều trị vừa khó mà bệnh lại dễ tái phát do đa phần người bệnh chỉ điều trị khi bệnh đã nặng.
Thứ hai, do bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ bị nhầm với các bệnh khác
Khi bệnh bị tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ có cảm giác bị nóng rát thực quản và tức ngực, khó nuốt, buồn nôn, đắng miệng, khàn giọng, ho khan kéo dài. Do đó, nhiều bệnh nhân hiểu nhầm rằng mình mắc các bệnh thuộc về đường hô hấp, như: Viêm họng, viêm thanh quản… và tự ý điều trị. Việc tự ý điều trị dẫn đến không đúng cách hoặc chủ quan không thăm khám sẽ làm cho triệu chứng của bệnh này không thuyên giảm, khi có tác nhân gây kích thích, bệnh dễ tái phát trở lại.
Thứ ba, do thói quen sinh hoạt, làm việc không điều độ làm tăng khả năng tái phát trào ngược
Thứ tư, vận động hoặc nằm ngay sau khi ăn hay do hút thuốc, lo lắng căng thẳng.
Thứ năm, các thuốc chống tiết acid không có tác dụng lâu dài. Các thuốc chống tiết acid và nhóm ức chế bơm proton, hay thuốc đối kháng H2 tác động nhanh làm giảm tiết acid, nhờ vậy làm cho niêm mạc thực quản bị tổn thương có thời gian phục hồi. Tuy nhiên, hạn chế của các thuốc này là chỉ giúp giảm về mặt triệu chứng trong ngắn hạn; khi ngừng thuốc các triệu chứng này sẽ có thể quay trở lại.
Nếu người bệnh có tình trạng ợ hơi nhiều lần trong một ngày; hay ợ chua, ợ nóng trên 3 lần/tuần và kéo dài trên 2 tuần, cần nghĩ ngay đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Một trong những yếu tố giúp phân biệt bệnh trào ngược với các bệnh lý về tim mạch hay hô hấp khác là trước khi có các biểu hiện tức ngực, đau họng, ho hen… người bệnh có một thời gian dài có các triệu chứng ợ hơi, ợ chua hay ợ nóng.
Nâng cao kiến thức về bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Tiếp theo đó là cần tạo lập chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hợp lí. Chế độ làm việc, sinh hoạt và ăn uống khoa học, hạn chế căng thẳng thần kinh và tập thể dục giúp phòng tránh và hạn chế bệnh trào ngược dạ dày thực quản tái phát.
Đặc biệt, người bệnh cần tránh các thực phẩm ảnh hưởng đến áp lực cơ thắt thực quản hoặc kích thích thực quản như: đồ ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, bia rượu, cà phê, đồ uống có ga, trái cây có tính chua. Không ăn quá no, không nằm và vận động mạnh ngay sau khi ăn.