Giải pháp chăm sóc hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Giải pháp chăm sóc hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nếu không được phát hiện và điều trị bệnh từ sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây bại liệt vĩnh viễn. Người bệnh cần được chăm sóc chu đáo, điều trị tích cực và có kế hoạch tập luyện phục hồi chức năng cụ thể.

Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chủ yếu thuộc nhóm đối tượng ít vận động, dân văn phòng và người cao tuổi. Bệnh có thể phát hiện được từ rất sớm, ngay từ những cơn đau đầu tiên ở vùng cổ, vai gáy và điều trị bằng vật lý trị liệu. 

Tuy nhiên, nhiều người không ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, để đến khi bệnh nặng bắt buộc phải phẫu thuật cùng nguy cơ biến chứng cao. Lúc này, việc chăm sóc người bệnh và điều trị phục hồi gặp rất nhiều khó khăn. Sau đây là một số hướng dẫn quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cổ.

1. Người bệnh cần được nghỉ ngơi đủ

Khi bị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, thoát vị đĩa đệm cổ, người bệnh cần được nghỉ ngơi hợp lý. Trong thời gian điều trị bệnh, tuyệt đối không được để người bệnh làm các công việc nặng nhọc, bê vác vật nặng, lao động quá sức. 

Đặc biệt với những người mới thực hiện phẫu thuật xong thì cần đảm bảo tuyệt đối về thời gian nghỉ ngơi tại chỗ và sau đó dần dần tập các vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cụ thể, những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sau khi phẫu thuật cần nằm nghỉ hoàn toàn tại giường bệnh từ 1 - 2 tuần (tùy mức độ hồi phục của vết mổ). Đảm bảo không vận động vùng đầu, cổ trong thời gian này để tránh cho vết mổ bị tác động dễ bục chỉ, nhiễm trùng rất nguy hiểm. 

Sau đó, người bệnh cần nghỉ ngơi thoải mái, chỉ sinh hoạt cá nhân nhẹ nhàng từ 6 tháng tới 1 năm. Cổ là bộ phận rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể nên khi di chuyển người bệnh cần có người bệnh cạnh dìu, đỡ, đặc biệt là khi nằm và ngồi dậy. Bất cứ tác động nào trong thời gian này cũng có thể gây ra những ảnh hưởng khôn lường cho sức khỏe người bệnh.

2. Chăm sóc người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng vật lý trị liệu

Sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ ngơi tại chỗ hoàn toàn, người bệnh cần bắt đầu thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động. các bài tập vật lý trị liệu là giúp cho các cơ gân, phần xương của cột sống được co giãn, tăng sự đàn hồi, dẻo dai của các khối cơ lưng và bụng. 

Tùy vào thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ điều trị sẽ cho lời khuyên về những bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống cổ phù hợp và hướng dẫn cụ thể về thời gian, cường độ tập luyện. Đặc biệt với những bệnh nhân tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật, cần tới trung tâm phục hồi chức năng và tập luyện dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật viên, không được tự ý tập luyện tại nhà khi chưa có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Đối với các trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống nhẹ, phát hiện sớm và không cần làm phẫu thuật, có thể áp dụng các bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sau đây để hỗ trợ giảm đau và điều trị phục hồi:

- Bài tập căng cổ sang hai bên

- Bài tập ngồi vặn mình

- Bài tập duỗi cổ

- Bài tập đứng cúi gập người

Các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ trên phù hợp với nhiều người. Để tăng khả năng chữa lành bệnh, người bệnh cần được chẩn đoán đúng nguyên nhân gây đau, tiếp cận đúng phương pháp điều trị.

3. Một số lưu ý quan trọng chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Sau khi thực hiện mổ thoát vị đĩa đệm cổ, thường người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống, nhất là với kỹ thuật mổ đường trước. Để giảm đau nhanh, người bệnh cần tập nói chuyện, tập nuốt, tập uống nước từ sớm, cảm giác đau sẽ giảm bớt sau khoảng 4 - 5 ngày. 

Trong trường hợp phẫu thuật cần đặt mảnh ghép và nẹp cố cố định cột sống cổ, người bệnh cần tuân thủ đúng thời gian sử dụng nẹp cứng cổ từ 3 - 6 tuần.

Sau thời gian bắt buộc sử dụng nẹp cố định cổ, khi ra ngoài người bệnh vẫn nên duy trì sử dụng nẹp cổ để tránh chấn thương ngoài ý muốn. Nẹp cổ cứng thường chèn vào xương hàm, vai, xương đòn, gây đau cho người bệnh và còn làm cứng mỏi vai gáy. 

Vì vậy, sau khi hết thời gian dùng nẹp, người bệnh cần tích cực tập các động tác phù hợp để giảm bớt cảm giác khó chịu đồng thời phục hồi chức năng vận động của cổ, vai gáy tốt hơn.


Tác giả: hoangtrang