Giải đáp thắc mắc: Dậy thì sớm có bị lùn không?

Giải đáp thắc mắc: Dậy thì sớm có bị lùn không?
Dậy thì sớm là tình trạng ngày càng phổ biến. Nó không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ mà còn tác động đến cả sự phát triển thể chất trong tương lai. Trong đó, trẻ dậy thì sớm có bị lùn không là vấn đề được các bậc phụ huynh rất quan tâm.

1. Trẻ bị dậy thì sớm

Dậy thì là giai đoạn mà trẻ có những sự thay đổi mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần, đánh dấu sự hoàn thiện về chức năng sinh dục của trẻ. Một đứa trẻ thường được coi là dậy thì nếu có sự xuất hiện của các dấu hiệu sinh dục thứ cấp như vỡ giọng ở trẻ nam, mọc râu, mọc lông mu và lông nách, có kinh nguyệt và phát triển tuyến vú ở trẻ nữ,...

Tuy nhiên, không còn như ông bà ta trước kia thường hay nói "nữ thập tam, nam thập lục" để chỉ về lứa tuổi dậy thì của trẻ nữ và trẻ nam. Hiện nay, độ tuổi dậy thì của cả hai giới đang có xu hướng giảm dần và vẫn sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai. Do đó, không ít các trường hợp mà trẻ được ghi nhận dậy thì sớm khi mới chỉ 8 hay 9 tuổi.

Giải đáp thắc mắc: Dậy thì sớm có bị lùn không? - Ảnh 2.

Không ít các trường hợp mà trẻ được ghi nhận dậy thì sớm khi mới chỉ 8 hay 9 tuổi (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Dậy thì muộn có tốt không? Những điều cần biết về dậy thì muộn

Tuổi dậy thì không nên ăn gì?

Người ta cho rằng tình trạng trẻ bị dậy thì sớm ngày càng gia tăng là do có sự đóng góp của việc thay đổi môi trường sống xung quanh trẻ. Những đứa trẻ được tiếp xúc sớm hơn với các sản phẩm văn hóa liên quan đến giới tính (phim ảnh, sách báo) hoặc thường xuyên sử dụng thức ăn có chưa hormone tăng trưởng,... sẽ kích thích não bộ khởi phát giai đoạn dậy thì.

Bên cạnh đó, những bệnh lý liên quan đến di truyền hoặc các bệnh lý liên qua đến trục nội tiết sinh dục (u buồng trứng, u tinh hoàn, tăng sản thượng thận,...) cũng được ghi nhận là các nguyên nhân có thể gây dậy thì sớm.

2. Dậy thì sớm có bị lùn không?

Ngoài những tác động xấu lên tâm lý của trẻ như khiến trẻ thiếu tự tin vì sự khác biệt hình thể so với bạn bè cùng trang lứa, xuất hiện ham muốn tình dục sớm khi chưa đủ ý thức về bản thân,... thì những tác động về thể chất của dậy thì sớm cũng khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là trẻ dậy thì sớm có bị lùn không, có còn cao lên được trong tương lai hay không?

Giải đáp thắc mắc: Dậy thì sớm có bị lùn không? - Ảnh 1.

Trẻ dậy thì sớm có bị lùn không? (Ảnh: Internet)

Như đã nói, lứa tuổi dậy thì đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về cả thể chất và tinh thần của trẻ, bao gồm cả sự phát triển của hệ xương khớp. Dưới sự kích thích của hormone sinh dục và hormone tăng trưởng được tiết nhiều hơn trong tuổi dậy thì khiến cho xương của những đứa trẻ phát triển rất nhanh. Điều này khiến những đứa trẻ dậy thì sớm có chiều cao vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa trong giai đoạn đầu.

Nhưng khi trẻ bước qua tuổi dậy thì, hàm lượng của các hormone này sẽ giảm xuống, không còn kích thích mạnh mẽ sự phát triển của xương như trước làm trẻ cao chậm lại. Hơn nữa, các đầu xương của trẻ cũng nhanh chóng bị cốt hóa khi trẻ kết thúc lứa tuổi dậy thì nên xương sẽ rất khó để dài ra trong tương lai.

Chính vì vậy, ưu thế về chiều cao của những đứa trẻ dậy thì sớm so với bạn cùng trang lứa trong giai đoạn đầu sẽ nhanh chóng bị san bằng và bị vượt qua. Dẫn tới vóc dáng của trẻ dậy thì sớm khi trưởng thành thấp hơn đáng kể so với những người khác.

Người ta thống kê rằng, những bạn nữ bị dậy thì sớm có thể thấp hơn 12cm so với những phụ nữ khác khi trưởng thành. Trong khi đó, sự chênh lệch này ở các bạn nam dậy thì sớm có thể lên đến 20 cm.

Qua đó có thể thấy, với vấn đề trẻ dậy thì sớm có bị lùn không thì khẳng định đây là điều chắc chắn. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải chú ý đến sự phát triển của trẻ để phát hiện tình trạng dậy thì sớm kịp thời. Từ đó tạo điều kiện cho các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tạo ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ trong tương lai.


https://suckhoehangngay.vn/giai-dap-thac-mac-day-thi-som-co-bi-lun-khong-20220419053252272.htm
Tác giả: QN