Hầu hết chúng ta đều biết rằng, ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Có nhiều nghiên cứu đã từng được thực hiện để tìm kiếm mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ kém và các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các nghiên cứu này đều chỉ tập trung vào một vấn đề duy nhất của giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ hay thời lượng ngủ, ...
Nhưng gần đây, một nghiên cứu mới về giấc ngủ đã được trình bày tại Hội nghị của Hội Tim mạch Châu Âu. Theo đó, khi mọi người có giấc ngủ ngon sẽ có thể phòng tránh đến 7/10 các bệnh lý về tim mạch.
Nghiên cứu mới được thực hiện với 7200 người tham gia trong khoảng thời gian từ năm 2008 cho đến năm 2011. Những người này có độ tuổi trung bình là 59, và đều chưa được ghi nhận mắc bệnh lý tim mạch tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành theo dõi những người tham gia trong suốt 1 thập kỷ, và làm lại các kiểm tra cần thiết cứ mỗi 2 năm một lần. Thói quen ngủ, điểm số của giấc ngủ và tỷ lệ phát triển mới bệnh tim mạch là các nội dung được đặc biệt quan tâm, xem xét.
Kết quả cho thấy rằng, chỉ có 10% số người tham gia vào nghiên cứu có điểm số giấc ngủ ở mức tối ưu, với mức 5 điểm là điểm số tối đa. Đồng thời có tới 8% số người có điểm số giấc ngủ ở dưới mức cơ bản.
So với những người có điểm số giấc ngủ chỉ đạt mức 0 hoặc 1 điểm thì nguy cơ phát triển bệnh mạch vành và đột quỵ thấp hơn đến 75% ở những người có điểm số giấc ngủ là 5. Tuy nhiên, cứ mỗi khi điểm số giấc ngủ ở những người có điểm số thấp được cải thiện một điểm, nguy cơ đột quỵ có thể giảm đi đến 22% so với trước đó.
Theo ước tính, khi tất cả những người tham gia đều có điểm số giấc ngủ ở mức tối ưu thì có thể giúp tránh được tới 72% các trường hợp mắc bệnh mạch vành và đột quỵ hằng năm. Khi điểm số giấc ngủ tăng lên theo thời gian thì mức nguy cơ cũng sẽ giảm bớt tới 7% cho mỗi điểm tăng lên.
Đọc thêm:
- Khuyến cáo mới về cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ nhỏ
- Nghiên cứu mới: Giảm cân hiệu quả hơn nhờ ngủ đủ giấc
Theo Tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ Aboubakari Nambiema đến từ Viện nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp, cuộc sống bận rộn khiến tỷ lệ những người có giấc ngủ ngon thấp hơn so với mong đợi. Khi các hành vi lành mạnh được áp dụng thì tầm quan trọng của giấc ngủ ngon đối với sức khỏe tim mạch cũng cần được giáo dục đầy đủ. Giảm tiếng ồn vào ban đêm hoặc giảm căng thẳng ở nơi làm việc có thể là những cách giúp ngủ ngon hơn.
Tiến sĩ Colin Espie - Chuyên gia thần kinh tại Đại học Oxford cho rằng, tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe có thể là rất rõ ràng. Điều này giống như việc cơ thể chúng ta cần oxy, nhưng nó lại ít khi được chú ý nhiều cho đến khi các vấn đề xảy ra.
Mặc dù vậy, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng được chú ý hơn và giấc ngủ dần trở thành một yếu tố chủ chốt của sức khỏe. Nhiều bằng chứng nghiên cứu về vấn đề này đã được phát hiện ra. Nhưng vẫn còn một con đường dài để có thể hiểu về cách ngủ quan trọng như thế nào, tương tự như việc thức ăn ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao.
Theo ông, cần tránh việc cơ thể và não bị giảm cung cấp oxy vào mọi lúc, kể cả ban đêm. Một số người bị ngưng thở khi ngủ, không chỉ khiến cho giấc ngủ bị gián đoán mà còn làm tăng nguy cơ tim mạch. Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng có vai trò quan trọng đối với sự hồi phục của những người vừa bị đột quỵ.
Nhưng ông lưu ý rằng, khi chúng ta già đi thì giấc ngủ cũng cần phải được thay đổi. Bởi khi đồng hồ sinh học của cơ thể bị lão hóa thì cũng sẽ dẫn tới giấc ngủ bị thay đổi. Giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn và ngủ ít sâu giấc hơn. Khi này những vẫn đề trên trở thành một điều bình thường.
Còn theo Tiến sĩ Nick West, giấc ngủ có mối quan hệ phức tạp với các bệnh lý về tim mạch. Các nghiên cứu quan sát cho thấy, ngủ quá ít hay quá nhiều đều làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Khi thiếu ngủ, trong cơ thể sẽ xảy ra sự thay đổi về nội tiết, huyết động và phản ứng viêm toàn thân. Từ đó dẫn tới tăng chỉ số BMI, phát triển béo phì, tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường tuýp 2,... Tất cả những yếu tố này đều góp phần là tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong do tim mạch.
Ông cho rằng, bản chất chủ quan khiến việc đánh giá tác động của giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, lợi ích của tăng chất lượng giấc ngủ cũng rất kho được nghiên cứu khi chỉ dựa trên các bản tự báo cáo.
Tuy nhiên có thể khẳng định, nếu giấc ngủ được đưa trở về mức bình thường sau khi thiếu ngủ thì sẽ giúp hỗ trợ huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ tim mạch. Không chỉ vậy, những chức năng sinh lý khác liên quan đến giấc ngủ cũng có thể được cải thiện khi tình trạng thiếu ngủ được khắc phục.
Tiến sĩ Marc Helzer đến từ Đại học Michigan Health-West cho biết, giấc ngủ ngon không chỉ phụ thuộc thời gian nằm trên giường kéo dài bao lâu. Nó là một quá trình phức tạp phải trải qua ba giai đoạn, và giấc ngủ REM sẽ giúp phục hồi tâm trí, cơ thể.
Một giấc ngủ ngon là một giấc ngủ liên tục. Bất kỳ lý do gì gây thức giấc thường xuyên sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Điều này khiến các giai đoạn của giấc ngủ sẽ bị buộc khởi động lại, gây nên một tình trạng gọi là nợ giấc ngủ. Não sẽ cần bổ sung đủ thời gian thiếu này để có thể bình phục hoàn toàn.
Theo ông, sự gián đoạn giấc ngủ có thể gây ra bởi sử dụng các loại màn hình trên giường, môi trường không thoải mái hoặc do một số vấn đề về y tế. Các nguyên nhân này gây ra tình trạng thiếu ngủ, biểu hiện bằng cảm giác chậm chạp, chán nản và cơ thể thiếu năng lượng.
Ông cũng cho rằng, nguy cơ mắc bệnh tim mạch không chỉ tăng dần theo tuổi tác mà còn tăng cùng với các vấn đề đi cùng tuổi tác, chẳng hạn như tăng cân.
Bởi khi cơ thể già đi và cân nặng tăng lên, nguy cơ ngưng thở khi ngủ cũng sẽ gia tăng. Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng ngừng thở không liên tục, khiến nồng độ oxy máu giảm do động tác thở bị ngừng lại hoặc thở nông hơn. Để chống lại tình trạng này, nhịp tim sẽ tăng lên đột ngột. Và nếu có rung nhĩ kèm theo, có thể gây nên sự rối loạn tại tim và tạo thành cục máu đông. Cục máu đông trôi theo các mạch máu đến não, gây đột quỵ.
Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra một số lời khuyên để có giấc ngủ ngon. Những lời khuyên này bao gồm đi ngủ vào giờ cố định hằng đêm, giữ phòng ngủ tối và yên tĩnh, loại bỏ thiết bị điện tử khỏi phòng ngủ,...
Nguồn dịch: Getting Quality Sleep Can Help Reduce Your Risk of Stroke, Heart Disease