Gãy mắt cá chân là gì? Từ A - Z về gãy mắt cá chân

Gãy mắt cá chân là gì? Từ A - Z về gãy mắt cá chân
Gãy mắt cá chân là gì? Đây một bệnh lý về xương khớp rất hay gặp trên lâm sàng, thường gây nên bởi nguyên nhân do chấn thương. Nếu không được điều trị tốt, gãy mắt cá chân có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau như nhiễm trùng, viêm khớp, chậm liền xương, khớp giả,...

1. Gãy mắt cá chân là gì?

Gãy mắt cá chân là một tình trạng bệnh lý về xương khớp rất thường gặp trên lâm sàng, đặc trưng bởi sự mất liên tục cấu trúc của xương mắt cá do một nguyên nhân nào đó, thường là do chấn thương. Tình trạng gãy mắt cá có thể đi kèm hoặc không kèm theo tình trạng tổn thương dây chằng chày dưới.

Đau đớn, mất vận động thường là lý do thôi thúc người bệnh gãy mắt cá chân buộc phải đến cơ sở y tế để thăm khám. Kết quả cho thấy hình ảnh trên phim chụp X-Quang là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán gãy mắt cá chân.

2. Nguyên nhân gây gãy mắt cá chân là gì?

Nguyên nhân thường gặp nhất gây nên gãy mắt cá chân là sự tác dụng lực quá lớn lên mắt cá chân trong một chấn thương khiến xương bị gãy. Những kiểu chấn thường là nguyên nhân gãy mắt cá chân thường gặp trên thực tế bao gồm:

- Chấn thương gây vặn, xoắn cổ chân.

- Chấn thương do đè ép trong tai nạn lao động, tai nạn giao thông.

- Té ngã trong sinh hoạt.

- Do khớp cổ chân phải mang vác một lực quá lớn.

Ngoài ra, trong một số bệnh lý gây rối loạn cấu trúc xương như bệnh lý xương thủy tinh, u xương,... hay tình trạng xương mắt cá phải chịu một tổn thương nhỏ nhưng diễn ra trong thời gian dài cũng có thể khiến bệnh nhân bị gãy xương mắt cá. Nếu gãy do bệnh thì gọi là gãy xương bệnh lý, nếu gãy do tổn thương nhỏ kéo dài thì gọi là gãy xương do mỏi.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ các nội dung trình bày dưới đây, chúng tôi chỉ đề cập đến các vấn đề liên quan trong gãy xương do chấn thương.

3. Triệu chứng gãy mắt cá chân biểu hiện như thế nào?

3.1. Triệu chứng lâm sàng

- Đau: Đau là triệu chứng thường gặp nhất trên lâm sàng khi bệnh nhân bị gãy mắt cá chân. Người bệnh thường đau nhiều, đau sẽ tăng lên khi vận động hoặc tác động lực vào điểm gãy. Tình trạng đau cũng có thể xảy ra do sưng nề khiến tổ chức phần mềm tại khu vực gãy của bênh nhân gây đau.

- Sưng nề: Khi bị gãy mắt cá chân, người bệnh sẽ có biểu hiện sưng nề tại điểm gãy và xung quanh khu vực này. Hiện tượng sưng nề thường là do tổn thương phần mềm kèm theo khi có gãy mắt cá chân. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn, vùng sưng nề do gãy mắt cá chân có thể trở nên tím tái.

nhung-dieu-can-biet-ve-trat-khop-mat-ca-chan-1-500x327

Khi bị gãy mắt cá chân người bệnh sẽ có biểu hiện sưng nề tại điểm gãy (Ảnh: Internet)

- Chảy máu: Nếu người bệnh bị gãy mắt cá chân mà có kèm các vết thương hở, vết thương tổn thương da thì có thể gây chảy máu. Mức độ chảy máu là khác nhau giữa các bệnh nhân, tùy thuộc vào kích thước mạch máu bị tổn thương. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có chảy máu nhưng do da không bị tổn thương nên ta có thể thấy máu tụ gây bầm tím dưới da cổ chân.

- Mất liên tục xương: Do khớp cổ chân là một khớp nông, ít bị che phủ bởi cơ nên nếu sờ dọc theo bề mặt xương mắt cá thì ta có thể phát hiện được đường gãy nếu có sự mất liên tục bề mặt xương. Đây là một tiêu chuẩn để có thể chẩn đoán xác định bệnh nhân có gãy xương. Nhưng đôi khi có thể không thể sờ được sự mất liên tục của xương nếu xương không di lệch hoặc di lệch quá ít.

Thậm chí, trong các trường hợp xương bị di lệch quá nhiều thì ta còn có thể thấy biến dạng khu vực cổ chân bằng mắt thường mà không cần phải sờ. Hoặc nếu đầu xương di lệch và đâm thủng da thì ta có có thể thấy hẳn đầu xương bị lộ ra ngoài.

- Lạo xạo xương: Nếu bệnh nhân bị gãy xương mắt cá, nhất là gãy hoàn toàn cả hai xương chày và xương mác thì ta có thể cảm nhận được có cảm giác lạo xạo khi lắc vùng gãy. Nhưng nghiệm pháp này rất ít được thực hiện trên lâm sàng bởi gây đau đớn rất dữ dội cho bệnh nhân, thậm chí có thể gây shock do đau.

- Hạn chế vận động: Sự hạn chế vận động là triệu chứng gặp ở tất cả các bệnh nhân gãy mắt cá chân. Hai nguyên nhân phổ biến gây hạn chế vận động ở người bệnh là do đau và gãy làm mất cấu trúc giải phẫu của khớp cổ chân.

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Để chẩn đoán gãy xương mắt cá chân trên lâm sàng thì bác sĩ thường sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp X-Quang để kiểm tra. Điều này sẽ giúp chẩn đoán phân biệt gãy mắt cá chân với các bệnh lý khác như bong gân,.... Nếu có thể thấy hình ảnh đường gãy trên phim chụp thì chứng tỏ bệnh nhân bị gãy xương mắt cá chân. Hình ảnh gãy xương trên X-Quang là một tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh.

gay-xuong-chay

Chụp X-quang để kiểm tra gãy/vỡ xương mắt cá chân trên lâm sàng (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, để xác định kỹ càng hơn các tổn thương ở xương và tổ chức ngoài xương như cân, cơ, dây chằng thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện chụp CT-Scan hoặc chụp MRI.

4. Phân loại gãy mắt cá chân như thế nào?

Để thuận tiện cho tiên lượng và điều trị gãy mắt cá chân thì sự phân loại gãy mắt cá chân là thực sự cần thiết. Trên thực tế, người ta thường phân loại gãy mắt cá chân theo Danis-Weber (hay gọi là phân loại Weber), bao gồm ba nhóm:

- Gãy Weber A: Gãy xương mắt cá xảy ra phía dưới dây chằng chày mác, không tổn thương dây chằng chày dưới. Có thể là gãy mắt cá ngoài đơn độc hoặc gãy phối hợp cả mắt cá trong và mắt cá ngoài.

- Gãy Weber B: Gãy mắt cá chân xảy ra ở ngang mức dây chằng chày mác, dây chằng chằng chày mác dưới đôi khi có tổn thương nhưng cũng có thể bình thường. Có thể gãy phối hợp mắt cá ngoài và mắt cá trong hoặc chỉ gãy mắt cá ngoài đơn độc.

- Gãy Weber C: Gãy mắt cá chân xảy ra ở vị trí trên dây chằng chày mác, tổn thương dây chằng chày dưới, gây giãn rộng khớp chày mác dưới. Thường kèm theo gãy mắt cá trong.

Hoặc người ta cũng có thể phân loại gãy xương mắt cá dưới theo sự nối thông của ổ gãy với môi trường bên ngoài thành gãy kín (ổ hở không thông với môi trường) và gãy hở (ổ hở thông với môi trường ngoài).

Tuy nhiên, do khớp cổ chân và xương mắt cá chỉ được bao bọc bởi da nên đầu xương gãy rất dễ đâm thủng da và gây nên gãy hở. Hoặc do sự vận chuyển, sơ cứu bệnh nhân không đúng nên khiến gãy xương chuyển từ gãy kín thành gãy hở.

5. Điều trị gãy mắt cá chân như thế nào?

5.1. Gãy mắt cá chân có chữa khỏi hoàn toàn được không

Gãy mắt cá chân là một chấn thương hoàn toàn có thể điều trị được. Sau khi bệnh nhân bị gãy mắt cá chân, nếu người bệnh được điều trị bằng đúng phương pháp thì các cơ chế tái tạo tổ chức xương của cơ thể sẽ được kích hoạt để hàn gắn các tổn thương do gãy xương gây ra.

Trong trường hợp người bệnh không được điều trị đúng cách thì sự sửa chữa tự nhiên này của cơ thể vẫn cứ sẽ diễn ra nhưng kết quả thường không được như mong muốn gây các hiện tượng như chậm liền xương, khớp giả, can lệch,...

5.2. Sơ cứu bệnh nhân gãy mắt cá chân

so-cuu-xuong-khop-2

Sơ cứu là bước đầu tiên quan trọng khi bị gãy/vỡ mắt cá chân (Ảnh: Internet)

Sơ cứu bệnh nhân gãy mắt cá chân là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh biến chứng, tránh chuyển gãy kín thành gãy hở.

- Khi có gãy xương mắt cá chân xảy ra, nên dừng tất cả mọi hoạt động của bệnh nhân ở chân bị gãy. Bất động chân bệnh nhân bằng nẹp để tránh di lệch xương xảy, tránh đầu xương đâm thủng da khiến gãy kín chuyển thành gãy hở.

- Nếu có chảy máu nhiều thì cần cầm máu cho bệnh nhân bằng cách sử dụng băng ép hoặc garo.

- Cần lưu ý rằng nếu đầu xương bị lộ ra ngoài thì không được cố gắng đầy đầu xương vào trong bằng bất kỳ biện pháp nào.

- Gọi xe cấp cứu hoặc trực tiếp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý bởi nhân viên y tế có chuyên môn.

Trong quá trình này có thể tiến hành chườm đá, chườm lạnh cho bệnh nhân để giúp bệnh nhân giảm sưng nề và giảm đau. Nếu cần thiết, các loại thuốc giảm đau có thể được sử dụng cho bệnh nhân để giảm nhẹ các triệu chứng của gãy xương, đặc biệt là đau đớn.

5.3. Điều trị bảo tồn bệnh nhân

Chỉ định điều trị bảo tồn bệnh nhân thường được sử dụng trong trường hợp gãy xương mắt cá chân thuộc phân loại Weber A và B đồng thời không có sự nối thông của ổ gãy với môi trường (gãy kín).

Phương pháp thường được sử dụng là bó bột, thời gian bó bột thường kéo dài từ 6-8 tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được cho sử dụng nẹp, nhưng tác dụng cố định của nẹp thường không tốt và làm xương lành kém hơn.

gay-kin-xuong-mat-ca-chan

Điều trị bảo tồn trong gãy/vỡ xương mắt cá chân (Ảnh: Internet)

Để tăng cường sự lưu thông máu đến vùng cổ chân, bàn chân và ngón chân khi bó bột, bệnh nhân được khuyên nên thường xuyên vận động trong bột bằng cách thường xuyên co duỗi, các ngón chân.

5.4. Mổ kết hợp xương

Mổ kết hợp xương là chỉ định được đưa ra khi bệnh nhân bị gãy kín Weber C hoặc bệnh nhân bị gãy hở. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt lọc các mô mềm tổn thương và sử dụng các dụng cụ thích hợp để kết hợp các mảnh xương đã gãy lại với nhau như nẹp, đinh, vít,...

Việc phẫu thuật có thể được tiến hành ngay lập tức từ khi bệnh nhân mới gãy xương, nhưng cũng có thể sẽ diễn ra sau đó vài ngày để bác sĩ thực hiện các biện pháp ổn định tình trạng bệnh nhân, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho phẫu thuật thành công.

Những bệnh nhân bị gãy xương mắt cá chân cần phẫu thuật kết hợp xương để điều trị sẽ cần phải thực hiện thêm một phẫu thuật nữa sau khi đã hoàn toàn bình phục để lấy các dụng cụ kết hợp xương được sử dụng ra khỏi cơ thể.

gay-xuong-mat-ca-chan-chuan-doan-va-dieu-tri-20180804-08-2018-215433

Mổ kết hợp xương là chỉ định được đưa ra khi bệnh nhân bị gãy kín Weber C hoặc bệnh nhân bị gãy hở (Ảnh: Internet)

6. Tiên lượng và biến chứng của gãy mắt cá chân là gì?

6.1. Tiên lượng của gãy mắt cá chân

Thông thường, thời gian cần thiết để xương có thể lành sau khi gãy mắt cá chân là khoảng 6-8 tuần và có thể cần thêm nhiều tháng sau đó để bệnh nhân có thể lấy lại hoàn toàn khả năng vận động khớp cổ chân của bản thân. Tiên lượng thường sẽ dè dặt hơn ở những bệnh nhân gãy phức tạp, gãy hở yêu cầu mổ kết hợp xương.

6.2. Biến chứng gãy mắt cá chân

- Nhiễm trùng vết thương: Vấn đề nhiễm trùng vết thương là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị gãy hở với vết thương dính nhiều chất bẩn, bùn đất,... hoặc ở cả những bệnh nhân gãy kín nhưng mổ kết hợp xương mà công tác vô khuẩn trong mổ và chăm sóc sau mổ không tốt. Nguy cơ nhiễm trùng có thể cao hơn lên đến 20% ở bệnh nhân đái tháo đường.

- Viêm khớp: Bất kỳ kiểu gãy xương mắt cá chân nào cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ bị viêm khớp ở bệnh nhân. Gãy càng phức tạp, mức độ tổn thương do gãy càng lớn hay gãy hở thì nguy cơ viêm khớp sẽ bị gia tăng lên rất nhiều.

- Teo cơ, cứng khớp sau điều trị: Teo cơ và cứng khớp sau điều trị thường là hậu quả của việc bất động chi gãy trong một thời gian dài. Tuy nhiên teo cơ, cứng khớp sau điều trị có thể phục hồi được với chế độ luyện tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thích hợp.

- Can lệch: Can lệch thường là hậu quả của sự nắn chỉnh không tốt trước khi tiến hành bất động chi làm cho các mảnh gãy nằm sai vị trí dẫn đến sự lệch lạc khi liền xương. Đôi khi can lệch có thể gây ảnh hưởng trầm trọng tới sự vận động của người bệnh và buộc phải yêu cầu phẫu thuật để sửa chữa tình trạng này.

- Khớp giả, chậm liền xương: Là các tình trạng thời gian liền xương kéo dài hơn bình thường. Nếu thời gian liền xương kéo dài hơn 2 lần thời gian liền xương bình thường thì gọi là khớp giả. Do khớp cổ chân có mạch máu nuôi dưỡng khá nghèo nàn khiến nuôi dưỡng kém, nên vấn đề chậm liền xương, khớp giả khi bị gãy xương mắt cá chân rất thường xuyên xảy ra.

7. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân gãy mắt cá chân

7.1. Thực phẩm tốt cho người bị gãy mắt cá chân

- Thực phẩm giàu protein: Protein là thành phần rất quan trọng cho quá trình liền xương, hình thành cấu trúc xương mới của cơ thể. Do đó, trong khẩu phần ăn của người bị gãy xương mắt cá chân cần được cung cấp nhiều hơn các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,...

- Thực phẩm giàu sắt: Cung cấp thêm sắt cho cơ thể sẽ giúp quá trình sản xuất máu hiệu quả hơn, nhờ vậy khu vực bị tổn thương được cung cấp nhiều oxi hơn. Điều này sẽ khiến quá trình liền xương diễn ra hiệu quả hơn. Những loại thực phẩm giàu chất sắt mà bệnh nhân có thể sử dụng trong khẩu phần hằng ngày như các loại thịt đỏ, ngũ cốc nguyên hạt, rau dền đỏ,...

- Thực phẩm giàu calci: Calxi là thành phần quan trọng hàng đầu trong cấu trúc xương và khiến xương trở nên cứng cáp. Do vậy người bệnh nên được bổ sung sử dụng các loại thức ăn giàu calci trong bữa ăn như tôm, cua, sữa hoặc các chế phẩm từ sữa, cải bẹ xanh,...

Mặc dù người bệnh có thể sử dụng các loại chế phẩm bổ sung calci dưới dạng viên uống, dung dịch,... nhưng việc bổ sung calci bằng các thực phẩm tự nhiên vẫn là phương pháp an toàn và được khuyến khích nhất.

- Vitamin D: Để hấp thu Calci tốt hơn, bệnh nhân nên được sử dụng thêm các loại thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá béo, sữa, cam,... Hoặc bệnh nhân có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách tự tổng hợp dưới ánh nắng mặt trời.

7.2. Các loại thực phẩm không tốt cho người gãy mắt cá chân

Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân gãy mắt cá chân như đã liệt kê ở trên thì có một số loại thực phẩm không tốt cho sự bình phục của xương mà người bệnh không nên sử dụng. Chẳng hạn như:

- Rượu và thức uống có cồn: Rượu và các loại đồ uống có cồn khi sử dụng sẽ khiến quá trình liền xương bị chậm lại, khiến bệnh nhân lâu bình phục hơn. Đồng thời, những loại thức uống này còn khiến bệnh nhân giảm khả năng thăng bằng và dễ bị té ngã hơn. Do vậy, rượu và các loại thức uống có cồn là một loại thực phẩm không tốt cho bệnh nhân gãy xương mắt cá chân.

- Thức ăn mặn: Các loại thức ăn có chứa quá nhiều muối cũng khiến quá trình chậm liền xương của bệnh nhân bị cản trở do sự đào thải natri ra khỏi cơ thể có thể kèm theo cả tăng đào thải calci- là thành phần quan trọng của xương. Do đó, khi chế biến thực phẩm cho bệnh nhân nên sử dụng muối ở mức vừa phải, tránh việc chế biến thức ăn quá mặn.

- Cafein: Bên cạnh đồ uống có cồn, thức ăn mặn,... thì những loại thức uống có chứa nhiều cafein cũng là thực phẩm không tốt cho người bị gãy xương mắt cá chân. Bởi việc sử dụng những loại thức uống có chứa nhiều cafein sẽ khiến calci bị đào thải khỏi cơ thể nhiều hơn khiến sự liền xương diễn ra chậm hơn.

8. Phòng tránh gãy mắt cá chân như thế nào?

Phòng tránh gãy mắt cá chân là rất khó khăn bởi nó thường là hậu quả của các tai nạn và chấn thương bất ngờ. Vì vậy biện pháp hiệu quả nhất chính là giảm thiểu tối đa các nguy cơ chấn thương có thể xảy ra bằng các cách như:

- Thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ lao động.

- Tuân thủ tốt luật an toàn giao thông để tránh xảy ra tại nạn.

- Thực hiện các động tác trong sinh hoạt, chơi thể thao,.. cẩn thận hơn để tránh nguy cơ xảy ra chấn thương do té ngã.

- Sử dụng giày có kích thước thích hợp để vận động và di chuyển chính xác, tránh tẽ ngã.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.orthobullets.com/trauma/1047/ankle-fractures

2. https://www.webmd.com/osteoporosis/osteo-fracture-diet#1

3. https://www.webmd.com/fitness-exercise/ankle-fracture##1

4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_ph%C3%A2n_lo%E1%BA%A1i_Danis%E2%80%93Weber

Tác giả: QN