Bệnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 26/3, Bộ Y tế đã công bố thêm 7 ca nhiễm bệnh Covid-19 mới, nâng tổng số ca dương tính tại Việt Nam lên 148. Trong số các ca nhiễm bệnh, có trường hợp đã có thời gian sống trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thực sự cần thiết.
Chính vì thế, rất nhiều người dân e ngại việc tiếp xúc nơi đông người, nhất là khi đi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện... Tuy nhiên, phải làm thế nào nếu có vấn đề sức khỏe phát sinh trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng hiện nay?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới đây đã có bài viết cảnh báo những nguy hại khôn lường khi người dân ngại đi khám bệnh trong mùa dịch Covid-19:
Ảnh chụp màn hình.
"Liên tiếp trong 3 ngày qua chúng tôi gặp 3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhưng ở 3 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau và kết quả cũng khác nhau.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân đã có tiền sử tim mạch, đái tháo đường nhưng hết thuốc 1 tuần mà không đi tái khám, lúc nhập viện đã rơi vào tình trạng sốc tim nặng nên không qua khỏi sau vài tiếng cấp cứu tích cực.
Bệnh nhân thứ hai còn đáng tiếc hơn là xuất hiện đau ngực từ hôm trước nhưng nhất định không đi khám, đến đêm cơn đau xuất hiện dữ dội hơn nhưng gia đình vẫn chần chừ đến sáng sớm mới đưa vào viện. Bệnh nhân vừa nằm lên cáng của phòng cấp cứu thì xuất hiện rung thất. 2 tiếng đồng hồ ép tim, sốc điện ... trái tim bệnh nhân không đập lại cho dù anh mới 58 tuổi.
Trường hợp cuối cùng có may mắn hơn, sau khi đau ngực vài tiếng đồng hồ, gia đình bàn đi tính lại cũng quyết định đưa ông nhập viện. Đến nơi rơi vào tình trạng phù phổi cấp huyết động. Bệnh nhân được đặt nội khí quản và can thiệp ngay trong đêm. Sáng sớm nay tôi đến thăm bệnh thì bệnh nhân đã được bỏ thuốc vận mạch và có dấu hiệu hồi phục tốt.
Ba bệnh cảnh lâm sàng khác nhau với kết quả khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung rất buồn với tên gọi Covid-19".
Bác sĩ Nguyên Lân Hiếu cho biết, không chỉ có 3 bệnh điển hình nếu trên, trong suốt tuần qua ở các bệnh viện khác cũng có nhiều trường hợp đáng tiếc vì chần chừ không đi khám khi gặp vấn đề sức khỏe giữa mùa dịch. Trước đó, bác sĩ cũng từng chia sẻ các trường hợp bệnh nhân bị cơn tăng huyết áp khẩn cấp, hôn mê do tăng đường máu và nặng hơn là một trường hợp nhồi máu cơ tim do tắc lại stent động mạch vành.
"Tất cả là do quên uống thuốc và cùng một lý giải vì vụ dịch nên không dám đi khám bệnh viện! Rất may tất cả các trường hợp đều được điều trị thành công nên hậu quả chưa đến nỗi để chúng tôi và gia đình ân hận suốt đời", bác sĩ đặc biệt nhắc nhở.
Khi xuất hiện ca dương tính với Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã có phản ứng rất hợp lý là cho phép cấp thuốc 2 tháng liên cho các bệnh nhân bị bệnh mãn tính, bệnh viện nào cũng mở rộng hệ thống tư vấn trực tuyến để hỗ trợ người dân... Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, nhiều bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mãn tính khi gặp các vấn đề về sức khỏe vẫn chủ quan "tặc lưỡi" đợi vụ dịch trôi qua.
Họ không ý thức được rằng, có những dấu hiệu bệnh tật có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời báo cho cơ quan y tế để xử lý. Theo bác sĩ, bệnh viện tuy có nguy cơ cao trong dịch bệnh nhưng lại là nơi được tổ chức chặt chẽ và khoa học nhất để phòng ngừa lây lan virus. Với việc phân luồng và giám sát chặt chẽ, những người phải tái khám nếu được trang bị kiến thức dự phòng đúng mà các phương tiện truyền thông đã hướng dẫn rất rõ ràng thì nguy cơ lây nhiễm cũng ở mức thấp.
Những người quá lo lắng hay có nguy cơ cao lây nhiễm nếu không thể đến viện nên sử dụng các đường dây chăm sóc khách hàng để tư vấn việc duy trì điều trị. Các bệnh mạn tính như tim mạch đái tháo đường, những thuốc bác sĩ dặn uống, tiêm tuyệt đối không được dừng đột ngột vì sẽ gây hậu quả khôn lường.
Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh: "Hãy giúp chúng tôi, hãy giúp người thân trong gia đình mình và hãy giúp chính mình tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Khi hết thuốc, khi có dấu hiệu bệnh tái phát hay khi có những triệu chứng khác thường hãy liên hệ ngay với hệ thống y tế. Xin cảm ơn".