Gánh nặng và cách phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp

Gánh nặng và cách phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau trên các cơ quan của cơ thể. Thực hiện tốt các biện pháp dự phòng biến chứng tăng huyết áp là cách hiệu quả và an toàn nhất để giảm thiểu ảnh hưởng mà các biến chứng tăng huyết áp gây nên cho sức khỏe bệnh nhân.

Những biến chứng tăng huyết áp khiến người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng. Hiểu được cách phòng ngừa biến chứng khiến bệnh nhân cao huyết áp an tâm hơn trong quá trình điều trị cao huyết áp.

1. Gánh nặng biến chứng tăng huyết áp

Theo thống kê cho thấy, trên thế giới có khoảng 1 tỷ người mắc tăng huyết áp và ở nước ta thì con số ước tính lên đến hơn 12 triệu người mắc. Tuy nhiên, trong đó chỉ có một số ít các bệnh nhân tăng huyết áp có biểu hiện triệu chứng khi mắc bệnh như đau đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt,... Còn lại phần lớn bệnh nhân (đến hơn 60% bệnh nhân) đều không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng gì.

Điều này khiến cho tăng huyết áp thường khó phát hiện kịp thời nếu không có lịch kiểm tra huyết áp định kỳ và dễ dẫn đến các biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm do thời gian tồn tại bệnh kéo dài mà không có các biện pháp can thiệp tích cực.

Bạn có thể tự kiểm tra huyết áp tại nhà không? Với những người bị cao huyết áp thì tự kiểm tra huyết áp tại nhà là hoàn toàn có thể.

Do tác động lên nhiều hệ cơ quan khác nhau, do đó biến chứng tăng huyết áp cũng hết sức đa dạng và có thể biểu hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân một cách rất nhanh chóng. Những biến chứng hay gặp và nguy hiểm của tăng huyết áp có thể kể đến bao gồm:

- Biến chứng tim mạch: Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng tăng huyết áp trên hệ tim mạch như nhồi máu cơ tim, phình mạch máu, vỡ mạch máu, bệnh lý động mạch ngoại biên, suy tim, phì đại cơ tim,...

- Biến chứng lên thận: Tăng huyết áp có thể gây xơ hóa các tiểu cầu thận, làm giảm mức lọc cầu thận, hậu quả cuối cùng là bệnh thận mạn xảy ra.

- Biên chứng não: Nhồi máu não, xuất huyết não là những biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm lên hệ thần kinh trung ương, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân một cách nhanh chóng.

- Biến chứng mắt: Bệnh lý võng mạc do biến chứng tăng huyết áp thường tiến triển cùng với tăng huyết áp, gây giảm thị lực, thu hẹp thị trường,...

Ngoài ra, bệnh lý tăng huyết áp còn có thể gây nên nhiều biến chứng khác như sa sút trí tuệ, rối loạn hoạt động tình dục, đồng thời có thể thúc đẩy sự tiến triển của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác,...

Vì vậy mà các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên nhằm giúp đỡ Người bị cao huyết áp và chuyện đời sống chăn gối thăng hoa.

Phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 1.

Nhiều hệ cơ quan trong cơ thể có thể bị tổn thương do biến chứng tăng huyết áp (Ảnh: Internet)

2. Phòng tránh biến chứng tăng huyết áp như thế nào?

Bởi các biến chứng tăng huyết áp gây nên thường để lại các hậu quả nghiêm trọng và khó có thể hoàn nguyên về trạng thái ban đầu, vì thế để hạn chế các hậu quả mà biến chứng tăng huyết áp gây nên thì phương pháp hiệu quả nhất và an toàn nhất là dự phòng để các biến chứng không xảy ra. Vậy làm thế nào để dự phòng biến chứng tăng huyết áp?

2.1. Thay đổi lối sống lành mạnh để phòng tránh biến chứng tăng huyết áp

Các biện pháp thay đổi lối sống để có một chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn là nội dung quan trọng để có thể điều trị tăng huyết áp và giúp phòng tránh các biến chứng tăng huyết áp xảy ra. Những biện pháp thay đổi lối sống có nội dung chủ yếu liên quan đến chế độ dinh dưỡng, vận động, trạng thái tâm lý,...

- Dinh dưỡng: Người bệnh tăng huyết áp cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp bằng việc hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn (nên dùng ít hơn 6g/ngày), tăng cường sử dụng các loại chất xơ và vitamin có trong thực vật, hạn chế sử dụng chất béo bão hòa và thay bằng các loại chất béo không bão hòa, tăng cường bổ sung các vi chất như kali, magie, calci,...

- Vận động: Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 150 phút mỗi tuần giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn và góp phần phòng tránh hiệu quả các biến chứng tăng huyết áp. Vì thế với những người còn băn khoăn Cao huyết áp có tập thể dục được không thì đáp án là CÓ nhé.

- Tâm lý: Giữ tâm lý ổn định, thoải mái, tránh căng thẳng hoặc cảm xúc mạnh và đột ngột,...

Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp còn cần hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn nếu có thể đối với các thói quen sinh hoạt bất lợi cho tình trạng tăng huyết áp của bản thân như uống rượu, hút thuốc, sử dụng cafein,...

Phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 2.

Lối sống lành mạnh giúp phòng tránh các biến chứng tăng huyết áp rất hiệu quả (Ảnh: Internet)

2.2. Dự phòng biến chứng tăng huyết áp bằng thuốc

Bên cạnh các biện pháp thay đổi lối sống thì việc sử dụng thuốc cũng góp phần quan trọng trong phòng chống biến chứng tăng huyết áp.

Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp giúp kiểm soát tăng huyết áp nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn, đặc biệt đối với các bệnh nhân bị tăng huyết áp mức độ nặng hoặc tăng huyết áp cấp cứu. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cũng gây nên một số nguy cơ tác dụng phụ khác nhau. 

Do đó bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đảm bảo thời gian và liều lượng thuốc sử dụng, đồng thời phải kiên trì khi dùng thuốc,... để có thể đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả điều trị của thuốc.

2.3. Kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm

Tăng huyết áp có mối liên hệ với nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt khi chúng cùng xảy ra trên một bệnh nhân thì có thể hình thành các vòng xoắn bệnh lý khiến chúng đều tăng nặng hơn một cách nhanh chóng.

Vì vậy, để dự phòng biến chứng tăng huyết áp thì ngoài vấn đề quan tâm điều trị tăng huyết áp thì còn cần phải quan tâm đến kiểm soát các yếu tố bệnh lý đi kèm của bệnh nhân như đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh thận mạn, người cao tuổi,...

Phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp - Ảnh 3.

Điều trị tốt các bệnh lý mắc kèm giúp hạn chế biến chứng tăng huyết áp (Ảnh: Internet)

2.4. Thăm khám định kỳ để phát hiện sớm biến chứng

Bởi đến hiện nay vẫn chưa có bất kỳ các biện pháp nào có thể có hiệu quả dự phòng biến chứng tăng huyết áp một cách tuyệt đối. Vì thế, bệnh nhân cần phải thực hiện tốt lịch thăm khám định kỳ để có thể phát hiện sớm nhất các biến chứng do tăng huyết áp ngay khi chúng mới xảy ra để có thể can thiệp điều trị kịp thời bằng các phương pháp thích hợp.

Qua đây có thể thấy rằng, dù diễn tiến âm thầm không rầm rộ nhưng những biến chứng mà tăng huyết áp gây ra thì lại có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh hậu quả của chúng chính là phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa biến chứng tăng huyết áp.


Tác giả: QN