Gai xương là tên gọi một bệnh lý xương khớp dùng để chỉ tình trạng xuất hiện mới các mảnh xương nhỏ trên xương. Gai xương có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào của xương, tuy nhiên thường gặp hơn cả là gai xương xuất hiện tại phần xương vùng rìa của các sụn khớp.
Gai xương là một bệnh lý mãn tính, nếu không được quan tâm và điều trị bằng phương pháp thích hợp bệnh có thể gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân và hạn chế khả năng vận động.
Hình ảnh gai xương cột sống (Ảnh: Internet)
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây nên gai xương được ghi nhận trên lâm sàng. Những nguyên nhân gây gai xương phổ biến nhất bao gồm:
- Tình trạng viêm cục bộ: Tình trạng viêm cục bộ xảy ra tại các thành phần như dây chằng, cân,... có thể gia tăng sự lắng đọng calci. Sự lắng đọng calci trong một thời gian dài có thể gây hình thành nên các gai xương.
- Sự thoái hóa: Cùng với sự lớn lên của tuổi tác, hệ xương khớp cũng dần bị thoái hóa khiến các cấu trúc của xương dần bị bào mòn đi. Sự bào mòn các thành phần của xương này khiến hình thành nên các gai xương mới và gây bệnh.
Cấu trúc xương bị bào mòn do thoái hóa (Ảnh: Internet)
- Viêm mô mềm quanh xương: Khi các thành phần mô mềm bao bọc quanh xương bị viêm (cân,...) thì nó có cũng có thể kích thích sự lắng đọng calci như trong trường hợp viêm các dây chằng, gân,... và đưa đến sự hình thành gai xương.
- Bẩm sinh: Bẩm sinh là một nguyên nhân rất hiếm gặp trong các trường hợp bị gai xương trên thực tế. Sự phát triển các cấu trúc mới bất thường trên xương thường tạo nên một khối u ở xương hơn là một tình trạng gai xương.
- Chấn thương: Một chấn thương nào đó khiến xương bị tổn thương sẽ kích hoạt cơ chế tự sửa chữa của cơ thể để làm lành xương. Nhưng nếu sự sửa chữa xảy ra quá mức khiến cấu trúc xương được tái tạo quá nhiều sẽ gây hình thành gai xương.
* Những ai dễ bị gai xương?
Trên lý thuyết, gai xương có thể xảy ra ở tất cả mọi người và không phân biệt giới tính. Nhưng trên thực tế, người ta ghi nhận được một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gai xương cao hơn nhiều so với người bình thường. Chẳng hạn như:
- Người đã từng mắc các chấn thường về xương khớp, thường xuyên hoạt động nặng nhọc.
- Người cao tuổi có tỷ lệ mắc gai xương cao hơn nhiều so với người trẻ.
- Người mắc các bệnh lý xương khớp như viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp,...
- Người có người thân trực hệ (cha, mẹ, anh em ruột) mắc bệnh gai xương.
- Người mắc tiểu đường cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gai xương, mặc dù nguyên nhân của tình trạng này không được biết rõ.
Như đã nói, gai xương có thể xuất hiện tại mọi vị trí khác nhau trên cơ thể. Nhưng thông thường có một số vị trí mà người ta ghi nhận được sự xuất hiện của gai xương phổ biến hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Đó thường là những khu vực xương phải chịu tải nhiều, hoặc vận động liên tục,... chẳng hạn như:
- Cột sống cổ, cột sống thắt lưng.
- Xương gót chân.
- Cổ chân.
- Khớp gối.
- Khớp vai.
- Cổ tay.
Không phải bất kỳ trường hợp nào gai xương cũng sẽ có các biểu hiện triệu chứng để người bệnh có thể nhân biết, đôi khi nó diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ cho đến khi bệnh nhân có một biến chứng nào đó và đi khám thì mới phát hiện được gai xương.
Nhưng cũng có lúc, gai xương xuất hiện sẽ kèm theo một số các triệu chứng điển hình khác nhau, chẳng hạn như:
- Đau: Đau là triệu chứng phổ biến nhất mà bệnh nhân có thể gặp khi bị gai xương. Bệnh nhân đau khi bị gai xương là do các gai này cọ xát vào các thành phần bao bọc quanh xương như dây chằng, gân, cơ,... khiến các thành phần này bị tổn thương và gây đau.
Tình trạng đau của bệnh nhân thường có tính chất đau tăng lên khi vận động, áp lực tác động lên xương tăng,... và giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi, hạn chế vận động tại khu vực có gai xương. Đau kéo dài có thể khiến bệnh nhân ngại vận động vì thế gây suy yếu sức cơ, teo cơ, cứng khớp,...
- Các biểu hiện chèn ép: Khi các gai xương mọc dài ra và chèn ép vào các dây thần kinh có thể gây nên hội chứng chèn ép thần kinh. Tùy theo vị trí xuất hiện gai xương ở đâu mà có thể có các biểu hiện chèn ép thần kinh khác nhau như rối loạn cơ vòng (tiểu tiện, đại tiện không tự chủ), tê bì chân tay, đau lan dọc theo đường đi thần kinh, mất cảm giác chi, yếu cơ, dị cảm,...
Những biểu hiện chèn ép này vừa là triệu chứng nhưng cũng là một biến chứng của bệnh, đặc biệt nặng nề khi sự chèn ép diễn ra ở các rễ thần kinh tủy sống sẽ gây ảnh hưởng trên diện rộng.
Hình ảnh gai xương khi chụp X-quang (Ảnh: Internet)
Các xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán gai xương chủ yếu là các xét nghiệm hình ảnh học nhằm phục vụ cho chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ tổn thương, tìm kiếm nguyên nhân và phát hiện sớm biến chứng.
- X-Quang: Xquang không chuẩn bị là xét nghiệm đơn giản nhất để chẩn đoán cho bệnh nhân gai xương. Hình ảnh trên phim Xquang có thể cho thấy nhiều dữ kiện khác nhau như có gai xương hay không, tình trạng chất khoáng ở xương, có tổn thương xương khớp kèm theo (thoát vị đĩa đệm,...) hay không,...
- CT-Scan và MRI: Trong trường hợp cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về bệnh như có sự tổn thương mô mềm quanh xương hay không, có sự chèn ép thần kinh diễn ra hay không thì bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện chụp CT-Scan hoặc MRI.
Nếu như tình trạng bệnh gai xương của bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào thì việc điều trị gai xương là điều không cần thiết. Người bệnh chỉ cần được điều trị khi các triệu chứng bắt đầu xảy ra. Tùy thuộc theo mức độ biểu hiện của bệnh mà có thể lựa chọn những phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu là phương pháp rất thường được sử dụng trong điều trị gai xương hiện nay. Người bệnh có thể sử dụng các kỹ thuật vật lí trị liệu như chườm lạnh, kéo dãn khớp, siêu âm, mát xa,... để điều trị bệnh.
Những phương pháp này có ưu điểm là giúp giảm nhẹ các triệu chứng một cách thân thiện ít gây tác dụng phụ, vì thế người bệnh có thể sử dụng lâu dài.
Chườm lạnh giúp người bị gai xương giảm nhẹ cơn đau
- Các bài tập phục hồi chức năng: Những bài tập phục hồi chức năng với mức độ phù hợp là rất tốt trong điều trị gai xương. Những bài tập này không những giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh mà còn nâng cao sức khỏe hệ xương khớp, ngăn bệnh tiến triển.
- Giảm cân: Những bệnh nhân bị gai xương tại các bị trí khớp phải chịu lực nhiều như cột sống, đầu gối, cổ chân,... thì việc kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý là vô cùng cần thiết để giảm nhẹ áp lực mà khớp phải chịu đựng.
- Thuốc giảm đau kháng viêm: Các loại thuốc giảm đau kháng viêm là lựa chọn đầu tay khi điều trị gai xương. Nếu mức độ đau nhẹ hoặc trung bình thì có thể sử dụng paracetamol hoặc thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid (meloxicam, naproxen, ibuprofen,...).
Cần lưu ý rằng, những loại thuốc này có khả năng gây nhiều tác dụng phụ khác nhau như tổn thương gan thận, tổn thương ống tiêu hóa,... do đó cần theo dõi chặt bệnh nhân khi sử dụng để phát hiện sớm tác dụng phụ của thuốc.
- Steroid: Các thuốc chứa gốc Steroid như Corticoid có thể là lựa chọn được sử dụng cho bệnh nhân khi mà việc điều trị bằng các thuốc kháng viêm giảm đau thông thường không có hiệu quả. Do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nên những thuốc này chỉ được dùng bằng đường tiêm tại chỗ thay vì đường toàn thân và không tiêm quá ba mũi trên cùng vị trí trong vòng 1 năm.
- Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được sử dụng một số nhóm thuốc khác để hỗ trợ điều trị chằng hạn như thuốc chống thoái hóa, thuốc giãn cơ,... tùy thuộc vào tình hình thực tế của người bệnh.
Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn bệnh nhân đã được thực hiện tích cực và bệnh nhân tuân thủ tốt nhưng không đem lại hiệu quả, hoặc bệnh gây các biểu hiện chèn ép thần kinh trầm trọng thì phẫu thuật có thể được lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân.
Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ các cấu trúc bất thường tại xương, giáp áp thần kinh,... để điều trị bệnh và xử lý tình trạng chèn ép. Tuy nhiên, việc có lựa chọn phẫu thuật hay không thì cần phải dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng, bởi sau khi phẫu thuật bệnh gai xương vẫn có khả năng tái phát.
- Thực phẩm giàu calci: Nhiều người cho rằng, gai xương xuất hiện là do sự lắng đọng calci nên bệnh nhân gai xương cần phải kiêng calci. Tuy nhiên điều này là sai lầm, bởi hệ toàn bộ hệ xương của chúng ta luôn cần được cung cấp calci để khỏe mạnh, các cơ quan cần calci để vận động bình thường (đặc biệt là cơ tim). Do đó không thể vì mắc gai xương mà dừng bổ sung calci cho cơ thể.
Người bệnh nên được cho sử dụng bổ sung các thực phẩm chứa calci trong khẩu phần ăn hằng ngày như tôm, cua, sữa hoặc các chế phẩm từ sữa,...
- Vitamin D: Để cơ thể có thể hấp thu calci tốt hơn thì người bệnh còn cần bổ sung vitamin D. Vitamin D có thể được bổ sung thông qua dinh dưỡng từ các loại thực phẩm như cá, ngũ cốc, sò, đậu nành, nấm, trứng,... Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phơi nắng để cơ thể tự tổng hợp vitamin D.
- Omega 3: Các loại thực phẩm giàu Omega 3 (một loại chất béo) được cho là rất tốt cho những bệnh nhân bị gai xương.
Ngoài ra, người bệnh gai xương cũng được khuyên nên tăng cường sử dụng các loại ngũ cốc và các loại thực phẩm giàu vitamin K để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Bên cạnh các loại thực phẩm hữu ích cho quá trình điều trị và ngăn ngừa bệnh tiến triển thì cũng có một số loại thực phẩm được cho là không tốt cho bệnh nhân gai xương như:
- Thực phẩm giàu năng lượng: Những loại thực phẩm quá giàu năng lượng như chất đường bột đã qua tinh chế, chất béo,... khi sử dụng sẽ khiến bệnh nhân khó kiểm soát cân nặng, làm tăng áp lực lên khớp xương và khiến bệnh trở nên nặng nề hơn.
- Thực phẩm giàu đạm: Những loại thực phẩm giàu đạm có thể tạo ra nhiều acid uric sau khi chuyển hóa. Chất này dễ bị tích tụ tại các khớp xương của bệnh nhân làm tăng các biểu hiện của bệnh.
Những loại thực phẩm giàu đạm có thể tạo ra nhiều acid uric (Ảnh: Internet)
- Thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia: Các loại thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia trong quá trình chế biến có thể kích thích khiến gai xương phát triển nhanh hơn và làm cho bệnh khó kiểm soát hơn.
Không có biện pháp dự phòng đặc hiệu để phòng chống gai xương xảy ra. Tuy nhiên những biện pháp sau đây có thể giúp hạn chế phần nào nguy cơ xảy ra gai xương:
- Kiểm soát tốt cân nặng, duy trì cân nặng ở mức hợp lý để tránh khớp phải chịu gánh nặng quá lớn.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với cường độ thích hợp để tăng cường sức khỏe hệ xương khớp.
- Bổ sung nhiều hơn vitamin D và calci trong bữa ăn hằng ngày giúp hệ xương khớp chắc khỏe hơn.
- Đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như đau đớn tại khớp, tê bì chân tay, đau dọc chân tay,... để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu bệnh xảy ra.
Tìm hiểu thêm: Tại sao trời lạnh dễ gây đau nhức xương khớp? Có phòng tránh được không?
Phòng khám đa khoa Vietlife cung cấp dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện tất cả các chuyên khoa. Hệ thống phòng khám được trang bị công nghệ hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành. Áp dụng quy trình dịch vụ khách hàng đồng bộ nhất quán từ khâu tiếp đón đến chăm sóc trước và sau khi sử dụng dịch vụ trên toàn hệ thống. Đảm bảo kết quả chẩn đoán lâm sàng chính xác và đưa ra tư vấn hướng điều trị tốt nhất.
Bạn có thể đăng ký và đặt lịch khám tại: Phòng khám MRI Trần Bình Trọng – Số 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, HN và phòng khám Vietlife Sư Vạn Hạnh – Số 583 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10, TP.HCM. Hoặc liên hệ Hotline: 024.7307.8999 để được tư vấn.
Theo dõi và cập nhật những thông tin tư vấn về sức khỏe sớm nhất tại: http://vietlifeclinic.com/