Gai cột sống ngực có những dấu hiệu như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Gai cột sống ngực có những dấu hiệu như thế nào?
Gai cột sống ngực nói riêng và gai cột sống nói chung thường chỉ được chú ý khi chúng gây kích thích hoặc làm viêm cấu trúc khớp và dây thần kinh và gây những cơn đau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những dấu hiệu của bệnh.

Gai cột sống ngực cũng là một loại của gai cột sống. Gai cột sống ngực là các chồi xương phát triển xung quanh sụn hoặc gân. Chúng thường xảy ra gần các khớp ở lưng giữa và lưng trên (tức là cột sống ngực).

Gai cột sống thường chỉ được chú ý khi chúng gây kích thích hoặc làm viêm cấu trúc khớp và dây thần kinh. Các khớp cột sống trải qua sự hao mòn hoặc các quá trình như viêm khớp, thường sẽ phát triển các gai xương. Gai cột sống ngực sẽ chỉ được cảm nhận nếu gai xương chèn ép vào các phần mềm nhạy cảm với cơn đau, chẳng hạn như dây chằng, gân hoặc dây thần kinh.

1. Gai cột sống ngực là gì?

Gai cột sống ngực được hình thành do sự gia tăng diện tích bề mặt khớp bị tổn thương. Điều này là phổ biến nhất từ sự khởi đầu của viêm xương khớp:

- Do căng thẳng cơ học quá mức và sự hiện diện của các khe nứt cấu trúc trong sụn khớp dẫn đến tổn thương sụn ở khớp.

- Sụn ở khu vực bị tổn thương trở nên sần sùi và mòn, ảnh hưởng đến sự chuyển động của khớp. Điều này có thể bắt đầu giải phóng các enzyme làm tăng sự tan rã của sụn. Từ đó kích hoạt sự hình thành gai cột sống.

- Gai cột sống cũng có thể là biểu hiện của yếu tố tăng trưởng β, một yếu tố có liên quan đến sự hình thành ban đầu và cả trong các giai đoạn phát triển sau của gai cột sống. Yếu tố tăng trưởng này và các chất trung gian đóng vai trò chính trong việc hình thành gai cột sống.

- Có đến hơn 90% thành phần của sụn là những sợi collagen type II, với nhiệm vụ giúp khớp dẻo dai và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, quá trình lão hóa và áp lực tác động lên sụn khiến cho cấu trúc các sợi collagen bị tổn thương. Những phần bị hỏng sẽ được hệ miễn dịch loại bỏ, tuy nhiên vì sụn không được nuôi từ máu nên hệ miễn dịch rất dễ nhầm chúng là yếu tố "ngoại lai". Hậu quả là không chỉ các sợi collagen tổn thương mà collagen lành lặn cũng bị phá hủy, khiến quá trình viêm và hủy hoại khớp diễn ra nhanh hơn.

- Dây chằng dày lên và bắt đầu vôi hóa, dẫn đến sự hình thành của gai xương sống. Khi các gai xương này chèn ép hệ thần kinh có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng.

2. Những dấu hiệu của bệnh gai cột sống ngực

Gai cột sống ngực sẽ chỉ gây ra các triệu chứng nếu các gai xương chèn ép hoặc kích thích cấu trúc khớp hay dây thần kinh. Nếu gai cột sống không kích thích các phần này, chắc chắn bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau. Thay vào đó, bệnh nhân có thể cảm thấy cứng ở các khớp, đốt sống và việc di chuyển hạn chế.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy các triệu chứng như:

- Đau tức ngực.

- Đau nhức vùng lưng giữa.

- Bên cạnh đau vùng lưng, bệnh nhân còn cảm thấy cứng lưng, có thể đau nặng hơn trong và sau khi hoạt động.

- Khó thở.

- Khó tiêu.

- Các chức năng ở bàng quang và ruột bị ảnh hưởng.

- Người luôn mệt mỏi…

- Nếu dây thần kinh bị chèn ép, bệnh nhân có thể có cảm giác tê và yếu.

Các dấu hiệu của gai cột sống ngực cũng sẽ phụ thuộc vào vị trí của chúng, có thể kể đến như:

- Nếu gai cột sống ngực xảy ra ở phần ở lưng trên, sự phát triển của xương có thể gây ra các hội chứng rễ thần kinh suốt từ lưng đến tay.

- Nếu ở lưng giữa (T2-11), sự phát triển của gai xương có thể gây cảm giác khó chịu ở ngực và bụng.

- Nếu ở đốt sống ngực cuối cùng, gai xương có thể chèn ép dây thần kinh ngực cuối cùng (T12), từ đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau và khó chịu ở phần khung chậu.

3. Tại sao gai cột sống ngực xảy ra?

Các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống bình thường, chấn thương cột sống hoặc tiền sử gia đình gây ra thoái hóa ở đĩa đệm và khớp cột sống, dẫn đến gai xương được hình thành. Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh gai cột sống ngực bao gồm:

- Tuổi tác (nguy cơ mắc bệnh cao với người từ 45 tuổi trở lên).

- Chấn thương ở cột sống ngực.

- Yếu tố di truyền.

- Tư thế ngồi làm việc, vận động không đúng.

- Béo phì.

- Yếu cơ bắp.

- Lạm dụng rượu và thuốc lá.

- Các hoạt động và thể thao cường độ cao.

Nguồn: https://www.s3c.com.au/conditions/mid-back/thoracic-osteophytes/


Tác giả: Anh Dũng