Gai cột sống là một dạng của thoái hóa cột sống, tiến triển âm thầm. Nếu không điều trị triệt để, các gai khác tiếp tục mọc ra, người bệnh tiếp tục bị những cơn đau cổ và vai gáy hành hạ, hạn chế chức năng hoạt động cổ, lâu ngày dẫn đến biến chứng bại liệt.
Sự hiện diện của các gai cột sống báo hiệu cột sống đang dần thoái hóa. Ở những người trên 60 tuổi, phim X-quang cột sống xuất hiện phổ biến các gai xương. Đốt sống cổ là bộ phận hoạt động nhiều nhất nên rất dễ bị thoái hóa nếu không chăm sóc đúng cách và thường xuyên.
Khi quá trình thoái hóa diễn ra sẽ khiến sụn khớp hao mòn dần, đĩa đệm xẹp xuống và thoát vị. Lúc này các dây chằng nối 2 đốt sống bị chùng giãn và theo cơ chế phản ứng tự điều hòa, cơ thể sẽ tăng cường lượng canxi ở cấu trúc dây chằng với mục đích tăng diện tích tiếp xúc giữa thân đốt sống, phân bố đều lực lên đốt sống bị tổn thương.
Theo thời gian, canxi lắng đọng ở dây chằng hình thành nên các gai xương. Các mỏm xương thường mọc ra như gai quanh vùng đĩa đệm thoát vị, ở mặt trước và bên của vùng cột sống cổ. Các gai có độ dài chỉ vài mm thường không gây đau cho đến khi chúng ngày càng to dần, làm hẹp ống tủy và các lỗ tiếp hợp ở cột sống, chèn ép rễ thần kinh, ảnh hưởng cấu trúc cơ gây nên cơn đau dữ dội cho người bệnh.
Ngoài thoái hóa cột sống, viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm do nhiễm khuẩn hoặc lao cột sống có thể là nguyên nhân gai cột sống cổ. Tuy nhiên tình trạng này rất ít gặp. Chấn thương hoặc vận động sai tư thế gây va chạm, cọ xát liên tục gây áp lực lên cột sống, làm tổn thương xương hoặc khớp, phản ứng cơ thể tự phục hồi sẽ gây nên gai cột sống.
Hiện nay, gai cột sống ngày càng trẻ hóa trong độ tuổi dưới 40. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố di truyền, béo phì, thói quen sinh hoạt và làm việc. Người có mang gen di truyền, xương đốt sống và đĩa đệm yếu hơn người bình thường.
Tình trạng thừa cân béo phì làm cột sống gánh thêm nhiều áp lực. Nhân viên văn phòng thường ngồi máy tính không đúng cách, ngửa cổ hoặc ngủ ngồi có nguy cơ cao mắc bệnh gai cột sống cổ.
Nếu có những triệu chứng sau đây, rất có thể bạn đã mắc bệnh gai cột sống cổ:
- Cơn đau cổ ê ẩm, liên tục.
- Đau vùng vai gáy, nhức mỏi bả vai.
- Tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, thậm chí lan xuống các ngón tay.
- Hạn chế vận động ở cổ, cứng cổ mỗi khi thức dậy, không quay đầu sang trái hoặc sang phải được mà phải xoay cả người.
- Đau nửa đầu, đau buốt lên đỉnh đầu.
- Một số khác thường chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ.
- Nếu bệnh kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ có thể chèn ép nặng các rễ thần kinh, gây nên bại liệt một hoặc cả hai cánh tay, rối loạn cảm giác tứ chi thần kinh thực vật.
Thông thường, chụp X-quang có thể phát hiện bệnh lý gai cột sống cổ. Tuy nhiên, một số xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), …giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Khi bị gai cột sống do thoái hóa đốt sống, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng gây áp lực lên các vùng bị đau. Nếu thừa cân, giảm cân là hết sức cần thiết. Xu hướng cải thiện gai cột sống cổ do thoái hóa đốt sống à cải thiện bảo tồn.
Thông thường với gai đốt sống cổ do thoái hóa đốt sống, chuyên gia sẽ cho dùng thuốc để khống chế đợt đau cấp. Trong trường hợp đau nhiều, chuyên gia có thể chích thuốc steroid tại chỗ để giảm viêm và đau.
Phẫu thuật giải áp chỉ được chỉ định trong trường hợp có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh, gây các dấu hiệu tê chân, tay, rối loạn đại tiểu tiện, đau lan tới tứ chi và ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt thường nhật.
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh gai cột sống do thoái hóa, nhiều người tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam mong chữa khỏi hoàn toàn gai cột sống cổ do thoái hóa.
Tuy nhiên, trên thực tế thì bệnh gai cột sống do thoái hóa không thể chữa khỏi hoàn toàn, ngay cả áp dụng phẫu thuật cắt gai thì gai vẫn có thể mọc lại chỗ cũ. Nguyên nhân gây bệnh là do thoái hóa khớp, do đó chỉ có làm chậm thoái hóa khớp và ổn định cấu trúc cột sống thì mới có thể kiểm soát được các gai này.