Những ngày qua, người dân ở nhiều quận tại Hà Nội liên tục phản ánh về việc nguồn nước có mùi khét lạ, nồng nặc mùi clo,... Sau quá trình điều tra đã phát hiện tại khu vực đầu nguồn bãi khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu đã chảy ra suối, vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp nước cho nhà máy nước sông Đà.
Chất thải tại được ghi nhận ở đầu nguồn nước Sông Đà. Ảnh: TT.
Lo lắng nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều gia đình phải mua nước tinh khiết ở ngoài để dùng cho mục đích sinh hoạt. Các trường học cũng phải chuyển sang dùng nước tinh khiết đóng bình hàng loạt để nấu ăn cho học sinh.
Trao đổi với Lao Động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Việc sử dụng nước tinh khiết vào sinh hoạt , đun nấu ăn không có vấn đề gì. Vì nước tinh khiết có thể dùng và uống trực tiếp.
Nhưng nếu dùng lâu dài thì cơ thể sẽ thiếu một số chất khoáng bình thường ở trong nước tự nhiên".
Người dân đi xin nước trước hiện tượng nước có mùi. Ảnh: TT.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nước nếu được lọc hết các chất để trở thành nước tinh khiết thì sẽ giống như nước cất dùng trong thí nghiệm. Cơ thể cần đến 50% muối khoáng và vi chất từ nước nhưng nếu lọc hết thì vô tình sẽ làm cho cơ thể thiếu chất, dễ gây bệnh.
Tuy nhiên, hiện tại một số đơn vị sản xuất nước tinh khiết mới chỉ sử dụng thiết bị tiệt trùng như tia cực tím để lọc vi khuẩn chứ chưa hoàn toàn tách khoáng. Do vậy, đó không được gọi là nước tinh khiết hoàn toàn mà chỉ là nước tiệt trùng.
Chiều 15.10, Hà Nội đã chính thức công bố kết quả chất lượng nước sau sự cố đổ trộm dầu đầu nguồn nước Sông Đà.
Kết quả cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh. Ảnh: ĐDH.
Lo sợ Styren gây độc và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhiều người tỏ ra vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, nói về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nói: “Hàm lượng 20µg/l là một hàm lượng vô cùng nhỏ, tương đương 20/1 triệu. Dù có tăng lên gấp 4 lần là 80µg/l thì cũng không có khả năng gây mùi như vậy.
Trong khi đó, có những khác cũng rất độc như các chất có gốc dầu benzen với hàm lượng cực cao, gấp 15-100 lần so với Styren lại không được đề cập tới".
Ông cho rằng, bảng phân tích nước được công bố chỉ có vài chỉ tiêu, chưa có phân tích chi tiết. Đồng thời khẳng định, chất gây mùi không phải do Styren mà là do nhiều chất khác, trong đó có thể là do những chất bị biến chất trong quá trình làm dầu.
"Styren là chất độc thật nhưng không thể có nhiều Styren đến mức gây độc. Styren luôn tồn tại trong nước nhưng rất ít, với nồng độ như vậy thì kể cả gấp 4 lần cũng không thể gây được mùi.
Hơn nữa, việc phân tích Styren là một quá trình vô cùng phức tạp và đòi hỏi máy móc hiện đại. Tôi nghĩ cần có công văn đề nghị công bố toàn bộ những nhóm chất có trong nước nhiễm độc chứ không phải một, hai chất như hiện tại công bố", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy thịnh cho rằng nồng độ Styren không đủ để gây mùi. Ảnh: ST.
Ngoài ra, ông cho rằng nguyên nhân thực sự đến từ các chất có trong dầu thải. Và vấn đề cấp bách hiện nay là cần làm rõ đó là dầu gì, độc như thế nào... Bởi dù dầu không tan trong nước nhưng không có nghĩa là nó sẽ nổi hoàn toàn trên mặt nước để vớt sạch.
"Trong dầu vẫn có những chất hòa tan được trong nước, và đó có thể là những chất gây độc", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nói thêm.