Đừng nhầm lẫn giữa thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen

Đừng nhầm lẫn giữa thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen
Phân biệt thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen giúp người bệnh sử dụng đúng loại thuốc và vai trò, tránh nhầm lẫn để đem lại hiệu quả phòng, điều trị bệnh cao.

Cả thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen đều được sử dụng cho bệnh nhân hen phế quản. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc lại có một vai trò riêng, sử dụng cho từng trường hợp khác nhau.

1. Thế nào là thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen?

Cùng tìm hiểu định nghĩa về thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen để hiểu rõ hơn về hai loại thuốc này.

1.1. Thuốc cắt cơn hen là gì?

Thuốc cắt cơn hen là những loại thuốc giãn đường dẫn khí (phế quản) tác dụng ngắn (nhanh). Đây là các thuốc đồng vận beta 2 tác dụng ngắn.

Thuốc dùng cho các trường hợp khẩn cấp, khi có dấu hiệu lên cơn hen. Đối với các trường hợp nặng, bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh cần đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế để được tư vấn phù hợp.

Các hoạt chất giãn phế quản tác dụng ngắn thường được sử dụng trong thuốc cắt cơn hen là: Salbutamol, Fenoterol, Terbutaline.

Đừng nhầm lẫn giữa thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen - Ảnh 2.

Sử dụng thuốc cắt cơn hen - Ảnh Internet

Lưu ý khi dùng thuốc cắt cơn hen: Đây là loại thuốc không dùng hàng ngày, chỉ dùng khi lên cơn hen suyễn. Ngoài ra, người bệnh hen suyễn cần đảm bảo luôn mang theo thuốc cắt cơn hen bên người để phòng ngừa các tình huống khẩn cấp.

Một số thuốc cắt cơn hen thường dùng hiện nay: Ventolin: Chứa salbutamol, Berotec: Chứa fenoterol, Bricanyl: Chứa terbutaline.

Thuốc cắt cơn hen không nên lạm dụng, nếu thường xuyên xảy ra cơn hen trong một tuần có nghĩa cơn hen của bạn chưa được kiểm soát, cần phải thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

1.2. Thuốc dự phòng hen phế quản là gì?

- Thuốc dự phòng hen phế quản là loại thuốc dùng dài hạn có tác dụng dự phòng các triệu chứng bệnh hen suyễn. Thuốc dự phòng hen phế quản cần được sử dụng đều đặn và đầy đủ để có thể có thắt đường dẫn khí cũng như giúp giảm viêm đường dẫn khí, phòng ngừa các cơn hen suyễn xảy ra.

- Các thuốc dự phòng hen suyễn hiện nay trên thị trường bao gồm corticosteroid dạng hít, các thuốc giãn đường dẫn khí (thuốc đồng vận beta 2) tác dụng kéo dài, các kháng thụ thể leukotrien, theophylin, tiotropium,…

- Trong đó, người bệnh thường được các bác sĩ kê 2 loại chính là: Corticosteroid dạng hít và các thuốc giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài.

- Các hoạt chất corticosteroid trong thuốc dự phòng hen phế quản hít thường được sử dụng là Beclomethasone, Budesonide, Fluticasone.

Đừng nhầm lẫn giữa thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen - Ảnh 3.

Hoạt chất corticosteroid trong thuốc dự phòng hen phế quản hít - Ảnh Internet

- Các hoạt chất trong thuốc dự phòng hen giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài thường được sử dụng gồm Salmeterol và Formoterol

- Kháng thụ thể leukotrien thường được sử dụng là Montelukast

- Một số thuốc dự phòng hen thường dùng hiện nay gồm Singulair viên uống/nhai: chứa montelukast, Seretide Evohaler: phối hợp salmeterol và fluticasone, Pulmicort: chứa budesonide , Symbicort Turbuhaler: phối hợp formoterol và budesonide

Thuốc dự phòng hen là thuốc quen thuộc và sử dụng lâu dài với bệnh nhân hen suyễn. Thông thường một bệnh nhân hen suyễn sẽ dùng cả thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen. Vì thế, người bệnh nên đọc kỹ các thông tin trên để dễ dàng phân biệt bệnh và thuốc phù hợp.

2. Cách phân biệt thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen

Để phân biệt thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen, người bệnh có thể dựa vào hai cách sau:

2.1. Hỏi các chuyên gia y tế

Cách đơn giản nhất để phân biệt thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen là hỏi các chuyên gia y tế, bác sĩ, dược sĩ đâu là thuốc cắt cơn hen đâu là thuốc dự phòng hen.

2.2. Dựa trên hoạt chất hoặc tên thuốc

Cách thứ hai để phân biệt thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen là dựa trên tên hoạt chất hoặc tên thuốc như những thông tin phần 1 đã nêu.

Hãy nhớ rằng, thuốc dự phòng hen là một loại thuốc cần sử dụng đều đặn hàng ngày vì thế nên để ở vị trí dễ nhìn cố định. Thuốc cắt cơn hen bệnh nhân hen suyễn cần mang theo bên ngoài mọi lúc kể cả khi ra ngoài.


Tác giả: Phương Nguyễn