Vỗ rung long đờm là một hình thức vật lý trị liệu được sử dụng thường xuyên đối với những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các tình trạng khác, chẳng hạn như xơ nang, để giúp loại bỏ chất nhầy, làm sạch đường thở.
Biện pháp này được thực hiện theo cách vỗ và rung vào ngực, lưng để giúp làm loãng chất nhầy đặc trong phổi và có thể ho ra ngoài. Vỗ rung long đờm có thể được thực hiện bằng bàn tay khum, các thiết bị điện tử hoặc dụng cụ khác làm rung ngực.
Mặc dù được cho là có những lợi ích nhất định đối với một số bệnh hô hấp nhưng vỗ rung long đờm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến sức khoẻ.
Các tình trạng như phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và xơ nang thường gây tích tụ nhiều chất nhầy trong đường thở, khiến bạn khó hít thở sâu. Mặc dù có một số loại thuốc có thể giúp làm loãng và dẫn lưu chất, giúp bạn dễ thở hơn nhưng phương pháp vỗ rung long đờm cũng thường được áp dụng để giúp đạt được mục đích này, đặc biệt đối với trẻ nhỏ - lứa tuổi không thể tự ho hoặc khạc đờm ra bên ngoài.
Mặc dù vỗ long đờm có thể thực hiện để loại bỏ đờm, nhầy trong họng nhưng đây chỉ biện pháp làm nhẹ triệu chứng, tác dụng giúp bệnh nhanh khỏi chưa có chứng cứ rõ ràng.
Đọc thêm:
- Hướng dẫn cách dùng lá xương sông để trị ho, tiêu đờm
- Hướng dẫn phân biệt ho do viêm phổi và ho do nguyên nhân sức khỏe khác
Vỗ rung long đờm là một thủ thuật an toàn nếu được thực hiện đúng cách và cẩn thận. Nhưng nếu áp dụng sai cách, một số rủi ro có thể gặp phải như:
- Nghẹt thở do chất nhầy lỏng tiết ra từ các thùy phổi khác hoặc dị vật đường thở nếu như trẻ bị nôn, gây chảy dịch vào trong khí quản và phế quản.
- Tổn thương các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như lá lách, gan hoặc thận nếu như vỗ sai vị trí và dùng lực quá mạnh.
- Thay đổi huyết áp
- Co thắt phế quản nặng
Theo các chuyên gia, đối với những trẻ bị bệnh hô hấp thông thường không nhất thiết phải vỗ long đờm. Chỉ nên áp dụng phương pháp này đối với một số trường hợp như:
- Người bị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), xơ nang
- Những trẻ bị mắc bệnh đặc biệt, ảnh hưởng đến cơ chế tự ho, chẳng hạn như trẻ bị bệnh não.
Để đảm bảo an toàn và tránh những rủi ro, nhất là đối với trẻ nhỏ. Mọi người nên đến cơ sở y tế để được vỗ long đờm đúng cách. Tuy nhiên, mọi người có thể tham khảo một số hướng dẫn chung về cách thực hiện quy trình vỗ rung long đờm như sau:
Bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi ở nhiều tư thế khác nhau như ngồi thẳng, ngả hoặc nằm trên một bề mặt phẳng. Nhưng nên chọn tư thế sao cho phần phổi được dẫn lưu càng cao càng tốt. Sau đó có thể thực hiện theo 2 bước chính:
Người chăm sóc có thể vỗ vào thành ngực trên phần phổi cần dẫn lưu, giúp di chuyển chất nhầy vào các đường dẫn khí lớn hơn. Bàn tay khum lại như để đựng nước nhưng lòng bàn tay úp xuống. Bàn tay khum cong vào thành ngực và giữ một lớp đệm không khí để làm dịu tiếng vỗ tay.
Khi vỗ nên thực hiện dứt khoát và nhịp đều đặn. Mỗi nhịp nên có một âm thanh rỗng, điều này chứng tỏ bạn đang thực hiện đúng cách và không gây đau cho người bệnh. Các chuyển động ở cổ tay với cánh tay nên được thả lỏng, như vậy sẽ giúp cho việc thực hiện ít mệt mỏi hơn.
Liệu pháp rung được kết hợp khi vỗ ngực, giúp lắc nhẹ chất nhầy và chất bài tiết vào các đường dẫn khí lớn.
Trong quá trình rung, người chăm sóc nên đặt một bàn tay phẳng chắc chắn lên trên đoạn phổi cần dẫn lưu và căng cơ cánh tay và vai để tạo ra chuyển động lắc nhẹ. Sau đó, người chăm sóc ấn nhẹ lên khu vực được rung, thực hiện bằng bàn tay dẹt, không phải bàn tay khum.
Điều quan trọng đối với người được vỗ rung là hít vào thật sâu và thở ra từ từ nhưng dứt khoát.
Biện pháp vỗ rung thường được thực hiện khoảng từ 3 đến 5 phút. Sau khi vỗ xong, người bệnh được khuyến khích ho mạnh để đẩy chất đờm ra bên ngoài.
Ngoài ra, khi thực hiện vỗ rung long đờm, mọi người nên lưu ý thêm một số điều như:
- Thời gian tốt nhất để thực hiện động tác vỗ đờm là vào buổi sáng vì có khả năng phổi của bạn sẽ tích tụ chất nhầy trong đêm. Nếu bạn bị ho qua đêm, bạn cũng có thể cân nhắc thực hiện ngay trước khi đi ngủ.
Đặc biệt cần lưu ý, không nên thực hiện động tác vỗ rung đờm ngay sau khi ăn vì điều này có thể khiến người bệnh nôn trớ hoặc khó chịu.
- Chỉ nên thực hiện trên xương sườn, ở hai bên ngực, hai bên lưng. Cẩn thận khi vỗ nên tránh vùng xương ức, cột sống và lưng dưới vì có thể gây hại cho các cơ quan nội tạng.
- Lưu ý rằng quy trình không nên được thực hiện trên da trần
Nguồn tham khảo: