Vào mùa mưa bão, nhiều vấn đề sức khoẻ có thể xảy ra như các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, bệnh lý về mắt, ... Đặc biệt, nếu để cơ thể dính nước mưa, bạn sẽ dễ bị ốm hơn và nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý khác. Để phòng ngừa các bệnh lý trong mùa mưa, bạn không nên để nước mưa dính vào những bộ phận nhạy cảm này trong thời gian quá lâu.
Khi cơ thể bị ướt do mưa, bạn dễ bị cảm lạnh do sự giảm nhiệt độ của cơ thể và hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Ngoài cảm lạnh, bạn có thể gặp các vấn đề sức khoẻ khác nếu như để các bộ phận này bị dính nước mưa trong thời gian dài:
- Bàn chân
Bàn chân là bộ phận có nhiều huyệt đạo, nếu chân bị nhiễm lạnh dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ như bị cảm, đau bụng, ... Ngoài ra, việc lội nước mưa cũng có thể gây nhiễm trùng và dị ứng ở chân như ngứa chân, viêm da, nấm chân, ...
Để phòng ngừa các bệnh ở chân vào mùa mưa, bạn nên đeo ủng khi ra ngoài. Khi trở về nhà nên rửa lại chân với xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô chân và ủ chân trong chăn để làm ấm lại lòng bàn chân.
Đọc thêm:
+ Phòng tránh bệnh lỵ trực khuẩn sau mưa bão
+ 5 loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình mùa mưa bão
- Đầu, tóc
Chắc hẳn nhiều người đã gặp tình trạng đau đầu sau khi bị dính nước mưa. Điều này có thể do bạn bị cảm lạnh hoặc chỉ đơn giản là bị nhiễm lạnh. Đầu là bộ phận chứa nhiều dây thần kinh và huyệt đạo quan trọng, do đó nếu để dính nước và bị lạnh, cơ thể sẽ dễ bị ốm, đau và mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu để tóc bị ướt, không những bạn sẽ gặp tình trạng đau đầu mà còn có thể bị ngứa đầu, rụng tóc, nấm đầu, ... Vì vậy, nếu chẳng may bị ướt đầu, tóc, bạn nên nhanh chóng làm khô tóc bằng khăn hoặc máy sấy, tuy nhiên không nên dùng quạt để làm khô tóc vì sẽ khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh hơn.
- Mắt
Nước mưa có chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và các chất hoá học, đặc biệt ở những thành phố có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư. Do đó, nếu để mắt tiếp xúc trực tiếp với nước mưa thường xuyên có thể sẽ mắc phải các bệnh như viêm Meibomitis, viêm kết mạc, loét giác mạc, khô mắt, đỏ mắt, … Trong đó, viêm loét giác mạc do vi khuẩn, hoặc nấm sẽ gây ra các triệu chứng đau mắt đỏ, xuất huyết nhẹ, nguy hiểm hơn là suy giảm thị lực.
Để bảo vệ mắt khi đi mưa, mọi người nên đeo kính mắt hoặc mũ bảo hiểm có kính chắn gió khi lưu thông trên đường với xe máy. Sau khi trở về nhà, bạn nên lau mắt với khăn sạch, nhỏ nước muối sinh lý, không dùng tay dụi mắt.
- Vùng kín
Bộ phận dễ bị bị vi khuẩn và nấm mốc tấn công nhất chính là vùng kín của chúng ta do đặc thù độ pH không ổn định. Do đó, nếu mặc quần áo ướt do nước mưa có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh ở vùng kín như viêm nhiễm, nấm, ...
Các triệu chứng bạn có thể gặp khi bị viêm nhiễm vùng kín do nhiễm nước mưa: ngứa, có mùi hôi, ... Để tránh nhiễm bệnh vùng kín khi bị dính mưa, bạn nên nhanh chóng thay đồ, vệ sinh lại vùng kín bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh phù hợp.
Bị lạnh khi trời mưa có thể khiến bạn dễ bị ốm hơn nên giữ ấm và khô ráo là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn phòng tránh các bệnh mùa mưa cũng như cách để tăng cường sức khoẻ:
- Kiểm tra thời tiết để bạn có thể chủ động nếu như trời mưa bất chợt
- Sử dụng trang phục phù hợp khi đi mưa. Nếu không phải thời tiết lạnh cóng của mùa đông, bạn nên mặc quần đùi, áo cộc tay, áo mưa thâm nước và thoáng khí. Đặc biệt, bạn nên tránh trang phục làm từ cotton vì chúng thấm nước và giữ nước trên da, khiến bạn cảm thấy ẩm ướt và lạnh hơn.
- Thay quần áo khô, tất, giày nhanh chóng khi đi mưa về. Ngồi trong bộ quần áo ướt sẽ khiến da bạn lạnh và hạ nhiệt độ cơ thể. Nếu đi làm hoặc ra ngoài mà chưa thể trở về nhà, bạn nên dự phòng thêm một bộ quần áo để thay ngay sau đó.
- Uống nước ấm sẽ làm ấm cơ thể nhanh chóng, phòng ngừa được các tình trạng như cảm lạnh, đau nhức đầu, ... Một số thức uống phù hợp cho bạn sau khi đi mưa trở về như trà gừng, sữa nghệ, trà chanh mật ong, trà bạc hà, sữa đậu nành nóng, ... Không chỉ uống nước ấm, bạn cũng có thể bổ sung thêm các món ăn nóng ấm như cháo hoặc canh.