Mới đây Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tiếp nhận một trường hợp bệnh một bệnh nhân nhi 13 tuổi bị xoắn tinh hoàn. Gia đình bé chia sẻ bé có hiện tượng đau vùng bìu trong 3 ngày nên gia đình đã đưa bệnh nhi đến một cơ sở y tế tư nhân thì được chẩn đoán là viêm mào tinh hoàn, bé được cấp thuốc để uống.
uy nhiên vài ngày sau bệnh không hề thuyên giảm mà cơn đau càng dữ dội nên bệnh nhân được đưa đến bệnh viện thì phát hiện là xoắn tinh hoàn. Mặc dù các bác sĩ khẩn cấp tiến hành phẫu thuật nhưng vẫn không giữ được tinh hoàn vì tình trạng đã chuyển biến trầm trọng.
Một trường hợp tương tự xảy ra mới đây ở một bệnh nhân nam 20 tuổi sống tại Hà Nội. Anh T có biểu hiện đau nhức sưng to vùng bìu, cũng vì tâm lý e ngại và nghĩ rằng vùng kín dần dần sẽ đỡ nên đã không nhanh chóng đi đến cơ sở y tế. Khi cơn đau dữ dội hơn bệnh nhân mới nhập viện thì được chẩn đoán là xoắn thừng tinh cần tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ bệnh xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp nhiều ở khoảng 19-25 tuổi. Bệnh là hiện tượng thừng tinh tự cuốn quanh trục tinh hoàn làm tắc nghẽn sự lưu thông mạch máu, nếu kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn nên sẽ phải cắt bỏ.
Bệnh yêu cầu được điều trị khẩn cấp từ 6-8 tiếng sau khi phát triệu chứng bệnh vì nếu kéo dài có thể gây tổn thương mạnh cho tinh hoàn. Nếu bị hoại tử cả 2 bên tinh hoàn thì phải tiến hành cắt bỏ, người bệnh đánh mất hoàn toàn khả năng làm bố.
Đau vùng bìu hãy nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn. Ảnh: Internet
Xoắn tinh hoàn có biểu hiện chính như đau nhức sưng tấy vùng bìu, có thể kèm với các cơn đau bụng, nôn mửa. Khi sờ vào sẽ thấy tinh hoàn cao hơn bình thường ở bên hoặc cả hai bên.
Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, chấn thương tinh hoàn nên bệnh nhân nên đến khoa tiết niệu bệnh viện uy tín để được chẩn đoán đúng bệnh và kịp thời.
Thời gian điều trị càng sớm thì tỷ lệ bảo toàn bộ phận và chức năng sinh sản càng cao. Nếu điều trị sau 6 giờ phát bệnh tỷ lệ tinh hoàn được bảo tồn khoảng 90% trong khi sau 12 giờ cơ hội cứu tinh hoàn còn khoảng 50% và tỷ lệ chỉ còn 10% nếu điều trị sau 24 giờ.
Khi cắt bỏ 1 bên tinh hoàn nam giới vẫn có khả năng làm bố nhưng vì lượng tinh trùng sản xuất ra ít hơn nên khả năng sinh sản có đôi phần suy giảm. Việc cắt bỏ tinh trùng còn gây ra tâm lý tự ti mặc cảm cho nam giới vì thế việc nâng cao hiểu biết về bệnh lý là rất quan trọng để có thể kịp thời chữa trị tránh những biến chứng nghiêm trọng.