Thận là cơ quan nằm sau lưng hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp. Khi thận bị tổn thương sẽ trở thành bệnh suy thận, các chất thải và nước có thể tích tụ trong cơ thể, gây phù ở mắt cá chân, nôn mửa, suy nhược, ngủ kém, và khó thở.
Khi bị bệnh suy thận bệnh nhân có thể bị phù mắc cá chân, suy nhược... (nguồn ảnh: benhdaukhopgoi.com)
Bệnh thường gặp nhất hiện nay là suy thận mạn, bệnh làm tổn thương cấu trúc của thận trong nhiều năm.
Bệnh suy thận được chia làm 2 nhóm bệnh chính:
- Suy thận cấp tính diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.
- Suy thận mạn tính là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bắt đầu đi qua giai đoạn cuối và cần được điều trị thay thế thận bằng lọc máu định kỳ, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Thận có 3 chức năng chính:
- Giữ cân bằng dịch trong cơ thể, các chất khoáng mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường, nhất là chất kali để kiểm soát hoạt động của thần kinh và cơ, quá nhiều hay quá ít kali cũng có thể gây ra yếu cơ và vấn đề cho tim
Thận có chức năng giữ cân bằng trong cơ thể (nguồn ảnh: Nhà thuốc Long Châu)
- Loại bỏ các sản phẩm giáng hóa của protein (trong thực phẩm) như urê, creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp)
- Giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu như renin (điều hòa huyết áp), erythropoietin (EPO) giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn nhằm tăng cường cho xương.
Một số người dễ có nguy cơ mắc bệnh suy thận là đang mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport; nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu; bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt; dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.
Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Để phát hiện sớm bệnh thận có ba cách: thử nước tiểu, thử máu, đo huyết áp thường xuyên.
- Buồn nôn
- Ói mửa
- Chán ăn
- Mệt mỏi và yếu
- Các vấn đề giấc ngủ
- Thay đổi lượng nước tiểu
- Giảm sút tinh thần
- Co giật cơ bắp và chuột rút
Khi bị suy thận người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi (nguồn ảnh: Báo Thanh Niên)
- Nấc
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
- Ngứa dai dẳng
- Đau ngực, nếu tràn dịch màng tim
- Khó thở, nếu chất lỏng tích tụ trong phổi
- Cao huyết áp rất khó để kiểm soát.
Các triệu chứng cuả bệnh suy thận thường không đặc hiệu, có nghĩa là chúng cũng có thể được gây ra bởi các bệnh khác. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.
Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa và các sản phẩm giáng hóa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, phosphor, calo và các chất khác trong bữa ăn hằng ngày. Chế độ dinh dưỡng cho người bị suy thận giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận.
Cải thiện giấc ngủ giúp người suy thận có cuộc sống tốt hơn (nguồn ảnh: Báo Thanh Niên)
Về thuốc, cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu, thuốc giúp cho xương khỏe bằng vitamin D3, canxi... theo chỉ định của thầy thuốc.
Vận động thường xuyên vẫn rất cần thiết cho người có bệnh suy thận vì giúp tăng sức khỏe, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.
Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn cần đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện kịp thời và điều trị bệnh, đừng chủ quan với bệnh suy thận.