Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy

Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy
Cây bọ mẩy trong dân gian còn gọi là cây rau đắng, cây rau đốm, cây bọ nẹt. Cành lá bọ mẩy có thể làm rau ăn và làm thuốc phòng chống cảm mạo, chống ho trừ đờm.

Cảm mạo là một nhóm bệnh truyền nhiễm phát sinh ở cả bốn mùa trong năm nhưng thường gặp nhiều hơn vào hai mùa đông và xuân. Theo Đông y, nguyên nhân gây nên cảm mạo thường có hai yếu tố: Một là chính khí (sức đề kháng) của cơ thể giảm sút; hai là các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thấp, thử… xâm nhập vào cơ thể mà sinh bệnh.

1. Cây bọ mẩy là cây gì?

Bọ mẩy là loại cây nhỏ, cao khoảng 1m. Tên khoa học là Clerodendron cyrtophyllum Turcz., họ Cỏ roi ngựa.

Cành tròn, lúc non có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác, đầu nhọn, phía cuống cũng nhọn hay hơi tròn, hai mặt đều nhẵn, màu xanh lục thẫm, dài 5 - 13cm, rộng 3 - 7cm, gân nổi rõ ở mặt dưới, khi vò lá thấy có mùi hôi đặc trưng. Hoa màu trắng, hợp thành ngù, mọc ở đầu cành trên ngọn cây, nhị thò dài. Quả hạch, hình trứng, bọc trong đài.

Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy- Ảnh 1.

Cành lá bọ mẩy có thể làm rau ăn và làm thuốc.

Đọc thêm:

Loại quả giàu vitamin C hơn cam: Ăn sống hay nấu chín đều ngon lại phòng cúm hiệu quả

Tác dụng phụ của vaccine phòng cúm ở trẻ có thể gặp là gì?

Để làm thuốc thường thu hái lá kèm theo cành non của cây bọ mẩy, bỏ tạp chất rửa sạch, cắt đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần. Một số trường hợp chữa bệnh còn sử dụng cả rễ bọ mẩy.

Theo Đông y: Cành và lá bọ mẩy có vị đắng, khí hàn; vào hai kinh Tâm và Vị. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, lương huyết (mát máu), tán ứ, chỉ huyết (cầm máu). Thường dùng chữa các chứng bệnh do "hỏa độc" gây nên như sốt cao phiền khát, cảm mạo, viêm gan cấp tính do nhiễm trùng, lỵ nhiễm khuẩn, viêm đường ruột cấp tính, viêm phổi, quai bị (viêm tuyến nước bọt), ho ra máu, chảy máu cam, mụn nhọt ngoài da.

2. Phòng cảm mạo, chống ho từ cành lá bọ mẩy

Dự phòng bệnh cúm, cảm mạo

Dùng bài: Lá bọ mẩy tươi 24g, sắc với 400ml nước, còn 200ml. Có thể sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia 2 phần, uống trong ngày, uống liên tục trong 5 ngày.

Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy- Ảnh 2.

Lá nhót tươi kết hợp với cành lá bọ mẩy tươi, hạt củ cải hỗ trợ trị viêm phế quản mạn.

Chống ho, trừ đờm, hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính

Dùng bài: Cành lá bọ mẩy tươi 30g, lá nhót tươi 30g, hạt củ cải 15g. Các vị thuốc sắc với 750ml nước còn 250ml. Chia 2 phần, uống trong ngày.

Phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp trên

Dùng bài: Lá kèm cành non bọ mẩy 15 - 20g sắc với 400ml nước còn 200ml. Có thể sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia 2 phần, uống trong ngày. Uống liền trong 7 ngày.

Kinh nghiệm dân gian thường dùng cành lá bọ mẩy sao vàng, sắc nước uống cho phụ nữ sau sinh giúp ăn ngon miệng và chóng lại sức. Rễ bọ mẩy có tính năng tương tự như cành lá, nhưng còn có thêm tác dụng trừ phong thấp và chống đau nhức.

3. Dấu hiệu mắc các bệnh đường hô hấp

Khi mắc các bệnh đường hô hấp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

- Hắt hơi

- Sổ mũi

- Sốt

- Ho có đờm hoặc ho khám có thể ho ra máu

Một số trường hợp nặng có thể đau ngực thậm chí khó thở.

4. Phòng ngừa các bệnh đường hô hấp

Việc phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp hoặc tránh làm tăng nặng ở những người đã có sẵn bệnh nền. Để phòng ngừa các bệnh lý hô hấp, người dân có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau:

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Do chỉ số ô nhiễm trong không khí ngày càng cao, người dân cần bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang tốt nhất là N95 và N99 vì đây là loại khẩu trang có thể lọc được bụi mịn. Nếu ở nhà, người dân nên dùng máy lọc không khí, đảm bảo không gian thông thoáng.

Dự phòng cảm mạo, viêm đường hô hấp với cành lá bọ mẩy - Ảnh 4.

Do chỉ số ô nhiễm trong không khí ngày càng cao, người dân cần bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài (Ảnh: Internet)

- Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bạn nên bổ sung, tăng cường dinh dưỡng vào thực đơn hàng ngày. Ngoài ra có thể tăng cường vitamin khoáng chất thông qua các loại thực phẩm hoặc uống vi chất như: kẽm, vitamin C, men vi sinh... Một số loại thực phẩm tốt cho đường hô hấp và tăng sức đề kháng như: bông cải xanh, cam, táo, rau xanh, trứng, sữa…

Bên cạnh đó, đừng quên uống đủ 2l nước mỗi ngày. Việc uống đủ nước giúp đảm bảo lượng nước cho cơ thể, đảm bảo quá trình trao đổi chất hiệu quả, giúp tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý trong đó có bệnh đường hô hấp.

- Vệ sinh mũi họng hàng ngày và vệ sinh tay chân sau bằng xà phòng/nước sát khuẩn khi đi ngoài đường về nhà.

- Có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Việc căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Do vậy, người dân cần duy trì tập luyện để tăng sức đề kháng, một số bài tập thở cũng rất tốt cho đường hô hấp. Hơn nữa việc tập luyện cũng là cách để giảm căng thẳng, stress.

- Không để cơ thể nhiễm lạnh: Những ngày thời tiết chuyển mùa không nên để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột như thói quen tắm nước lạnh hay đi ra ngoài mà không giữ ấm cơ thể… Bạn cần phải giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là các vùng cổ, vùng ngực, bàn chân, bàn tay…

Với những trường hợp có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi thoáng qua có thể sử dụng các loại thuốc cảm cúm thông thường hoặc dùng các biện pháp dân gian như chanh quất mật ong để giảm triệu chứng.

Tuy nhiên với những trường hợp có dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao liên tục, khó thở, ho kéo dài, ho ra máu… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Hoặc những người có dấu hiệu mắc bệnh lý đường hô hấp trên những người mắc bệnh nền cũng nên cơ sở y tế để tránh trường hợp diễn biến nặng.


Tác giả: SK