Bệnh dạilà một bệnh do virus có thể phòng ngừa được, thường lây truyền qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Virus bệnh dại lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương của động vật có vú, cuối cùng gây bệnh ở não và tử v.ong.
Theo WHO tính đến tháng 1/2023 thì bệnh dại thì bệnh phổ biến ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ - trở thành nguyên nhân tử v.ong của hàng chục nghìn người mỗi năm trong đó chủ yếu là Châu Á và Châu Phi và có tới 40% trường hợp là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi. Hàng năm có tới hơn 29 triệu người trên toàn thế giới nhận điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phòng ngừa tốt hơn.
Bệnh dại là một bệnh lây truyền từ động vật sang người, có thể phòng ngừa bằng vaccine và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh dại gần như gây tử v.ong 100%. Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virut bệnh dại sang người. Tuy nhiên, bệnh dại có thể ảnh hưởng đến cả vật nuôi và động vật hoang dã.
Virus lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ: mắt, miệng hoặc vết thương hở). Trẻ em từ 5 đến 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên.
Virus bệnh dại thuộc bộ Mononegavirales, virus có bộ gen RNA sợi âm, không phân đoạn. Trong nhóm này, các virus có hình dạng "viên đạn" riêng biệt với một đầu tròn và một đầu dẹt được phân loại trong họ Rhabdoviridae, bao gồm ít nhất ba chi virus động vật là Lyssavirus, Ephemerovirus và Vesiculovirus. Chi Lyssavirus bao gồm virus dại, dơi Lagos, virus Mokola, virus Duvenhage, virus dơi châu Âu 1 & 2 và virus dơi Úc.
Có hai dạng bệnh dại:
- Bệnh dại thể điên cuồng: gây ra tăng động thái quá, hành vi dễ bị kích động, ảo giác, thiếu phối hợp, sợ nước và sợ khí (sợ gió lùa hoặc không khí trong lành). Nạn nhân tử v.ong sau một vài ngày do ngừng tim và hô hấp
- Bệnh dại thể câm (bại liệt): chiếm khoảng 20% tổng số trường hợp mắc bệnh ở người. Dạng bệnh dại này diễn ra ít kịch tính hơn và thường kéo dài hơn so với dạng bệnh dại thể điên cuồng. Cơ bắp nạn nhân dần dần bị tê liệt, bắt đầu từ vị trí vết thương. Tình trạng hôn mê phát triển từ từ và cuối cùng là tử v.ong. Dạng liệt của bệnh dại thường bị chẩn đoán sai do báo cáo bệnh không đầy đủ.
Người bị cắn thường bị lây nhiễm virus dại với các vết cắn sâu hoặc vết xước bình thường từ động vật mắc bệnh dại - 99% là chó. Việc lây truyền cũng có thể xảy ra nếu nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh tiếp xúc với niêm mạc mắt hoặc miệng hay vết thương ngoài da của người khoẻ mạnh.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển ở lớp mô trong cùng bên dưới da người (được gọi là mô dưới da) hoặc từ cơ bắp vào các dây thần kinh ngoại biên (tức là các dây thần kinh trong cơ thể nằm ngoài não hoặc tủy sống). Virus dại di chuyển dọc theo dây thần kinh đến tủy sống và não với tốc độ ước tính 12 - 24 mm mỗi ngày.
Bệnh dại có lây truyền qua đường không khí không? Câu trả lời là sự lây lan của bệnh dại do hít phải khí dung có chứa virus hoặc do cấy ghép các cơ quan bị nhiễm bệnh đã được mô tả nhưng cực kì hiếm. Và sự lây truyền từ người sang người qua vết cắn hoặc nước bọt về mặt lý thuyết là có thể xảy ra nhưng chưa bao giờ được xác nhận. Điều tương tự cũng xảy ra đối với việc lây truyền sang người thông qua việc tiêu thụ thịt sống hoặc sữa của động vật bị nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh dại thường là 2 – 3 tháng nhưng có thể thay đổi kéo dài từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí xâm nhập của virus và tải lượng virus.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm các dấu hiệu chung chung như sốt và đau đầu kéo dài từ 2- 4 ngày, đau và cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc bỏng rát bất thường hoặc không rõ nguyên nhân tại vị trí vết thương.
Các dấu hiệu khác là sợ nước, không dung nạp tiếng ồn, ánh sáng và không khí; ảo giác; tâm trạng khó chịu, tức giận hoặc trầm cảm, lú lẫn; liệt một phần; chảy dãi quá nhiều; khó nuốt chất lỏng; có kích thích co thắt hở cổ và họng ở giai đoạn sau.
Khi virus di chuyển đến hệ thống thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử v.ong sẽ phát triển. Bệnh dại lâm sàng ở người có thể được kiểm soát nhưng rất hiếm khi được chữa khỏi và không phải là không có những thiếu sót nghiêm trọng về thần kinh.
Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là phản ứng khẩn cấp đối với phơi nhiễm bệnh dại. Điều này ngăn không cho vi-rút xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương - nguyên nhân chắc chắn sẽ dẫn đến tử v.ong. PEP bao gồm:
- Rửa kỹ bằng nước và xà phòng trong ít nhất 15 phút và điều trị tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt sau khi nghi ngờ bị phơi nhiễm bao gồm làm sạch vết thương với 70% rượu/ethanol hoặc povidone-iodine (nếu có).
Lưu ý tuyệt đối không được sử dụng các loại tẩy rửa khác như ớt bột, nước axit hay nước kiềm để làm sạch vết thương. Băng vết thương bằng gạc sạch và di chuyển nhanh tới cơ sở y tế.
- Tiêm vaccine phòng dại liệu trình theo hướng dẫn của WHO và tiêm globulin miễn dịch bệnh dại hoặc kháng thể đơn dòng vào vết thương nếu như được chỉ định.
Theo WHO thì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc tiếp xúc với động vật nghi mắc bệnh dại, việc sử dụng một liệu trình PEP đầy đủ được khuyến nghị như sau:
Các loại tiếp xúc với động vật nghi mắc bệnh dại | Các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm |
---|---|
Loại I - hoặc cho động vật ăn, động vật liếm trên da không có vết thương/xước (không tiếp xúc) | Rửa bề mặt da tiếp xúc, không PEP |
Loại II - Cắn vào vùng da hở, trầy xước nhẹ hoặc trầy da mà không chảy máu (phơi nhiễm) | Rửa vết thương và tiêm phòng ngay |
Loại III - Một hoặc nhiều vết cắn hoặc trầy xước xuyên qua da, nhiễm bẩn màng nhầy hoặc da bị cắt với nước bọt do động vật liếm, phơi nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với dơi (phơi nhiễm nghiêm trọng) | Rửa vết thương, tiêm phòng ngay lập tức và tiêm globulin miễn dịch/kháng thể đơn dòng kháng dại |
Như vậy có thể thấy đối với phơi nhiễm loại II và loại III đều yêu cầu PEP. Ngoài ra, cần theo dõi động vật gây ra vết cắn, chẳng hạn như với bệnh dại chó, con vật bị nhiễm virus dại sẽ có những biểu hiện bất thường từ 1- 7 ngày cho tới khi chết như:
- Cắn người hoặc vật khi không có khiêu khích
- Ăn đồ vật bất thường (khác thức ăn bình thường) như phân, tóc, móng tay
- Chạy liên tục không mục đích hoặc biến mất trong thời gian quan sát
- Gầm gừ, tiếng khàn hoặc mất tiếng
- Hiện tượng tiết nước bọt quá mức, chủ yếu ở góc miệng không liên quan tới chứng sợ nước (hydrophobia).
Để phòng ngừa bệnh dại, cần lưu ý các vấn đề sau:
Bệnh dại là bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Tiêm phòng cho chó, bao gồm cả chó con, là chiến lược hiệu quả nhất về chi phí để ngăn ngừa bệnh dại ở người vì nó ngăn chặn sự lây truyền tại nguồn bệnh gốc. Hơn nữa, tiêm phòng cho chó giúp giảm nhu cầu về PEP - giảm gánh nặng cho y tế về chi phí.
Giáo dục về hành vi của chó và phòng ngừa vết cắn cho cả trẻ em và người lớn là một phần mở rộng thiết yếu của các chương trình tiêm phòng bệnh dại và có thể góp phần giúp giảm cả tỷ lệ mắc bệnh dại ở người và gánh nặng tài chính trong việc điều trị vết cắn của chó.
Có các loại vaccine rất hiệu quả để chủng ngừa cho mọi người sau khi phơi nhiễm (dưới dạng PEP) hoặc trước khi tiếp xúc với bệnh dại.
Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được khuyến nghị cho những người làm một số nghề nghiệp có nguy cơ cao (chẳng hạn như nhân viên phòng thí nghiệm xử lý bệnh dại và virus liên quan đến bệnh dại) và những người có hoạt động nghề nghiệp hoặc cá nhân có thể dẫn đến tiếp xúc trực tiếp với dơi hoặc động vật có vú khác có thể bị mắc bệnh dại (như nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm lâm động vật hoang dã).
Ngoài ra, khi thực hiện các hoạt động ngoài trời cần chú ý chủ động bảo vệ bản thân khỏi các nguồn có thể tấn công.
1.
Rabies (WHO)2. Rabies (CDC)