Đột quỵ là gì? Thông tin từ A đến Z về bệnh đột quỵ có thể bạn chưa biết

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Đột quỵ là gì? Thông tin từ A đến Z về bệnh đột quỵ có thể bạn chưa biết
Chắc hẳn rất nhiều người đều đã nghe tới bệnh đột quỵ và những hệ lụy nguy hiểm của nó. Tuy nhiên không phải ai cũng biết chính xác đột quỵ là bệnh gì và những kiến thức về đột quỵ.

Đột quỵ là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 200,000 ca mắc đột quỵ, một nửa trong số đó tử vong và chỉ khoảng 1/10 số trường hợp sống sót và được điều trị khỏi hoàn toàn. Những năm gần đây, đột quỵ có nguy cơ ngày càng trẻ hóa với tỷ lệ người từ 40-45 tuổi bị đột quỵ ngày càng gia tăng.

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (tên tiếng anh là Stroke), hay còn gọi là bệnh tai biến mạch máu não xảy ra khi não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. Dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy và dưỡng chất. Trong vòng một vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

dot-quy-la-gi

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. (Nguồn ảnh: Internet)

Có thể bạn quan tâm:

- Những thời điểm dễ bị đột quỵ nhất

- Di chứng sau đột quỵ

2. Các loại đột quỵ

Đột quỵ được chia làm 3 loại chính gồm: đột quỵ do xuất huyết, đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do thiếu máu thoáng qua não.

- Đột quỵ do xuất huyết não: đây là dạng đột quỵ gây ra bởi sự rò rỉ hoặc các vết nứt trên bề mặt não hoặc động mạch não. Nguyên nhân có thể do phình mạch (một khu vực yếu, mỏng trên thành động mạch) hoặc do hệ thống mạch máu não bị dị dạng. Đột quỵ xuất huyết não chỉ chiếm 15% tổng số ca đột quỵ nhưng lại là dạng gây tử vong cao nhất.

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: đây là dạng đột quỵ chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ, xảy ra khi động mạch bị tắc nghẽn và thường gặp ở người già. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được nếu như thực hiện tốt các biện pháp dự phòng.

+ Đột quỵ do tắc mạch máu: Tắc nghẽn hình thành do các cục máu đông ở đâu đó trong cơ thể, thường là ở tim, di chuyển đến não gây tắc nghẽn.

+ Đột quỵ do huyết khối: Các cục máu đông hoặc các mảng bám tích tụ trong động mạch não hoặc cổ lâu dần gây ra tắc nghẽn.

cac-dang-dot-quy

85% các ca đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu trong não. (Nguồn ảnh: Internet)

- Thiếu máu não thoáng qua (TIA): đây là dạng đột quỵ nhỏ gây ra bởi những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, dạng này thường kéo dài trong vài phút.

3. Dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần bao gồm:

cac-dang-dot-quy

Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột và biến mất rất nhanh. (Nguồn ảnh: Internet)

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, không giải thích được và có thể kèm theo buồn nôn, nôn.

- Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các động tác

- Cơ thể mệt mỏi, tê cứng một mặt hoặc nửa mặt, nụ cười bị méo mó, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực

- Đột ngột giảm thị lực hoặc mờ mắt ở cả một hoặc hai mắt, hoặc nhìn đôi

- Khó phát âm, khó nói hoặc không hiểu các câu đơn giản, đầu óc lú lẫn đột ngột

- Khó cử động hoặc tê liệt chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ rõ nhất là bạn không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc hoặc bạn không thể cười một cách bình thường.

Người bị đột quỵ có thể xuất hiện một vài triệu chứng kể trên. Tùy vào thể trạng sức khỏe mà mỗi người sẽ có những dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp những cơn thiếu máu thoáng qua với các dấu hiệu và triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chúng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Những cơn thiếu máu này là dấu hiệu sớm cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xảy đến trong một vài tuần sắp tới.

Dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ thường xuất hiện và biến mất rất nhanh, do đó bạn cần lắng nghe cơ thể để chủ động đi khám kịp thời. Thời gian "lý tưởng" cho bệnh đột quỵ là 60 phút, mỗi phút trôi qua sẽ làm mức độ tổn thương hệ thần kinh ngày càng nghiêm trọng hơn.

4. Nguyên nhân gây đột quỵ

Đột quỵ được gây ra bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm: các yếu tố bệnh lý và các yếu tố không thể thay đổi.

4.1. Các yếu tố bệnh lý

- Tiền sử đột quỵ: người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lại, nhất là trong vài tháng đầu. Thời gian đột quỵ dễ tái phát nhất kéo dài trong 5 năm, sau đó nguy cơ tái phát sẽ giảm dần theo thời gian.

- Mỡ máu: những người bị mỡ máu có lượng cholesterol cao tích tụ trên thành động mạch, lâu dần cholesterol sẽ làm tắc nghẽn mạch máu não.

- Cao huyết áp: Huyết áp cao làm tăng sức ép lên thành động mạch, khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Bên cạnh đó, cao huyết áp còn là yếu tố góp phần hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn quá trình lưu thông của máu lên não. Vì vậy, những người có nguy cơ đột quỵ cần khám huyết áp thường xuyên để tìm ra biện pháp ngăn ngừa bệnh.

- Bệnh tim mạch: những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường

- Đái tháo đường: người gặp các vấn đề liên quan đến đái tháo đường cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn

- Thừa cân, béo phì: những người bị thừa cân, béo phì dễ mắc các bệnh như mỡ máu, tim mạch, cao huyết áp, do đó cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ

- Hút thuốc: nếu bạn hút thuốc lá, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần người bình thường. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ vữa động mạch. Khói thuốc lá cũng gây hại cho tim, phổi và làm tăng huyết áp.

- Lối sống phi khoa học: lười vận động, ăn uống không lành mạnh, không cân bằng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng là nguyên nhân chính gây đột quỵ.

- Ngoài ra, uống nhiều bia rượu, sử dụng chất kích thích cũng được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.

nguyen-nhan-gay-dot-quy

Đột quỵ được gây ra bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm: các yếu tố bệnh lý và các yếu tố không thể thay đổi. (Nguồn ảnh: Internet)

4.2. Các yếu tố không thể thay thế

- Tiền sử gia đình: nếu tiền sử gia đình bạn có người thân từng bị đột quỵ thì bạn cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường.

- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc đột quỵ cao hơn nữ giới

- Tuổi tác: người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Từ 55 tuổi trở đi, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên gấp đôi.

- Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần so người da trắng.

5. Chẩn đoán đột quỵ

Dựa vào kết quả khám lâm sàng và bệnh sử, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có nguy cơ bị đột quỵ, bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm sau:

    chan-doan-dot-quy

    Để chẩn đoán đột quỵ, các bác sĩ sẽ có thể chụp cộng hưởng từ (MRI), làm điện tâm đồ hoặc siêu âm động mạch cảnh ở cổ. (Nguồn ảnh: Internet)

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) não: cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ về vùng não bị đột quỵ và xác định dạng đột quỵ: do vỡ mạch máu não hay do cục máu đông.

- Điện tâm đồ: mục đích là để loại trừ khả năng bạn bị rung nhĩ (loạn nhịp), vì đây cũng có thể là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não do cục máu đông từ tim di chuyển lên não và gây đột quỵ.

- Siêu âm động mạch cảnh ở cổ: mục đích để tìm vị trí tắc nghẽn động mạch nuôi não.

6. Điều trị đột quỵ

Các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Nhìn chung, tỷ lệ sống của người bệnh sẽ chủ yếu phụ thuộc vào thời điểm người bệnh được chuyển đến bệnh viện.

- Đột quỵ do xuất huyết não: tùy theo mức độ của bệnh nhân và thời gian nhập viện mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật

- Đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não: bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc tan cục máu đông đang làm tắc nghẽn mạch máu, đặt stent mạch máu, can thiệp nội mạch máu

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho người bệnh dùng một số loại thuốc khác để làm loãng máu như aspirin, warfarin (Coumadin) hoặc lopidogrel (Plavix).

Sơ cứu người bị đột quỵ:

- Không để người bệnh ngã và phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức

- Đặt người bệnh trong tư thế nằm nghiêng để bảo vệ đường thở và đảm bảo an toàn cho người bệnh

- Tuyệt đối không tự ý đánh giá, bấm huyệt, châm cứu cho người bệnh

- Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, phản ứng của người bệnh như nôn mửa, suy giảm ý thức

- Không tự ý cho người bệnh dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào

- Không cho người bệnh ăn uống vì có thể gây sặc vào đường hô hấp, làm tắc đường thở, rất nguy hiểm.

->> Có thể bạn quan tâm: Những điều nên và không nên làm khi sơ cứu người bị đột quỵ

7. Ngăn ngừa đột quỵ

Để ngăn ngừa đột quỵ, bạn cần duy trì những thói quen sau:

- Giữ ấm cơ thể.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Tập thể dục hàng ngày.

- Không hút thuốc lá, không sử dụng bia rượu, chất kích thích.

Hi vọng những thông tin tổng hợp về đột quỵ ở trên đã có thể giúp người bệnh hiểu rõ hơn về căn bệnh này để có biện pháp phòng tránh bệnh đúng cách.

Tác giả: Phạm Trang