Trong các biến chứng của bệnh cao huyết áp, đột quỵ do tăng huyết áp được coi là một trong những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, diễn tiến nhanh chóng, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân và để lại nhiều di chứng nặng nề kể cả khi bệnh nhân được điều trị tích cực.
Người ta thấy, có đến hơn 50% bệnh nhân đột quỵ được ghi nhận tiền sử bị tăng huyết áp, và dù là tăng huyết áp tâm thu hay huyết áp tâm trương cũng đều làm gia tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ ở bệnh nhân.
Có nhiều cơ chế được đưa ra để lý giải cho điều này, tuy nhiên nhưng hai cơ chế chính gây đột quỵ do tăng huyết áp phải kể đến bao gồm:
- Tăng xơ vữa mạch máu: Tăng huyết áp khi xảy ra sẽ góp phần thúc đẩy tình trạng xơ vữa mạch máu ở bệnh nhân diễn ra nặng nề hơn, đặc biệt là ở hệ thống động mạch nền sọ. Các mảng xơ vữa bị nứt, vỡ gây khởi phát quá trình đông máu tạo cục máu đông trong lòng mạch và khiến lòng mạch bị bít tắc, đồng thời các tổn thương này cũng khiến lòng mạch bị tổn thương và kích thích phản xạ co mạch máu.
Điều này làm gián đoạn cung cấp máu cho nhu mô não, hậu quả là tình trạng đột quỵ nhồi máu não ở bệnh nhân.
- Tăng áp lực trong lòng mạch: Tăng huyết áp khiến áp lực trong lòng mạch của các mạch máu não gia tăng và thành mạch dễ bị vỡ hơn do áp lực cao.
Đồng thời áp lực dòng máu cao tác động lên các điểm yếu trên thành mạch dễ dẫn đến hình thành các phình mạch máu hoặc làm nặng hơn các phình mạch máu đã có sẵn và các phình mạch này có thể bị vỡ ra nếu áp lực vẫn tiếp tục tăng cao. Hậu quả chính là tình trạng đột quỵ xuất huyết não.
Nhìn chung, về mặt biểu hiện thì đột quỵ do tăng huyết áp cũng có thể hiện những triệu chứng đặc trưng của một trường hợp đột quỵ thông thường, bao gồm:
- Tính chất khởi phát: Đột quỵ do tăng huyết áp có tính chất khởi phát đột ngột, không dự báo trước và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, đột quỵ nhồi máu não thường được ghi nhận xuất hiện nhiều hơn về gần sáng và đột quỵ xuất huyết não thường được ghi nhận sau khi bệnh nhân hoạt động mạnh, gắng sức, cảm xúc mạnh,...
- Yếu, liệt: Yếu, liệt là các biểu hiện phổ biến của đột quỵ do tăng huyết áp. Bệnh nhân có thể bị liệt 1/2 mặt (méo miệng, mất rãnh mũi má, mi mắt sụp, không huýt sáo được,...), liệt 1/2 người,... Những trường hợp nhẹ, bệnh nhân đột quỵ do tăng huyết áp có thể chỉ cảm thấy tê bì hoặc yếu tay chân hơn bình thường.
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Hội chứng tăng áp lực nội sọ có thể xảy ra với các biểu hiện đau đầu, nôn , và các rối loạn thần kinh.
- Rối loạn tri giác: Bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não có thể vẫn còn tỉnh táo sau khi đột quỵ xảy ra, nhưng cũng có thể có rối loạn tri giác do đột quỵ. Biểu hiện của rối loạn tri giác ở bệnh nhân đột quỵ do tăng huyết áp rất đa dạng từ chậm chạp, lơ mơ, cho đến hôn mê. Để đánh giá mức độ rối loạn tri giác ở người bệnh đột quỵ do tăng huyết áp một cách khách quan thì người ta thường sử dụng thang điểm Glasgow.
- Rối loạn hoạt động cơ tròn: Hoạt động của các nhóm cơ tròn như cơ thắt bàng quang, cơ thắt hậu môn,... có thể bị rối loạn khi đột quỵ xuất huyết não xảy ra và thường biểu hiện hiện bằng các triệu chứng dễ phát hiện như đại, tiểu tiện không tự chủ.
Ngoài ra, người bệnh đột quỵ còn có thể biểu hiện bằng một số các triệu chứng khác như rối loạn khả năng phát âm (khó nói, nói ngọng, không nói được), không giữ được thăng bằng, co giật,...
Khi đột quỵ do tăng huyết áp xảy ra, vấn đề sơ cứu đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo an toàn ban đầu cho bệnh nhân. Những nội dung chính trong sơ cứu bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não bao gồm:
- Đỡ bệnh nhân, tránh để bệnh nhân bị té ngã gây chấn thương. Để người bệnh nằm ở tư thế nghiêng tại nơi thông thoáng, tránh chất nôn trào ngược vào phổi.
- Móc hết đờm rãi ở trong miệng của người bệnh, không để đường thở của bệnh nhân bị bít tắc.
- Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, thời gian trì hoãn trước khi điều trị càng lâu thì các tổn thương não càng nặng nề và di chứng để lại càng lớn. Thời gian vàng được khuyến cáo từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ đến khi được điều trị thực thụ là trong vòng 3 tiếng.
- Mặc dù tình trạng đột quỵ ở bệnh nhân là do tăng huyết áp gây nên, tuy nhiên người nhà không được tự ý cho bệnh nhân sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ huyết áp nào. Hạ huyết áp không đúng cách khi bị đột quỵ có thể làm cho các tổn thương não trở nên nặng nề hơn.
Bạn nên biết đến Các tác dụng phụ có thể gặp do thuốc hạ huyết áp gây ra.
Như đã nói, đột quỵ nhồi máu não diễn tiến rất nhanh chóng và để lại gánh nặng sức khỏe rất lớn cho người bệnh kể cả khi đã được điều trị khỏi. Cách tốt nhất để ngăn chặn được sự ảnh hưởng của đột quỵ do tăng huyết áp đối với cuộc sống của bệnh nhân, cách hiệu quả nhất và an toàn nhất chính là thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, không để đột quỵ xảy ra.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh sự hiệu quả của điều trị tích cực tăng huyết áp trong vấn đề dự phòng đột quỵ ở người bệnh. Kết quả cho thấy rằng, bất kể sử dụng thuốc hạ huyết áp nào phù hợp với bệnh nhân và có thể kiểm soát được huyết áp đều có tác dụng dự phòng đột quỵ do tăng huyết áp xảy ra. Cứ mỗi 5mmHg đối với chỉ số huyết áp tâm thu được giả xuống thì sẽ giúp giảm được 30-40% nguy cơ đột quỵ do tăng huyết áp.
Chính vì thế, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định điều trị tăng huyết áp mà bác sĩ đã đề ra để có thể kiểm soát huyết áp hiệu quả nhất, bao gồm cả các phương pháp sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc (chế độ ăn nhạt, hạn chế sử dụng rượu bia, bỏ thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực, giảm cân,...).
Qua đây có thể thấy rằng, đột quỵ do tăng huyết áp là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ tốt các chỉ định điều trị tăng huyết áp để dự phòng đột quỵ do tăng huyết áp xảy ra.