Chủng virus corona được phân lập ở Ấn Độ mang đột biến có thể khiến quá trình phát triển vắc-xin trên toàn cầu thất bại, South China Morning Post dẫn lời các nhà nghiên cứu từ Australia và Đài Loan.
Nghiên cứu chưa qua bình duyệt này cho biết đột biến đã xảy ra trong protein hình gai giúp virus liên kết với tế bào của con người.
Cấu trúc hình gai này nhắm vào các tế bào chứa ACE2, loại enzyme được tìm thấy trong phổi (còn gọi là thụ thể). Thụ thể này cũng cho phép virus corona gây ra SARS lây nhiễm trên con người.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các kháng thể nhắm vào thụ thể này, nhưng một sự thay đổi cấu trúc bất ngờ có thể khiến chúng trở nên vô dụng.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Wei-Lung Wang từ Đại học Giáo dục Quốc gia Chương Hóa ở Đài Loan và cộng tác viên của Đại học Murdoch ở Australia, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên về đột biến có thể đe dọa sự phát triển của vắc-xin ngừa Covid-19.
“Kết quả của nghiên cứu này cho thấy Sars-CoV-2 đột biến với cấu trúc epitope (thứ mà kháng thể gắn vào) khác nhau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào”, nhóm nghiên cứu viết trên một một bài báo công bố dưới dạng sơ bộ trên trang biorxiv.org vào hôm 11/4.
“Điều này có nghĩa là việc phát triển vắc-xin chống Sars-CoV-2 có nguy cơ trở nên vô ích”. Mẫu virus trong nghiên cứu trên được lấy từ một bệnh nhân ở Kerala, Ấn Độ, vào đầu tháng 1.
Bệnh nhân này là sinh viên y khoa trở về từ Vũ Hán. Tuy nhiên, nhưng chủng virus này không giống với bất kỳ chủng nào được xác định ở Vũ Hán và dường như là một ngoại lệ so với các biến thể ở các quốc gia khác.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đột biến xảy ra trong miền liên kết thụ thể (RBD) của protein hình gai. Mô phỏng máy tính cho thấy đột biến RBD có thể loại bỏ một liên kết hydro trong protein gai.
Nếu không có liên kết này, virus ít có khả năng liên kết với ACE2 được tìm thấy trong phổi và các cơ quan khác.
Kể từ khi được xác nhận lần đầu tiên vào tháng 1, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 3.500 đột biến của virus Covid-19, theo Trung tâm Thông tin Sinh học Quốc gia Trung Quốc.