Đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không?

Đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không?
Chất nhầy, đờm đặc có màu nâu chảy ra khi bạn ho hoặc hắt hơi bên cạnh các màu sắc của đờm khác như màu trắng đục, màu vàng. Đờm đặc màu nâu mặc dù ít phổ biến hơn nhưng có thể là biểu hiện của một số bệnh nhiễm trùng hay viêm mãn tính.

Đờm hoặc chất nhầy có màu trong suốt thường không đáng lo ngại, tình trạng này liên quan tới vấn đề sức khỏe lành tính như dị ứng theo mùa, chảy nước mũi sau hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên chất nhầy, đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không?

Các triệu chứng liên quan tới chất nhầy hoặc đờm đặc màu nâu thường là ho và được gọi là ho có đườm. Ngoài triệu chứng này, bạn có thể gặp các biểu hiện khác như:

- Sốt

- Ớn lạnh

- Thở hụt hơi

- Tắc nghẽn ngực

- Hắt hơi hoặc chảy nước mũi

- Thở khò khè

- Đau ngực, đặc biệt là đau khi hít vào hoặc thở ra

- Đau họng

- Đổ mồ hôi nhiều hơn

- Mệt mỏi

- Cáu kỉnh

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Hình ảnh đờm đặc có màu nâu (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Ho có đờm trắng là bị bệnh gì?

3 bài thuốc trị ho từ lá húng chanh ai cũng có thể làm được

1. Đờm đặc màu nâu là bệnh gì?

Nếu bạn thấy mình có đờm đặc màu nâu, trước tiên bạn không cần quá lo lắng, đặc biệt nếu bạn không có tiền sử hút thuốc, nhìn chung khỏe mạnh, còn trẻ hoặc không có các yếu tố sức khỏe tiềm ẩn khác. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên coi nhẹ sự hiện diện của đờm đặc màu nâu.

Dưới đây là một số câu trả lời cho câu hỏi đờm đặc có màu nâu là bệnh gì?

1.1. Hút thuốc

Người hút thuốc có sự tích tụ của tar (nhựa) từ phổi - là một chất gây hại - nếu hút thường xuyên hoặc nghiện thuốc lá. Nhựa từ phổi do hút thuốc lâu năm có thể gây ho và khạc ra đờm đặc màu nâu.

Người mới bỏ hút thuốc khoảng 1 tuần cũng có thể gặp phải tình trạng đờm đặc màu nâu này. Nguyên nhân do phổi của bạn bắt đầu quá trình "tự làm sạch", các lông mao nhỏ "quét dọn" chất nhầy, nhựa phổi ra ngoài. Quá trình này có thể kéo dài tới vài tuần và bạn có thể thúc đẩy nhanh hơn bằng cách uống nhiều nước và máy tạo độ ẩm để làm loãng đờm.

1.2. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm

Ngoài ô nhiễm khói thuốc thì việc tiếp xúc với các tình trạng ô nhiễm không khí khác như khói bụi cũng có thể khiến cơ thể sản sinh ra chất nhầy đặc có màu nâu. Điều này cũng thường gặp ở người làm việc trong các môi trường độc hại như bụi than do khai thác mỏ (gọi là bệnh bụi phổi),...

1.3. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) xảy ra khi phổi của bạn bị sưng lên theo thời gian khiến việc di chuyển của không khí trong các ống khí gặp khó khăn. Người bệnh COPD có thể bị ho, thở khò khè và khó thở. Khi chất nhầy của bạn chuyển sang màu nâu, vàng, xanh lục thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một đợt cấp COPD chuẩn bị bùng phát.

Chất nhầy có thể nhầy hơn, đặc hơn và nhiều hơn.

Đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ho có đờm, thở khò khè (Ảnh: Internet)

1.4. Viêm phế quản cấp

Bệnh xảy ra khi lớp lót của ống phế quản, đường dẫn khí trong phổi của bạn bị viêm. Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp thường do nhiễm virus nhưng cũng có thể do nhiễm vi khuẩn, các chất kích ứng như hút thuốc, dị ứng hoặc một số hóa chất gây ra.

Người bị viêm phế quản cấp thường bắt đầu bằng những cơn ho khan hoặc ho có đờm. Chất nhầy chuyển từ màu đục sang màu nâu, vàng hoặc xanh lục. Ngực có thể cảm thấy căng tức hoặc đau. Bên cạnh các triệu chứng đó thì các dấu hiệu khác có thể gặp là sốt, mệt mỏi, khó thở, đau họng và nghẹt mũi.

1.5. Viêm phổi do vi khuẩn

Ho có đờm đặc là một trong những triệu chứng chính của bệnh viêm phổi. Đờm do viêm phổi có thể có màu vàng, xanh lá cây, đỏ, đờm đặc màu nâu hoặc màu rỉ sét.

Viêm phổi bắt đầu bằng tình trạng sưng mô túi khí ở một hoặc hai lá phổi, khiến chúng chứa đầy chất lỏng và bạn sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phổi do vi khuẩn.

1.6. Bệnh phổi mãn tính

Bệnh phổi mãn tính là thuật ngữ để chỉ một loạt các rối loạn về phổi kéo dài, không biến mất hoặc nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh có thể di truyền, bị kích hoạt bởi các yếu tố từ môi trường hay các thói quen như hút thuốc lá.

Đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không? - Ảnh 4.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tổn thương phổi (Ảnh: Internet)

Có hai dạng bệnh phổi mãn tính là xơ nang (Cystic fibrosis- CF) và giãn phế quản đều có thể có triệu chứng là ho đờm đặc màu nâu. Trong khi CF thường là do di truyền thì giãn phế quản có thể do các tình trạng như ho gà ở trẻ em, viêm phổi, hen suyễn nặng và phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra. Đờm ở bệnh nhân giãn phế quản cũng có nhiều màu đờm khác nhau, từ đờm có màu trắng tới đờm có màu nâu.

1.7. Dị ứng nấm Aspergillus

Viêm phổi do dị ứng nấm Aspergillus (phổ biến ở đất mục, đất) khiến bạn thở khò khè và ho ra chất nhầy đặc màu nâu, có thể hoặc không kèm theo sốt. Nguy cơ dị ứng nấm Aspergillus thường cao hơn nếu bạn có sẵn các tình trạng phổi như xơ nang hoặc hen suyễn.

1.8. Áp xe phổi

Áp xe phổi có thể hình thành từ một ổ nhiễm khuẩn trong miệng như viêm nướu hoặc trong họng. Các triệu chứng sẽ bắt đầu từ từ, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, đổ mồ hôi ban đêm, sốt và ho ra đờm có mùi hôi màu nâu hoặc lốm đốm lẫn máu.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Đờm đặc màu nâu nếu kéo dài kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng hơn như đờm có mùi hôi, sốt, khó thở, mệt mỏi quá mức, yếu, sụt cân không rõ nguyên nhân thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm. Các biến chứng y tế có liên quan tới sự phát triển của chất nhầy hoặc đờm đặc màu nâu bao gồm ung thư phổi, áp xe phổi, viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm nấm phổi, bụi phổi,... đặc biệt nguy hiểm nếu không được can thiệp sớm.

Đờm đặc màu nâu có nguy hiểm không? - Ảnh 5.

Thăm khám bác sĩ khi tình trạng ho có đờm đặc màu nâu tiến triển ngày một nghiêm trọng hơn (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như tuổi tác lớn, có tiền sử hút thuốc (đặc biệt là tiền sử hút thuốc sớm trước 45 tuổi trong 10 năm trở nên), nghề nghiệp cần phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại cho phổi, có hệ thống miễn dịch suy yếu,.. thì càng cần thăm khám sớm khi có bất thường.

Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm virus và phân tích chuyển hóa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh (X-quang ngực, chụp CT,...) để kiểm tra chi tiết về tổn thương; nội soi phế quản; nuôi cấy đờm để tìm kiếm tác nhân gây nhiễm trùng phổi,... tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng, tiền sử bệnh và thăm khám thực tế.

Nhìn chung, chất nhầy hoặc đờm đặc có màu nâu nói riêng hoặc những sự thay đổi màu sắc khác như vàng, xanh lục đều là tín hiệu từ cơ thể cho thấy sức khỏe của bạn đang có một số vấn đề. Tìm kiếm các dấu hiệu khác bên cạnh biểu hiện đờm đặc màu nâu để xác định cần phải làm gì tiếp theo.

Nguồn dịch:

1. Brown Mucus/Phlegm Symptoms

2. Brown Phlegm: What Causes It?


Tác giả: Allen