Dinh dưỡng cho trẻ em từ sơ sinh tới 6 tuổi

Dinh dưỡng cho trẻ em từ sơ sinh tới 6 tuổi
Chế độ dinh dưỡng quyết định sự phát triển thể lực, trí lực, tầm vóc và khả năng học tập của trẻ. Dinh dưỡng cho trẻ em cần đủ các nhóm thực phẩm, ăn đa dạng, cân đối các chất và hợp lý trong từng bữa ăn hàng ngày.

Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em là rất lớn, trẻ càng nhỏ nhu cầu càng cao. Trong năm đầu tiên trẻ phát triển rất nhanh, sau sinh 6 tháng trung bình cân nặng đã tăng gấp đôi, đến 12 tháng cân nặng tăng gấp ba so với cân nặng lúc sinh, sau đó tốc độ tăng chậm dần cho tới trưởng thành. Để con lớn nhanh, khỏe mạnh và thông minh, mẹ cần nắm vững một số lời khuyên hay khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em từ sơ sinh tới 6 tuổi.

1. Dinh dưỡng cho trẻ em từ sơ sinh tới 1 tuổi

Dinh dưỡng cho trẻ em dưới 1 tuổi có ý nghĩa quan trọng tới sức khoẻ và cả quá trình phát triển của trẻ. Trẻ em, đặc biệt là trong năm đầu, nếu được chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ sẽ phát triển tốt, ít ốm đau bệnh tật. Nhiều vấn đề sức khoẻ, bệnh tật của trẻ có thể phòng và cải thiện được nếu điều chỉnh đúng, kịp thời. 

Một điểm đáng chú ý là khả năng tiêu hóa, hấp thu của trẻ dưới 1 tuổi chưa hoàn thiện, khả năng miễn dịch của trẻ còn hạn chế nên những thiếu sót trong nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh đều có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng.

Nhu cầu năng lượng

Năng lượng cung cấp cho trẻ được phân bố như sau: 50% đáp ứng nhu cầu chuyển hóa cơ bản và 25% cho hoạt động và 25% cho phát triển (tăng cân trung bình từ 15-35g/ngày). Trẻ dưới 1 tuổi có tỷ số giữa bề mặt da và cân nặng lớn hơn người trưởng thành nên năng lượng tiêu thụ để giữ cho cơ thể ấm cũng cao hơn. Sữa mẹ đáp ứng đuợc nhu cầu của đứa trẻ trong 6 tháng đầu. 

Nhu cầu Protein

Nhu cầu protein của trẻ dưới 1 tuổi cao do tốc độ phát triển của xương, cơ và các mô. Nhu cầu protein hàng ngày là 2,2g/kg cân nặng của trẻ, đến tháng thứ tư trở đi nhu cầu protein là 1,4g/kg/ngày. Đối với trẻ em nên sử dụng protein có giá trị sinh học cao từ 70-85% như sữa, thịt, trứng

Hiện nay, theo khuyến cáo của WHO/UNICEF đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, việc bú mẹ hoàn toàn là đảm bảo nhu cầu protein để trẻ phát triển và khỏe mạnh. 

Nhu cầu Lipid

Nhu cầu lipid ở trẻ đảm bảo trước hết cho nhu cầu năng lượng, các acid béo cần thiết và hỗ trợ việc hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Nhu cầu lipid ở trẻ dưới 1 tuổi được xác định dựa vào lượng chất béo trung bình có trong sữa mẹ và lượng sữa trung bình đứa trẻ được bú.

Ở trẻ đang bú mẹ, vì 50-60% năng lượng ăn vào là do chất béo của sữa mẹ cung cấp nên khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, nhất là khi cai sữa cần chú ý đến tình trạng dinh dưỡng để giảm lượng chất béo đột ngột do bú mẹ ít hơn hoặc đã ngừng bú mẹ. 

Nhu cầu Glucid

Người ta thấy 8% glucid là lactose xấp xỉ 7g trong 100 ml sữa mẹ. 37% năng lượng của trẻ do glucose, theo tháng tuổi lượng glucid trong bữa ăn của trẻ thay đổi bởi các thức ăn bổ sung và khi nhu cầu năng lượng của trẻ thay đổi.

Vitamin trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ em

Vitamin tan trong nước: Đối với vitamin tan trong nước sữa mẹ cung cấp đủ nhu cầu cho trẻ khi người mẹ được ăn uống đầy đủ. Nhu cầu khuyến nghị của vitamin tan trong nước chủ yếu dựa vào hàm lượng các vitamin nhóm này và thêm giới hạn an toàn cho trẻ.

Vitamin tan trong dầu:

- Vitamin A: bình thường trẻ mới sinh vitamin A được dự trữ ở gan, lượng vitamin A dự trữ phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của người mẹ. Đối với trẻ dưới 1 tuổi nhu cầu vitamin A được đề nghị là 375 g/ngày.

- Vitamin D: đối với trẻ em có sự phát triển nhanh của xương và răng, với lượng vitamin D 100IU/ngày phòng còi xương, và 200 IU/ngày thúc đẩy chuyển hóa calci và phát triển khung xương. Trong sữa mẹ hàm lượng vitamin D chỉ có 50IU/L do đó nên bổ sung lượng vitamin D trong tuần đầu sau sinh là 200 IU/ngày.

Các chất khoáng

- Calci: Cần thiết trong dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ dưới 1 tuổi vì quá trình tạo mô xương và răng diễn ra với tốc độ rất nhanh. Sữa mẹ đáp ứng được đủ nhu cầu calci cho trẻ tuy nhiên cũng đòi hỏi đủ vitamin D để đảm bảo calci được hấp thu đầy đủ. Nhu cầu hàng ngày của trẻ về calci từ 400-600mg/ngày, đồng thời đòi hỏi tỷ lệ thích hợp giữa calci/phospho là 2:1 đúng như sữa mẹ.

- Sắt: Nhu cầu được cân nhắc và xem xét bởi trẻ sinh ra khoẻ mạnh đủ cân có lượng sắt dự trữ trong cơ thể đủ cho 3 tháng đầu. Đối với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thì đáp ứng đủ nhu cầu sắt. Khi trẻ ăn bổ sung (từ 6 tháng tuổi) cần chú ý tới việc bổ sung sắt từ các thực phẩm giàu sắt để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.

- Kẽm: Là chất khoáng đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, miễn dịch và giúp cho sự ngon miệng của trẻ. 

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em dưới 1 tuổi

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, ngoài bú sữa mẹ hàng ngày nên bắt đầu cho ăn một bữa bột, từ tháng thứ 7 đến 8, một ngày cho ăn 2 bữa bột đặc đến 9-12 tháng cho trẻ ăn 3 bữa đến tròn 1 tuổi cho một ngày 4 bữa. 

Nên cho trẻ ăn từ ít tới nhiều tập cho trẻ ăn quen dần với thức ăn mới. Bữa ăn bổ sung cho trẻ đảm bảo đủ các nhóm thức ăn để đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng. Các thức ăn của trẻ cần được chế biến sạch sẽ đảm bảo vệ sinh tránh các rối loạn tiêu hóa.

2. Dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 tới 6 tuổi

Dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi có những thay đổi đặc biệt về bởi trẻ lớn lên cả về kích thước và phát triển trí tuệ. Một trong những vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em là đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.

2.1. Dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 - 3 tuổi

Dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi có ý nghĩa quan trọng tới sức khoẻ và cả quá trình phát triển. Khi dinh dưỡng cho trẻ em không đáp ứng đầy đủ sẽ dẫn đến chậm phát triển và cả những biến đổi về hoá sinh và những hậu quả bệnh tật do thiếu các chất dinh dưỡng. 

Ảnh hưởng của thiếu dinh dưỡng lên sức khoẻ của trẻ phụ thuộc vào thời điểm chất dinh dưỡng nào thiếu và thời gian thiếu bao lâu. Nhiều vấn đề sức khoẻ, bệnh tật của trẻ có thể phòng và cải thiện được nếu được điều chỉnh đúng kịp thời. 

Nhu cầu năng lượng ở trẻ em từ 1 tới 3 tuổi là 1300kcal/ngày (100 kcal/1 kg cân nặng/ngày). Lượng protein 28g khoảng 2,5-3 g protein/kg cân nặng, protein động vật ở độ tuổi này nên đạt 50% tổng số protein.

Các cơ quan tiêu hóa dần hoàn thiện, trẻ bắt đầu tập tự ăn nhưng các thức ăn vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ và người chăm sóc trẻ. Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ em từ 1 tới 3 tuổi như sau:

- Thức ăn cho trẻ vẫn cần phải dễ tiêu hóa, giàu các chất dinh dưỡng có giá trị và đủ các nhóm thực phẩm trong ô dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu các chất dinh dưỡng cho trẻ em. 

- Đặc biệt cần đảm bảo tốt vệ sinh thực phẩm và ăn uống để phòng tránh nhiễm khuẩn và bệnh đường ruột ở trẻ.

- Số bữa ăn từ 4-5 bữa, có chế độ ăn riêng, thức ăn mềm và tập dần cho trẻ ăn từng loại, từ ít đến nhiều cho đến thức ăn hỗn hợp. 

- Nên chế biến các món ăn thích hợp và thường xuyên thay đổi để tạo điều kiện ngon miệng ngăn ngừa hiện tượng chán ăn và sợ một loại thức ăn  nào đó do ăn quá nhiều hoặc liên tục.

- Tập cho trẻ ăn đúng bữa, ăn đủ, không cho ăn vặt, bánh kẹo trước bữa ăn. Tập cho trẻ không thành kiến với một loại thức ăn nào đó.

- Hàng ngày chú ý cho trẻ uống đủ nước.

- Việc chú ý đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em, chăm sóc vệ sinh và tạo điều kiện để trẻ hoạt động với các trò chơi đúng lứa tuổi sẽ tạo điều kiện trẻ phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần.

2.2. Dinh dưỡng cho trẻ em từ 4 tới 6 tuổi

Trẻ em từ 4 tới 6 tuổi tốc độ lớn vẫn còn cao, cân nặng mỗi năm tăng lên 2kg và chiều cao mỗi năm tăng trung bình là 7cm. Đồng thời hoạt động thể lực tăng lên nhiều và bắt đầu vào lứa tuổi học mẫu giáo. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ em ở lứa tuổi này đã được khuyến nghị như sau:

- Nhu cầu năng lượng lứa tuổi này là 1600kcal.

- Lượng protein 36g khoảng 2-2,5 protein/kg cân nặng, protein động vật nên đạt 50% tổng số protein.

Hệ thống tiêu hóa ở trẻ lúc này gần hoàn thiện nên các thức ăn cho trẻ đã đa dạng và gần với bữa ăn của người lớn hơn, tuy nhiên bữa ăn của trẻ vẫn cần chú ý và không thể ăn như người lớn. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em, các thức ăn như sữa và chế phẩm, thịt cá trứng và hoa quả cần được cho trẻ ăn đầy đủ.

Lứa tuổi này khá quan trọng trong việc hình thành các tập tính và thói quen dinh dưỡng. Chính vì vậy, những nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ em tốt như ăn đủ, đúng bữa, bữa ăn đa dạng và không kiêng tránh thức ăn cũng hình thành từ giai đoạn này.

Trẻ từ 4-6 tuổi rất thích ăn đồ ngọt do sự phát triển của các gai nhận vị rải rác khắp mặt lưỡi, cảm giác vị ở trẻ mạnh hơn ở người lớn. Chất ngọt rất nhanh làm dịu đói, ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt có thể gây thiếu dinh dưỡng về chất lượng. 

Trong giai đoạn này nên chú ý tới việc tập cho trẻ ăn đủ đúng bữa và không ăn đường ngọt, bánh kẹo trước bữa ăn. Điều này sẽ tạo điều kiện để trẻ có tập tính thói quen dinh dưỡng tốt, đáp ứng sự phát triển của trẻ khỏe mạnh.


Tác giả: Anh Dũng