Điều trị viêm niệu đạo ở nam giới bằng thuốc

Điều trị viêm niệu đạo ở nam giới bằng thuốc
Viêm niệu đạo nam giới là bệnh lý nhiễm khuẩn đường ống dẫn nối từ bàng quang ra lỗ sáo để đào thải nước tiểu và xuất tinh trùng ra bên ngoài. Người bệnh phải tiến hành xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh nhằm điều trị viêm niệu đạo phù hợp.

Viêm niệu đạo là bệnh thường gặp tuy nhiên với các nguyên nhân khác nhau thì việc sử dụng thuốc điều trị viêm niệu đạo cũng khác nhau. Nam giới bị viêm niệu đạo có cảm giác rát bỏng khi đi tiểu, tia nước tiểu yếu, tiểu buốt. 

Niệu đạo tiết ra dịch mủ trắng đục hoặc vàng sẫm tiết nhiều vào sáng sớm. Mức độ buốt gia tăng rõ rệt khi bệnh nhân đi tiểu hoặc quan hệ tình dục, xuất tinh. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn một vài loại thuốc chữa viêm niệu đạo thông dụng.

1. Mục đích điều trị viêm niệu đạo nam giới

- Giảm các triệu chứng bệnh lý cho bệnh nhân, để bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt hàng ngày, tránh những biến chứng nguy hiểm.

- Bảo vệ đời sống tình dục và chức năng sinh sản cho nam giới.

- Nhận diện các nhiễm khuẩn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nhiễm khuẩn không lậu, làm giảm các điều kiện thuận lợi gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV để nâng cao ý thức phòng tránh.

2. Các đơn thuốc được kê dựa vào các xét nghiệm chẩn đoán

Các loại thuốc điều trị viêm niệu đạo ở nước ta đang áp dụng theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh Mỹ (CDC) để kê đơn theo từng trường hợp bệnh.

Bệnh nhân được chỉ định dùng azithromycin hoặc dùng doxycyclin phối hợp với cefixim (uống hoặc tiêm bắp ceftriaxone) khi kết quả xét nghiệm dương tính với nghiệm vi khuẩn N. Gonorrhoeae, Ch, Trachomatis. Nếu kết quả âm tính khi xét nghiệm thì hoãn điều trị tuy nhiên nếu nghi ngờ bệnh nhân lây truyền qua đường tình dục thì vẫn có thể điều trị theo phác đồ trên.

Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Nếu xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị  viêm niệu đạo không do lậu mà do Mycoplasma genitalium hay Ureaplasma thì được chỉ định dùng phác đồ azithromycin. Tình huống Mycoplasma genitalium kháng lại azithromycin là rất dễ xảy ra nên nếu quá trình điều trị loại vi khuẩn này bị kéo dài mà không đem lại kết quả thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay thế. Khi vùng này có thêm sự xuất hiện của Trichomonas (trùng roi ) thì  nên thêm metronidazol hay tinidazol vào phác đồ điều trị.

Người bệnh sẽ được chỉ định dùng azithromycin trong trường hợp có triệu chứng lâm sàng nhưng khi xét nghiệm lại âm tính với các vi khuẩn. Ngoài ta theo Journal Watch Infectious Disease  May 5,2010 điều trị viêm niệu đạo nam do giang mai ở người nhiễm HIV bằng azithromycin cho kết quả 76,8%, tương đương với kết quả tiêm penicillin chậm 78,5%. Nên có thể thấy azithromycin là một loại kháng sinh đa năng đem lại lợi ích điều trị.

Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Số lượng liều dùng thuốc trong các phác đồ trên tuỳ thuộc vào mức độ bệnh lý cũng như cơ địa của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc cho phù hợp. Hiện nay sử dụng thuốc để điều trị viêm niệu đạo vẫn là giải pháp tốt và hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất. 

Đối với những bệnh nhân bị viêm niệu đạo cần kết hợp uống thuốc với các biện pháp hỗ trợ chữa trị khác như uống nhiều nước để đẩy vi khuẩn ra ngoài theo đường nước tiểu, vệ sinh bộ phận sinh dục bằng nước muối ấm pha loãng dùng các loại thuốc kháng viêm…

3. Nguyên tắc trong quá trình điều trị

Trong quá trình điều trị viêm niệu đạo, người bệnh cần lưu ý một vài vấn đề sau:

- Tuyệt đối không quan hệ tình dục khi trong phác đồ điều trị.

- Tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích.

- Bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học giàu rau xanh.

- Cung cấp cho cơ thể đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

- Xây dựng thói quen tập thể dục thể thao điều độ.

- Sau 30 ngày từ khi kết thúc điều trị viêm niệu đạo, bệnh nhân quan hệ tình dục nên mặc bao cao su. Chung thuỷ một vợ một chồng và quan hệ nhẹ nhàng tránh gây tổn thương bộ phận sinh dục gây tái phát bệnh,

Tác giả: Huyền Trang