Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng châm cứu và bấm huyệt

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng châm cứu và bấm huyệt
Châm cứu và bấm huyệt là những phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp không dùng thuốc được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Vậy khi nào bệnh nhân có thể được điều trị bằng châm cứu, bấm huyệt? Thực hiện như thế nào và cần lưu ý gì?

1. Ưu và nhược điểm của châm cứu, bấm huyệt điều trị viêm khớp dạng thấp

1.1. Ưu điểm

- Châm cứu và bấm huyệt là phương pháp chữa viêm khớp dạng thấp an toàn, không có tác dụng phụ như khi sử dụng các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Do vậy, bệnh nhân có thể sử dụng lâu dài mà không lo lắng về các tác dụng phụ của điều trị.

- Châm cứu, bấm huyệt cho phép mang lại hiệu quả có khả năng duy trì lâu sau khi kết thúc mỗi đợt điều trị viêm khớp dạng thấp, đây là một ưu điểm lớn khi so sánh với sử dụng thuốc.

1.2. Nhược điểm

- Sử dụng châm cứu và bấm huyệt trong điều trị viêm khớp dạng thấp sẽ không thể mang lại hiệu quả nhanh như khi sử dụng các loại thuốc. Do vậy, bệnh nhân khi điều trị viêm khớp dạng thấp bằng hai phương pháp này cần có sự kiên trì.

- Để châm cứu và bấm huyệt điều trị viêm khớp diễn ra hiệu quả và an toàn, người bệnh cần phải đến trực tiếp các trung tâm y tế có chuyên môn để thực hiện, điều này sẽ rất bất tiện với những bệnh nhân ở xa và khiến bệnh nhân tốn nhiều chi phí đi lại hơn.

2. Cơ sở khoa học của châm cứu và bấm huyệt trong chữa viêm khớp dạng thấp

Theo quan điểm của y học hiện đại, khi sử dụng châm cứu và bấm huyệt nhờ vào các tác động vật lý mà hai phương pháp này tác động lên da, cơ, mạch máu, thần kinh sẽ đưa đến tác dụng giảm đau, giãn cơ tại chỗ, tăng lưu thông tuần hoàn và chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, tác động của châm cứu và bấm huyệt khi điều trị viêm khớp dạng thấp và các vị trí có nhiều tổ chức thần kinh cũng khiến cơ thể đáp ứng lại bằng cách sản xuất ra các chất có khả năng chống lại cảm giác đau đớn như catecholamin, ACTH, endophin.

3. Kỹ thuật châm cứu và bấm huyệt thường dùng trong chữa viêm khớp dạng thấp

3.1 Châm cứu

Có hai kỹ thuật châm cứu chính hiện nay được áp dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp cho bệnh nhân là châm thường và điện châm và châm có kích thích xung điện với tần số dòng điện thấp, trong đó điện châm hay dùng nhiều hơn. Thời gian mỗi lần châm kéo dài phụ thuộc vào ngưỡng chịu đựng của bệnh nhân. Thông thường mỗi lần châm sẽ kéo dài trong khoảng 20 đến 30 phút.

Vị trí các huyệt lựa chọn châm để điều trị viêm khớp dạng thấp sẽ phụ thuộc vào thể bệnh của bệnh nhân:

- Thể phong thấp nhiệt tý: Châm các huyệt phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý và a thị huyệt.

- Thể thấp nhiệt thương âm: Châm các huyệt a thị huyệt, khúc trì, phong trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, tam âm giao, thái khê.

- Thể đàm ứ ở kinh lạc: Châm các huyệt a thị huyệt, phong môn, đại chùy, khúc trì, hợp cốc, huyết hải, âm lăng tuyền, huyền chung, phong long, túc tam lý.

3.2. Bấm huyệt

Người thực hiện kỹ thuật sẽ dùng các ngón tay bấm lên vị trí huyệt đạo cần tác động để đạt kết quả điều trị mong muốn. Nhìn chung bấm huyệt so với châm cứu thì đơn giản hơn rất nhiều, bệnh nhân hoàn toàn có thể tự thực hiện khi được nhân viên y tế hướng dẫn kỹ thuật.

Bên cạnh bấm huyệt, xoa bóp cũng được biết đến là phương pháp rất tốt cho những bệnh nhân điều trị viêm khớp dạng thấp.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về sử dụng phương pháp châm cứu và bấm huyệt trong điều trị viêm khớp dạng thấp mà bệnh nhân có thể tham khảo. Để áp dụng hiệu quả hai phương pháp trên, người bệnh nên đến cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn đầy đủ.


Tác giả: QN