Khác với viêm kết mạc do vi khuẩn hay virus, viêm kết mạc dị ứng là tình trạng kết mạc bị viêm không do nhiễm trùng mà xảy ra do cơ chế miễn dịch sau khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng.
Vì thế, vấn đề điều trị viêm kết mạc dị ứng cũng có những điểm khác biệt lớn so với điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn hay virus.
Giống với các bệnh lý khác, trong quá trình điều trị viêm kết mạc dị ứng cũng cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo điều trị bệnh đúng cơ chế và đạt hiệu quả cao nhất. Hai nguyên tắc lớn trong điều trị viêm kết mạc dị ứng bao gồm:
- Ngưng tiếp xúc với dị nguyên
Do bệnh khởi phát bởi sự đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể đối với một tác nhân nào đó (dị nguyên), vì vậy một điều rất quan trọng trong điều trị viêm kết mạc dị ứng là phải cắt đứt được sự tiếp xúc của cơ thể đối với dị nguyên gây dị ứng. Chừng nào sự tiếp xúc này vẫn còn tồn tại thì cơ chế miễn dịch vẫn sẽ còn hoạt động và bệnh vẫn sẽ kéo dài.
- Chống dị ứng
Bên cạnh vấn đề ngưng tiếp xúc với dị nguyên thì một nguyên tắc khác cần được thực hiện trong điều trị viêm kết mạc dị ứng chính là điều trị làm giảm phản ứng dị ứng của cơ thể. Những điều trị này có thể được tiến hành bằng các loại thuốc uống hay thuốc dùng tại chỗ để ức chế phản ứng dị ứng và miễn dịch của cơ thể nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, chỉ là nội dung điều trị phần ngọn của bệnh chứ không thể giải quyết bệnh hoàn toàn.
Không phải trong bất kỳ trường hợp nào ta cũng có thể xác định được chính xác dị nguyên gây nên viêm kết mạc dị ứng. Nhưng việc thực hiện một số các thao tác nhằm chấm dứt sự tiếp xúc của cơ thể đối với dị nguyên luôn là điều cần thiết.
- Đối với các trường hợp đã xác định được dị nguyên: Đối với các trường hợp đã xác định được dị nguyên gây bệnh thì cần phải chấm dứt sự tiếp xúc của dị nguyên đối với cơ thể ngay lập tức bằng cách rửa mắt với nước muối sinh lý hoặc dung dịch vệ sinh mắt chuyên dụng, ngưng sử dụng đồ ăn hoặc thuốc gây dị ứng,...
- Đối với các trường hợp chưa xác định được dị nguyên: Với các trường hợp chưa tìm được dị nguyên gây dị ứng thì vấn đề quan trọng chính là cần phải tìm được dị nguyên càng sớm càng tốt để dừng lại chuỗi phản ứng này nhằm điều trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên không nên vì tìm kiếm dị nguyên gây bệnh mà làm chậm trễ các điều trị cần thiết khác.
Các loại thuốc corticoid có khả năng gây ức chế miễn dịch, nhờ vậy có thể làm giảm nhẹ phản ứng dị ứng của cơ thể. Do đó, chúng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh dị ứng, bao gồm cả điều trị viêm kết mạc dị ứng. Nhưng do có nhiều tác dụng phụ nên trong điều trị viêm kết mạc dị ứng thì thuốc chỉ được sử dụng bằng đường tại chỗ dưới dạng thuốc tra hoặc thuốc bôi ngoài da.
Các chế phẩm corticoid thường sử dụng trong điều trị viêm kết mạc dị ứng kể đến như prednisolon acetate 1%, fluorometholone 0,1% dùng nhỏ mắt, hay mỡ hydrocortison 1% dùng bôi khi mi mắt bị phù nề,...
Mặc dù sử dụng các thuốc corticoid tại chỗ đã giúp hạn chế bớt các tác dụng phụ, nhưng nếu lạm dụng thuốc kéo dài thì vẫn có thể gây nên nhiều vấn đề khác nhau như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng khả năng bội nhiễm do ức chế miễn dịch, loét giác mạc, tăng áp lực nội sọ,...
>> Một số lưu ý đối với thuốc corticoid mà bác sĩ khuyến cáo
Histamin là một chất quan trọng tham gia vào phản ứng dị ứng , nó gây giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, gây ngứa,... Vì vậy, các loại thuốc kháng histamin được sử dụng rất rộng rãi trong các bệnh lý dị ứng để chống lại các tác dụng của histamin.
Trong điều trị viêm kết mạc dị ứng, những loại thuốc kháng histamin thường được sử dụng bằng đường uống. Những thuốc hay dùng bao gồm loratadine và fexofenadine. Tùy theo lứa tuổi và mức cân nặng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể đưa ra các điều chỉnh phù hợp về liều sử dụng.
Các tác dụng phụ hay gặp khi sử dụng thuốc kháng histamin bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, mất tập trung,...
Điều trị viêm kết mạc dị ứng sau bao lâu thì khỏi là vấn đề khá khó khăn để có thể trả lời chính xác. Nó phụ thuộc vào việc ta có thể chấm dứt được gốc rễ của vấn đề chính là sự tiếp xúc của cơ thể đối với dị nguyên gây dị ứng hay không.
Nếu có thể xác định dược dị nguyên và ngừng tiếp xúc ngay lập tức, bệnh có thể được điều trị khỏi chỉ sau vài ngày. Nhưng nếu không thể xác định chính xác dị nguyên gây bệnh và sự tiếp xúc này còn diễn ra liên tục thì bệnh sẽ vẫn kéo dài dai dẳng dù đã được điều trị tích cực bằng thuốc. Và kể cả khi bệnh nhân đã được điều trị khỏi thì bệnh vẫn sẽ xảy ra khi bạn tiếp xúc với dị nguyên vào lần sau.
Qua đây có thể thấy rằng, điều trị viêm kết mạc dị ứng không phải là vấn đề quá khó khăn. Tuy nhiên do bệnh gây nên bởi tác nhân cụ thể là các dị nguyên, nên cách tốt nhất để hạn chế sự ảnh hưởng của bệnh đối với cơ thể chính là phòng bệnh chủ động bằng cách không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, từ đó ngăn chặn bệnh xảy ra.