- Điều trị bệnh tích cực, khẩn trương: Cần xác định rằng, viêm kết mạc là bệnh lý có tính cấp tính, có thể diễn tiến nhanh chóng trong một số trường hợp đặc biệt. Vì vậy, quá trình điều trị viêm kết mạc cần được thực hiện với thái độ tích cực, khẩn trương để ngăn chặn các chuyển biến xấu của bệnh.
- Phối hợp cả điều trị tại chỗ và toàn thân: Quá trình điều trị viêm kết mạc phải phối hợp giữa các biện pháp điều trị cả tại chỗ và toàn thân một cách hợp lý nhằm gia tăng hiệu quả điều trị.
- Điều trị phù hợp nguyên nhân: Bệnh viêm kết mạc có thể gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm vi khuẩn, virus và dị ứng,... Tình trạng viêm kết mạc do các nguyên nhân khác nhau sẽ cần các phương pháp sẽ cần sử dụng phương pháp thích hợp để điều trị.
- Dự phòng lây lan: Viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus có thể lây lan từ người bệnh đến người lành qua dịch tiết, vì thế phòng ngừa và ngăn chặn tích cực sự lây lan của viêm kết mạc cũng là một nội dung quan trọng của điều trị bệnh.
Đối với điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn, thuốc kháng sinh là lựa chọn cần thiết để có thể kiểm soát bệnh. Đối với người lớn, bệnh nhân thường sẽ được cho sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm kết mạc dưới dạng thuốc nước tra mắt. Còn ở trẻ em, những thuốc kháng sinh dưới dạng mỡ bôi thường là lựa chọn được ưu tiên hơn bởi dễ dàng sử dụng hơn.
Tuy rằng viêm kết mạc do vi khuẩn thường là tình trạng nhiễm trùng tại chỗ và trong đa số các trường hợp thì đều chỉ cần dùng thuốc kháng sinh tại chỗ (nhỏ hoặc bôi) là đã đủ để đạt được mục đích điều trị, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt thì bệnh nhân sẽ cần được sử dụng thêm kháng sinh đường toàn thân để điều trị bệnh, chẳng hạn có thể kể đến như viêm kết mạc do lậu cầu và bạch hầu.
Các thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn hiện nay bao gồm aminoglycosid (tobradex), các thuốc fluoroquinolon (ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin, gatifloxacin)
Ngoài ra, trong điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn người ta còn có thể sử dụng thêm các thuốc corticoid tại chỗ để giảm nhanh quá trình viêm, giảm nhẹ triệu chứng bệnh, giảm khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng cần phải thận trọng vì thuốc có thể để lại nhiều tác dụng phụ khi bị lạm dụng.
Xem thêm:
>> Bác sĩ BV Bạch Mai nói gì về thuốc corticoid và tình trạng lạm dụng thuốc?
Cho đến hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào được tìm ra cho các trường hợp viêm kết mạc do virus. Vấn đề điều trị cho các bệnh nhân viêm kết mạc do virus vẫn chủ yếu là các điều trị hỗ trợ nhằm giảm nhẹ các triệu chứng cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều may mắn chính là hầu hết các trường hợp viêm giác mạc do virus đều sẽ tự khỏi sau 10 đến 14 ngày mà không cần bất cứ điều trị đặc hiệu gì.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh cho các trường hợp viêm giác mạc do virus hoàn toàn không có ý nghĩa điều trị căn nguyên gây ra bệnh là virus. Bởi thuốc kháng sinh là nhóm thuốc chỉ có tác dụng trên nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Tuy nhiên trong một số trường hợp điều trị viêm kết mạc do virus nặng nề, người ta có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm thuốc kháng sinh để đề phòng các bội nhiễm thứ phát.
Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng rất đặc biệt, khác với viêm kết mạc do vi khuẩn hay virus thì viêm kết mạc dị ứng không phải gây nên bởi nhiễm trùng mà nó gây nên bởi phản ứng dị ứng, sự đáp ứng quá mức của cơ thể đối với một chất nào đó.
Do đó nội dung chủ yếu của điều trị viêm kết mạc dị ứng là điều trị chống dị ứng và chống viêm tại chỗ cho bệnh nhân. Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc dị ứng bao gồm các thuốc kháng histamin H1 (fexofenadin, cetirizin) và các thuốc corticoid nhỏ tại chỗ.
Nhưng điều quan trọng nhất trong điều trị viêm kết mạc dị ứng vẫn là phải cắt đứt được sự tiếp xúc của cơ thể đối với các dị nguyên gây dị ứng.
Qua đó có thể thấy rằng, việc điều trị viêm kết mạc phụ thuộc rất nhiều vào căn nguyên gây ra bệnh. Vì vậy, người bệnh khi có các biểu hiện nghi ngờ viêm kết mạc cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh, xác định căn nguyên và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.