Điều trị viêm dạ dày bằng thuốc ức chế bơm proton

Điều trị viêm dạ dày bằng thuốc ức chế bơm proton
Các loại thuốc ức chế bơm proton như omeprazol, lansoprazol, pantoprazol,... là những loại thuốc điều trị viêm dạ dày được sử dụng rất phổ biến. Nhưng hầu hết bệnh nhân lại chưa thực sự hiểu được cơ chế tác dụng, cách dùng, các nguy cơ tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng thuốc,...

Hiện nay, điều trị nội khoa bằng thuốc vẫn là phương pháp được sử dụng chủ yếu cho các bệnh nhân viêm dạ dày, trong đó các loại thuốc ức chế bơm proton là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến hàng đầu.

1. Vai trò của thuốc ức chế bơm proton trong điều trị viêm dạ dày

Acid dịch vị sau khi được sản xuất ở trong các tế bào tại thành dạ dày sẽ được vận chuyển vào trong lòng dạ dày nhờ một cấu trúc đặc biệt là các bơm H+/K+-ATPase (hay còn gọi là bơm proton).

Khi sử dụng các thuốc ức chế bơm proton trong điều trị viêm dạ dày, những thuốc này sẽ gây tác dụng đặc hiệu lên bơm này khiến chúng không thể thực hiện nhiệm vụ vận chuyển acid dịch vị vào lòng dạ dày. Do quá trình vận chuyển acid vào lòng dạ dày của bơm pronton là giai đoạn cuối cùng của sự bài tiết dịch vị bình thường, vì thế hoạt động của các thuốc ức chế bơm proton sẽ làm ngăn chặn sự tiết acid vào lòng dạ dày do bất kỳ nguyên nhân nào từ đó làm tăng độ pH của dạ dày.

Dịch vị dạ dày sau khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton có độ pH tăng lên vì thế làm giảm sự kích ứng lên các vùng viêm của dạ dày do dịch vị, nhờ vậy làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Các chế phẩm thuốc ức chế bơm proton thường được sử dụng nhất trong điều trị viêm dạ dày hiện nay có thể kể đến như omeprazol, lasoprazol, pantoprazol, esomeprazol,...

Tùy thuộc vào các dạng bào chế thuốc khác nhau mà bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ức chế bơm proton để điều trị viêm dạ dày dưới dạng uống, hoặc tiêm truyền.

2. Thuốc ức chế bơm proton có thể gây tác dụng phụ gì?

Nhìn chung, thuốc ức chế bơm proton là nhóm thuốc tương đối an toàn khi sử dụng và ít gây nên các tác dụng phụ cho người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân vẫn có thể gặp một số các tác dụng không mong muốn như:

- Buồn nôn, nhức đầu, táo bón,... có thể gặp ở khaorng 1,5-3% bệnh nhân sử dụng thuốc.

- Đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột cũng có thể xảy ra khi bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế bơm proton. Đặc biệt, do thuốc làm tăng pH dạ dày nên dịch vị giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vì thế bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa hơn.

- Thuốc chuyển hóa hoàn toàn tại gan, do đó có thể gây tổn thương gan.

- Mặc dù chưa ghi nhận các bằng chứng cụ thể về sự liên quan giữa sử dụng thuốc ức chế bơm proton với dị tật thai nhi khi sản phụ sử dụng thuốc. Nhưng bệnh nhân được khuyên nên hạn chế sử dụng thuốc trong thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng đầu mang thai.

- Bệnh nhân đang sử dụng một số thuốc như clopidogrel, warfarin,... cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton để điều trị viêm dạ dày vì có thể gây các tương tác thuốc.

- Thuốc có thể gây ức chế hấp thu một số các chất dinh dưỡng như vitamin B12, canxi,... gây nên các hậu quả khác nhau cho cơ thể.

Điều trị viêm dạ dày bằng thuốc ức chế bơm proton - Ảnh 2.

3. Có nên sử dụng thuốc ức chế bơm proton lâu dài để điều trị viêm dạ dày không?

Do thuốc ức chế bơm proton chỉ là thuốc điều trị triệu chứng mà không thể giải quyết được nguyên nhân gây bệnh vì thế trong điều trị viêm dạ dày bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng thuốc trong một khoảng thời gian ngắn cho đến khi các triệu chứng của bệnh nhân được kiểm soát tốt thì sẽ ngưng thuốc.

Thuốc ức chế bơm proton chỉ được xem xét sử dụng dài ngày trong điều trị viêm dạ dày khi bệnh nhân có các điều kiện đặc biệt như:

- Điều trị viêm dạ dày cho các trường hợp diệt H.pylori thất bại hoặc có chống chỉ định.

- Sử dụng kèm theo khi bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau NSAIDs kéo dài.

- Khi viêm dạ dày có các biến chứng như loét dạ dày,...

Trên đây là sự giới thiệu sơ lược về cơ chế tác dụng và các nguy cơ tác dụng phụ của thuốc ức chế bơm proton trong điều trị viêm dạ dày. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên thực hiện nghiêm túc tuyệt đối các chỉ định, hướng dẫn điều trị mà bác sĩ đã đưa ra.


Tác giả: QN