Điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật ghép gan: đối tượng, rủi ro và cách chăm sóc

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật ghép gan: đối tượng, rủi ro và cách chăm sóc
Ghép gan được đánh giá là phương pháp điều trị ung thư gan khó, cần được chỉ định chặt chẽ trên từng bệnh nhân. Nhưng phẫu thuật ghép gan cũng là phương pháp mang lại nhiều hi vọng cho người bệnh khi tỉ lệ thành công cao, thời gian sống kéo dài.

1. Phẫu thuật ghép gan là gì?

Ghép gan là một cuộc đại phẫu, các bác sĩ sẽ lấy gan lành thay thế cho gan bệnh. 

Nguồn gan lành khỏe mạnh thường được lấy từ người sống hiến tạng hoặc nguồn hiến từ những người chết não. 

Ghép gan là được đánh giá là phương pháp kéo dài thời gian sống hiệu quả nhất cho các bệnh nhân mắc bệnh gan.

2. Ghép gan được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư gan nào?

Theo thống kê, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân ung thư gan được chỉ định ghép gan ở thời điểm phát hiện bệnh. Điều này cho thấy, việc đánh giá và lựa chọn bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật ghép gan điều trị ung thư gan là vô cùng quan trọng. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Thịnh - Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (TƯQĐ 108), các bệnh nhân ung thư gan sẽ được thăm khám cẩn trọng, thực hiện các xét nghiệm lâm sàng để đánh giá tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe. 

Để được chỉ định ghép gan, bệnh nhân cần có đủ các điều kiện là bệnh ung thư gan đang ở giai đoạn sớm. 

Gan chỉ có 1 khối u kích thước nhỏ hơn 5cm. Hoặc bệnh nhân có dưới 3 khối u kích thước nhỏ hơn 3cm. Ung thư gan chưa bị di căn, chưa xâm lấn sang mạch máu và các bộ phận bên cạnh. Với những trường hợp như vậy, sau khi phẫu thuật ghép gan, có đến khoảng 80% bệnh nhân có thời gian sống kéo dài trên 5 năm.

3. Những khó khăn thường gặp khi phẫu thuật ghép gan

- Vấn đề đầu tiên đó chính là tài chính: Việc tìm được gan phù hợp với bệnh nhân là vô cùng khó khăn, nhất là trong tình trạng luôn thiếu tạng ghép hiện nay. Chi phí cho ca phẫu thuật gan cũng rất lớn. Thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật cũng vô cùng đắt đỏ. 

Vì vậy có rất nhiều trường hợp bệnh nhân có đủ điều kiện ghép gan nhưng lại không đủ tài chính.

- Việc phẫu thuật ghép gan không phải lúc nào cũng diễn ra ngay sau khi được chỉ định. Bệnh nhân phải vào trong danh sách chờ ghép bởi tạng ghép vô cùng khan hiếm. Trong thời gian chờ ghép, bệnh ung thư gan có thể tiến triển xấu, khiến cho bệnh nhân mất cơ hội ghép gan. Do đó các bác sĩ phải áp dụng các phương pháp khác để ức chế tình trạng bệnh của bệnh nhân như: tiêm ethanol, đốt nhiệt sóng cao tần, xạ trị chọn lọc,....

- Tác dụng phụ sau phẫu thuật ghép gan: Sau khi thực hiện phẫu thuật ghép gan, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, thải ghép, tái phát ung thư,... nên cần được theo dõi chặt chẽ.

4. Những tác dụng phụ của ghép gan

Đối với ghép gan nói riêng, và các ca ghép tạng nói chung, sau phẫu thuật bệnh nhân đều phải sử dụng thuốc chống thải ghép. Và những tác dụng phụ đa số là xuất phát từ thuốc này:

- Giữ nước, cơ thể phù nề.

- Tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.

- Tăng lượng đường và kali trong máu.

- Tăng huyết áp.

- Loãng xương.

- Nhức đầu, căng thẳng thần kinh, nôn,...

- Run cơ, khó kiểm soát hành động.

- Tiêu chảy.

- Suy giảm chức năng thận.

- Suy giảm hệ miễn dịch.

5. Chăm sóc bệnh nhân sau ghép gan

- Sau phẫu thuật, cần hạn chế những hoạt động nặng. Bệnh nhân chỉ có thể hoạt động thể lực bình thường sau 6 hoặc 12 tháng sau ghép gan.

- Khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng thải ghép, tình trạng chức năng gan thận, khả năng  tái phát ung thư,... trong mỗi đợt tái khám.

- Vì thuốc chống thải ghép ức chế hệ thống miễn dịch nên bệnh nhân cần ăn uống sinh hoạt điều độ, tránh những nơi có nguy cơ gây bệnh.

- Nếu sau ghép gan, bệnh nhân nữ muốn có con thì cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị, và cần theo dõi sát sao. Bởi bệnh nhân ghép gan dễ bị sinh non, và không được cho con bú nếu còn đang sử dụng thuốc chống thải ghép.


Tác giả: Mai Nhung