Điều trị ung thư dạ dày theo từng giai đoạn

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Điều trị ung thư dạ dày theo từng giai đoạn
Mỗi giai đoạn của ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân và người nhà nên nắm rõ các kiến thức liên quan đến phương pháp điều trị để có những lựa chọn khoa học và hiệu quả nhất.

Là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến, ung thư dạ dày rất khó phát hiện vì hầu như các triệu chứng ban đầu đều không có cảm giác đau hoặc rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa...

Chính vì những dấu hiệu rất khó phân biệt này mà người bệnh thường chủ quan với các triệu chứng ung thư dạ dày đến khi bệnh di căn sang các cơ quan khác rất nguy hiểm. Vậy làm cách nào để biết cách điều trị ung thư dạ dày đúng cách, hiệu quả, kéo dài sự sống và tiêu diệt tế bào ung thư tỷ lệ cao nhất?

Điều trị ung thư dạ dày theo từng giai đoạn

1. Phẫu thuật (thường áp dụng cho giai đoạn sớm)

Phẫu thuật là phương pháp cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày chứa khối u, có thể kèm theo cả các cơ quan lân cận như lách, tụy, đại tràng, gan và nạo vét hạch dạ dày. Trong điều trị ung thư dạ dày, chỉ định dạng phẫu thuật cùng các biện pháp điều trị kết hợp phụ thuộc nhiều vào giai đoạn ung thư:

Ở giai đoạn sớm (0,1) khi khối ung thư chỉ khu trú trong dạ dày, sử dụng phẫu thuật để lấy đi phần dạ dày có chứa khối u (cắt 1 phần dạ dày) hoặc cắt toàn bộ dạ dày. Ngoài ra, nếu ung thư đã có hạch di căn ngoài thành dạ dày, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật kết hợp xạ trị và hóa trị trước và sau phẫu thuật.

Với các bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn 0,1,2,3 và đủ điều kiện sức khỏe, chỉ định phẫu thuật kết hợp cùng các biện pháp điều trị khác được đánh giá là cơ hội duy nhất để chữa khỏi ung thư dạ dày.

Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày là một phương pháp điều trị ung thư dạ dày quan trọng nhưng cũng để lại rất nhiều tác dụng phụ cũng như tỷ lệ tái phát khá cao nhất là cắt 1 phần dạ dày. Người bệnh phải đối mặt với các dụng phụ gồm chuột rút, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt sau khi ăn.

2. Xạ trị (giai đoạn 2,3)

Ngoài phương pháp phẫu thuật thường áp dụng cho giai đoạn sớm, khối u chưa lan sang các bộ phận khác thì xạ trị cũng là phương pháp tiên tiến nhất cho đến thời điểm hiện tại. 

Xạ trị ung thư dạ dày là phương pháp sử dụng chùm tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Phác đồ xạ trị thường được tiến hành theo đợt và được chia làm nhiều ngày liên tục trong một khoảng thời gian nhất định.

Với bệnh nhân ung thư dạ dày thường dùng phương pháp xạ trị ngoài. Xạ trị thường được chỉ định trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u; hoặc tiến hành sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Xạ trị là biện pháp chiếu tia xạ có tác dụng lên toàn cơ thể, do vậy đối với những bộ phận khỏe mạnh khác, xạ trị cũng gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, tức bụng, mệt mỏi, rụng tóc... Khi ngưng xạ trị, các tác dụng phụ này cũng sẽ biến mất. 

3. Hóa trị (giai đoạn 2,3, có thể kết hợp với xạ trị)

Hóa trị thường áp dụng đối với bệnh nhân từ giai đoạn 2,3. Mục tiêu của phương pháp hóa trị ung thư (trong trường hợp đang nói đến là bệnh ung thư dạ dày) - nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Đa số điều trị ung thư đều kết hợp hóa trị - xạ trị để mang lại hiệu quả cao nhất. 

Hóa trị liệu ung thư dạ dày là phương pháp sử dụng thuốc tiêu diệt tế bào ung thư, giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư cũng như ngăn chặn sự phân chia tế bào ung bướu. Phác đồ hóa trị thường tiến hành theo chu kỳ, ví dụ phác đồ 21 ngày tức là cứ 21 ngày người bệnh lại truyền hóa một lần cho đến khi hết đợt thuốc.

Trong điều trị ung thư dạ dày, đa phần điều trị hóa chất thường kết hợp 2 thuốc là fluorouracil (5-FU, Adrucil) và cisplatin (Platinol).

Cũng giống như xạ trị, giai đoạn ung thư dạ dày để lại nhiều tác dụng phụ, mức độ đáp ứng thuốc phụ thuộc vào từng người bệnh, liều dùng và loại thuốc chữa ung thư dạ dày được sử dụng. Một số tác dụng phụ của hóa trị thường gặp như: mệt mỏi, viêm nhiễm, nôn, buồn nôn, rụng tóc, chán ăn, tiêu chảy. Đa phần những tác dụng phụ này thường kết thúc sau đợt hóa trị.

4. Điều trị đích (Targeted therapy)

Đây là phương pháp nhắm mục tiêu tới Gen ung thư, protein hoặc một loại mô đặc biệt nào đó có nhiệm vụ nuôi dưỡng sự sống của tế bào ung thư. Targeted therapy giúp ngăn chặn sự phát triển tế bào ung thư trong khi không gây tổn hại tế bào lành.

5. Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy)

Immunotherapy là phương pháp tăng cường miễn dịch tự nhiên nhằm chống lại ung thư. Liệu pháp này sử dụng các nguyên liệu từ chính cơ thể người bệnh hoặc nguồn nguyên liệu tổng hợp trong phòng thí nghiệm giúp tăng cường và hồi phục chức năng của hệ miễn dịch.

Như vậy, các phương pháp điều trị phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể như sau:

- Giai đoạn 0:  Cắt dạ dày một phần hoặc cắt dạ dày toàn phần

- Giai đoạn I:

+ IA: Phẫu thuật cắt dạ dày một phần hoặc cắt dạ dày toàn phần. IB: Phẫu thuật cắt dạ dày (một phần hoặc toàn phần). Hóa trị; hoặc kết hợp hóa – xạ trị sử dụng trước phẫu thuật hay sau phẫu thuật.

Tùy vào sức khỏe của bệnh nhân ở mỗi thời điểm, các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp. 

- Giai đoạn II, III: Phẫu thuật cắt dạ dày toàn phần hoặc một phần và nạo những hạch lympho lân cận. Thường kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị trước và sau khi phẫu thuật. Trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành phẫu thuật, có thể phối hợp hóa trị và xạ trị để điều trị nếu không có chống chỉ định.

- Giai đoạn IV (giai đoạn cuối): Ở giai đoạn này, các khối u ác tính đã di căn đến bộ phận khác trên cơ thể, việc điều trị dường như rất khó và tiên lương sống thấp.  Tại giai đoạn này việc điều trị chỉ có thể giúp kiểm soát khối u và làm giảm các triệu chứng. Có thể sử dụng phối hợp các phương pháp điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch tùy vào tình trạng bệnh.


Tác giả: Minh Ngọc