Thật không may khi mắc bệnh ung thư buồng trứng trong thai kỳ bởi đây là một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra. Cũng giống như rất nhiều nỗi lo của bà mẹ khác, điều trị trong lúc này liệu có ảnh hưởng đến thai nhi không, trẻ sinh ra có nguy cơ dị tật, thai chết lưu như thế nào...là những thắc mắc chung của rất nhiều bà mẹ trong trường hợp này.
Ung thư buồng trứng có những dấu hiệu rất khó phân biệt với những bệnh lý thông thường như bệnh tiêu hóa, bệnh phụ khoa...Do vậy việc phát hiện ung thư buồng trứng thường ở những giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Khi mang thai, cơ thể người mẹ cũng sẽ phải trải qua những cảm giác khó chịu, đau đớn như đau bụng, ăn uống không ngon miệng...những triệu chứng này dễ nhầm lẫn với hiện tượng thai nghén khi mang thai.
Các triệu chứng của ung thư buồng trứng trong thai kỳ bao gồm:
- Đầy bụng
- Đầy hơi
- Ợ óng
- Cảm giác buồn tiểu và đi tiểu thường xuyên
- Mệt mỏi, đau lưng
- Táo bón
Một số triệu chứng có thể là do mang thai nhưng nếu bạn cảm thấy xuất hiện nhiều triệu chứng trong một thời gian dài hoặc trở nên tồi tệ hơn thì hãy liên lạc với bác sĩ. Đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng thì hãy nói với bác sĩ ngay!
Thông qua những triệu chứng chẩn đoán lâm sàng thì rất khó phát hiện ung thư buồng trứng, người bệnh cần làm một số xét nghiệm để nhận biết chính xác hơn.
Các xét nghiệm cần làm là
- Xét nghiệm máu CA-125 có thể giúp phát hiện ung thư buồng trứng trong thai kỳ. Tuy nhiên có một số lí do sẽ làm ảnh hưởng tới nồng độ CA-125 trong máu vì vậy không thể dựa vào nó để chuẩn đoán chính xác nhất.
- Siêu âm để kiểm tra khối u và ước tính kích thước của chúng. Nếu bạn đã mang thai được 3 tháng thì bác sĩ có thể chụp MRI. Chuẩn đoán ung thư buồng trứng có thể được khẳng định chính xác bằng sinh thiết mô.
Bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng trong thai kỳ vẫn có cơ hội được điều trị tuy nhiên việc lựa chọn phương pháp điều trị nào là quyết định của bệnh nhân dưới sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Mục đích của điều trị ung thư buồng trứng ở bệnh nhân mang thai là bảo vệ em bé và người mẹ một cách tối đa. Các phương pháp điều trị lúc này sẽ tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và thời gian thai kỳ của bệnh nhân.
Bạn có thể chờ đợi phẫu thuật sau khi sinh con nhưng nếu bạn bị đau đớn nhiều hoặc có nguy cơ bị biến chứng nặng như xuất huyết hoặc vỡ thì bạn phải phẫu thuật ngay cả trong thời kì mang thai.
Bạn cũng có thể bắt đầu hóa trị trong thời gian mang thai. Một nghiên cứu đã cho thấy những bà mẹ sử dụng phương pháp hóa trị trong giai đoạn mang thai thứ 2 và giai đoạn mang thai thứ 3 thì thai nhi vẫn phát triển bình thường.
Tuy nhiên, hóa xạ trị không được khuyến cáo trong quá trình điều trị ung thư buồng trứng ở bệnh nhân mang thai vì phương pháp này có thể gây dị tật với thai nhi hoặc khiến thai chết lưu, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ.
Trong khi một vài loại ung thư có thể lây lan và ảnh hưởng tới thai nhi thì ung thư buồng trứng trong thai kì thường không xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên để đề phòng những trường hợp xấu có thể xảy ra, bệnh nhân nên đi thăm khám và xét nghiệm định kỳ nhằm xử lý kịp thời những biến chứng xấu đối với thai nhi
- Có nên cho con bú trong khi mắc ung thư buồng trứng không?
Nhiều bệnh nhân lo lắng về việc cho con bú khi mắc ung thư có khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng hay không. Câu trả lời là không vì ung thư không lây truyền qua đường sữa mẹ. Tuy nhiên, các loại thuốc hóa xạ trị hoặc thuốc kháng sinh có thể truyền qua đường sữa và ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ nhỏ. Do vậy bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi điều trị trong lúc đang cho con bú.