Điều trị tiểu đường trẻ em như thế nào?

Điều trị tiểu đường trẻ em như thế nào?
Có những nguyên tắc nào khi điều trị tiểu đường trẻ em? Ngoài tiêm insulin liệu còn những phương pháp điều trị nào khác không? Cha mẹ cần lưu ý gì khi điều trị tiểu đường cho con?

1. Nguyên tắc điều trị tiểu đường trẻ em

Dùng liệu pháp Insulin và chế độ ăn hợp lý trong điều trị tiểu đường trẻ em nhằm đạt mục tiêu:

- Bảo đảm Glucose máu ở mức bình thường hay gần như bình thường: Glucose trước khi ăn từ 4-7 mmol/l (72-126 mg/dl), Glucose sau ăn là 5-10 mmol/l (90-180 mg/dl).

- Phòng ngừa các đợt hạ đường máu nặng, không dùng Insulin nhanh cho lần tiêm trước khi ngủ vì nguy cơ hạ đường máu ban đêm cực kỳ nguy hiểm chết người.

- Đề phòng nhiễm toan -ceton máu.

- Hạn chế các biến chứng của tiểu đường trẻ em nhất là biến chứng của mạch máu và thận.

2. Các phương pháp điều trị tiểu đường trẻ em

2.1. Insulin liệu pháp

Insulin phải được dùng càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán để phòng ngừa các rối loạn chuyển hoá và nhiễm toan- acide.

Màu sắc insulin tác dụng nhanh là dung dịch trong. Insulin chậm là dung dịch đục.

- Liều lượng insulin trung bình:

+ Trẻ nhỏ < 5 tuổi: 0,5- 0,8 đ.v. / kg/ 24 giờ.

+ Trẻ từ 5-13 tuổi: 0,8-1 đ.v. /kg /24/giờ.

+ Trẻ > 13 tuổi: 1,2-1,5đ.v. / kg /24/ giờ.

- Liều chính xác của insulin phụ thuộc vào từng bệnh nhân qua thăm dò lâm sàng.

- Cách cho Insulin:

+ Tiêm 2 mũi / ngày: Phối hợp insulin tác dụng nhanh với insulin bán chậm. Thường sử dụng Mixtart TM 30/70. Buổi sáng tiêm 2/3 liều trong ngày, buổi chiều 1/3 liều. Tiêm 30 phút trước các bữa ăn sáng và chiều. Cách này hay dùng cho trẻ em.

+ Cách cho insulin tích cực: Tiêm insulin 3-4 mũi/ ngày. Liều lượng tuỳ thuộc vào sự dao động của đường máu và khối lượng thức ăn của từng bữa ăn. Tiêm 3 lần / ngày, hỗn hợp insulin nhanh + insulin bán chậm (Mixtard 30/70) trước ăn sáng.

Insulin nhanh trước bữa ăn chiều. Insulin bán chậm trước khi đi ngủ, hoặc đơn thuần dùng insulin bán chậm trước 3 bữa ăn chính. Tiêm 4 lần/ngày, tiêm insulin nhanh trước 3 bữa ăn chính và insulin bán chậm hay chậm trước khi đi ngủ.

- Vị trí tiêm: Mặt ngoài cánh tay, mặt trước- Ngoài đùi, khu vực quanh rốn và phần tư trên ngoài của mông. Vị trí tiêm phải thay đổi liên tục, hàng tuần 2 mũi tiêm không được trùng nhau để tránh tai biến teo hay phì đại tổ chức mỡ dưới da.

2.2. Chế độ ăn uống sinh hoạt

Chế độ ăn cho bé đang điều trị tiểu đường trẻ em bảo đảm năng lượng cho sự cân bằng giữa họat động chuyển hóa của insulin và phát triển thể lực. Trẻ nhỏ hơn 10 tuổi cần khoảng 1000 kcalo/ ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi, lượng calo tổng cộng/ngày = 1000 Kcalo + 100 n (n ≥10 tuổi). 

Thành phần carbohydrate > 50%, lipit khoảng 30-35%. Protit từ 10- 15%. Có thể ảnh hưởng đến bệnh thận do đó lượng protit đưa vào giảm dần theo tuổi Lượng protit tối đa 2 g/ kg/ ngày trẻ nhỏ, 1 g / kg /ngày ở trẻ < 10 tuổi, 0,8-0,9 g/kg/ngày ở trẻ lớn hơn.

Thưc ăn chia thành 3 bữa ăn chính và 2-3 bữa ăn phụ, 20% vào buổi sáng, 35% vào buổi trưa, 15% cho đêm khuya.

2.3. Điều trị tiểu đường trẻ em có hôn mê

- Nguyên tắc trong 2 giờ đầu

+ Chống sốc: Plasmion 10-20 ml/kg/trong 30 phút, lập lại nếu cần. Albumin 20%: 1 g/kg hoà vào dung dịch sinh lý NaCl 0,9%.

+ Chống suy hô hấp: Thông đường thở, đặt sonde dạ dày, thở Oxy.

+ Chống nhiễm toan:

PH = 7,1 Bicarbonate 14 % 80 mmol/m2/2 giờ.

PH < 7,1 Bicarbonate 14 % 40 mmol/m2/2 giờ.

PH > 7,2 và HCO3 từ 12-15 mmol/l: dừng bồi phụ kiềm.

+ Bồi phụ nước điện giải: dung dịch NaCl 0,9%: 8 ml/kg/nếu trẻ < 5 tuổi; 10 ml/kg/cho các trường hợp khác.

+ Sử dụng Insulin nhanh truyền tĩnh mạch liên tục trong điều trị tiểu đường trẻ em (ACTRAPID). Dùng liều 0,1 đ.v./kg/giờ.

Liều ban đầu là 0,05 đ.v./kg/giờ khi pH máu > 7,25 hoặc ở trẻ < 5 tuổi, hoặc trẻ đã dùng insulin trong vòng 8 giờ.

- Theo dõi glucose máu mao mạch mỗi 30 phút. Glucose niệu, cetôn niệu /mỗi lần tiểu. Tình trạng ý thức, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ. Số lượng nước tiểu. Khí máu 1 giờ sau khi dùng bicarbonate. Vào giờ thứ 2 sau điều trị: đường máu, điện giải đồ, ure- creatinin, pH, HCO3, canxi máu.

- Điều trị tiếp theo giờ thứ 2 đến 24 giờ đầu:

Tiếp tục bồi phụ nước và điện giải, 3 l/m2/ 24 giờ bằng NaCl 0,9% + KCL 1,5 g/l.

Không truyền dịch quá 4 l/m2/24 giờ đầu vì nguy cơ phù não cấp. Không làm giảm quá nhanh glucose máu, trong 2 giờ đầu glucose máu không được giảm quá 5 mmol/giờ. Duy trì glucose máu từ 12- 24 giờ khoảng 9-10 mmol.

Chỉ dùng dung dịch bicarbonat trong những trường hợp toan máu nặng, không dùng dung dịch KCL khi chưa có kết quả kali máu hay ECG. Chú ý dấu tăng kali máu.

- Trong 24 giờ tiếp theo:

+ Chỉ định insulin tiêm dưới da khi các dấu hiệu lâm sàng tốt lên, bệnh nhân uống được, có thể giảm lượng dịch truyền. pH máu > 7,3, glucose máu về bình thường.

+ Đề phòng tăng glucose máu không được ngưng insulin truyền tĩnh mạch cho đến 60 phút sau lần tiêm Insulin dưới da đầu tiên.

3. Theo dõi điều trị tiểu đường trẻ em

Kiểm tra đường máu tại nhà bằng Glucometer, định lượng HbA1c 2-3 tháng/1 lần. Nếu không có điều kiện, kiểm tra đường máu 1 tháng / 1 lần, HbA1c 3-6 tháng/ 1 lần, tối thiểu 2 lần trong năm.

Tác giả: TH