Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai bằng cách nào?

Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai bằng cách nào?
Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh trong thai kỳ cũng như các triệu chứng mà thai phụ gặp phải.

Bệnh thủy đậu khá lành tính ở cả trẻ em và người lớn, bệnh thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai là vô cùng cần thiết bởi căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng mình bị thủy đậu, hãy liên hệ với bác sĩ sản khoa hoặc bệnh viện ngay lập tức để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.

Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai như thế nào? - Ảnh 1.

Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh trong thai kỳ - Ảnh: Healthline

1. Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai

1.1. Trường hợp phụ nữ mang thai tiếp xúc với người mắc thủy đậu

Tại lần khám tiền sản đầu tiên, mẹ bầu sẽ được hỏi kĩ về tình trạng nhiễm varicella (bệnh thủy đậu) trước đó. Có khoảng 90-95% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã có được miễn dịch với bệnh thủy đậu và sẽ tránh được nguy cơ nhiễm lần thứ 2.

Nếu bệnh nhân có tiền sử mắc thủy đậu trước đó và được ghi chép rõ ràng trong hồ sơ bệnh sử, bác sĩ sẽ không chỉ định xét nghiệm lại. Còn ở trường hợp bệnh nhân không chắc chắn về việc đã từng mắc thủy đậu hay chưa, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm kháng thể varicella-zoster IgG.

Nếu xét nghiệm kháng thể varicella-zoster IgG cho kết quả dương tính, bệnh nhân có thể yên tâm rằng mình đã được miễn dịch và do đó không có nguy cơ bị nhiễm trùng lần thứ hai. Nếu kháng thể IgG không được phát hiện, bệnh nhân sẽ được tư tư vấn rằng nên tránh tiếp xúc với những người khác có nguy cơ bị thủy đậu cấp tính.

Nếu phụ nữ mang thai chưa được miễn dịch tiếp xúc với người bị thủy đậu, điều trị dự phòng được chỉ định. Phương pháp dự phòng được nghiên cứu nhiều nhất là sử dụng globulin miễn dịch varicella zoster (VZIG).

VZIG nên được sử dụng trong vòng 96 giờ kể từ khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh thủy đậu. Vì VZIG có thể kéo dài thời gian ủ bệnh của vi rút trong ít nhất một tuần. Bệnh nhân tiếp nhận tác nhân này cần được theo dõi chặt chẽ để biết khả năng lây nhiễm trong ít nhất 28 ngày sau khi tiếp nhận VZIG.

Nếu không có sẵn VZIG ngay lập tức, bác sĩ lâm sàng nên điều trị dự phòng bằng acyclovir (800 mg uống 5 lần mỗi ngày trong 7 ngày) hoặc valacyclovir (1000 mg uống 3 lần mỗi ngày trong bảy ngày).

=> Đọc thêm hướng dẫn xử lý khi vô tình tiếp xúc với người mắc thủy đậu khi mang thai qua bài viết: Nên xử trí ra sao nếu vô tình tiếp xúc với người bị thủy đậu khi mang thai?

1.2. Trường hợp thai phụ phát triển bệnh thủy đậu cấp tính

Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai như thế nào? - Ảnh 2.

Nếu thai phụ phát triển bệnh thủy đậu cấp tính, việc điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai sẽ được tiến hành ngay - Ảnh: mom365

Nếu thai phụ phát triển bệnh thủy đậu cấp tính, dù có hoặc không việc điều trị dự phòng thì việc điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai cũng nên được tiến hành ngay lập tức. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng acyclovir đường uống hoặc valacyclovir.

Trong trường hợp mẹ bầu có dấu hiệu viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng lan tỏa nặng hoặc ức chế miễn dịch thì bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện; và điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai lúc này sẽ dùng bằng acyclovir tiêm tĩnh mạch. Liều thích hợp để tiêm tĩnh mạch acyclovir là 10 mg/kg; cứ 8 giờ một lần trong 10 ngày.

Đáng tiếc rằng hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai sẽ giúp ngăn ngừa varicella bẩm sinh ở thai nhi. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ các biến chứng ở thai nhi song song với việc điều trị ở người mẹ.

2. Khi nào phụ nữ mang thai bị thủy đậu cần nhập viện?

Để giúp giảm các triệu chứng khó chịu do thủy đậu, mẹ bầu có thể thử các cách như uống nhiều nước; sử dụng kem hoặc gel làm mát và dùng paracetamol để hạ sốt hoặc giảm đau. Ngoài ra, thai phụ mắc thủy đậu cần nhập viện ngay lập tức nếu có một trong số các triệu chứng dưới đây:

- Cảm giác tức ngực, khó khăn trong việc hô hấp

- Cảm thấy buồn ngủ, buồn nôn, nhức đầu ngày càng nhiều

- Xuất huyết âm đạo

- Phát ban chảy máu

- Tình trạng phát ban nhiễm trùng lan tỏa

Những triệu chứng trên cảnh báo bệnh thủy đậu ở người mẹ đang tiến triển nặng và có thể gây ra nhiều biến chứng. Lúc này, thai phụ nên được bác sĩ thăm khám và chăm sóc tích cực.

3. Điều trị thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai như thế nào? - Ảnh 3.

Bác sĩ có thể cân nhắc điều trị cho em bé bằng kháng thể thủy đậu được gọi là globulin miễn dịch - Ảnh: gatewayfoundation

Như đã biết, không có cách điều trị thủy đậu ở phụ nữ mang thai nào có thể ngăn ngừa thai nhi bị thủy đậu ngay từ trong bụng mẹ. Sau khi sinh, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị cho em bé bằng kháng thể thủy đậu được gọi là globulin miễn dịch varicella zoster (VZIG) nếu:

- Em bé sinh ra trong vòng 7 ngày sau khi người mẹ phát ban thủy đậu

- Sản phụ phát ban thủy đậu trong vòng 7 ngày sau khi sinh

- Em bé tiếp xúc với bệnh thủy đậu hoặc zona trong vòng 7 ngày sau khi sinh

Nếu em bé sơ sinh phát triển bệnh thủy đậu, bác sĩ cũng có thể điều trị bằng aciclovir.

Nguồn dịch: http://perinatology.com/exposures/Infection/Varicella/Varicella.htm

https://www.nhs.uk/common-health-questions/pregnancy/how-is-chickenpox-treated-during-pregnancy/


Tác giả: Tiểu Quyên