Bệnh sốt xuất huyết với biểu hiện cơ bản nhất là sốt cao kèm theo các triệu chứng: mất nước, nôn mửa, chán ăn,... và dễ gây nhầm lẫn với các loại sốt thông thường: sốt virus, viêm họng,... Vì vậy, khi thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt cao kéo dài liên tục, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm của dịch, cần tới gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân.
Tuy nhiên, không phải trường hợp sốt xuất huyết nào cũng phải nằm viện. Trong thời gian cao điểm của mùa dịch, bệnh viện quá tải và để phòng lây nhiễm chéo, các trường hợp bệnh nhẹ có thể được chỉ định điều trị sốt xuất huyết ngoại trú và hẹn tái khám trong thời gian nhất định.
Khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, cần lưu ý tránh những điều dưới đây để hạn chế biến chứng và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với các hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết, loại thuốc an toàn được sử dụng để hạ sốt là paracetamol. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của bệnh (2-7 ngày đầu tiên), bệnh nhân sốt xuất huyết thường có dấu hiệu sốt cao liên tục, chỉ đáp ứng thuốc hạ sốt trong một thời gian ngắn rồi lại có dấu hiệu tăng nhiệt độ trở lại.
Điều này làm tăng nỗi lo khi điều trị sốt xuất huyết, dẫn tới tự ý tăng liều sử dụng paracetamol. Thông thường, liều lượng và thời gian cách nhau giữa hai liều dùng paracetamol được xác định theo lứa tuổi và cân nặng của người bệnh. Sử dụng paracetamol quá liều có thể dẫn tới ngộ độc gan, suy gan cùng nhiều biến chứng khác có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, nếu sử dụng các thành phần thuốc hạ sốt khác như Aspirin, Ibuprofen, Dexa,... trong điều trị sốt xuất huyết cũng có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ khôn lường như chảy máu, xuất huyết nội tạng,... Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
Để hạ sốt cho bệnh nhân, bên cạnh việc sử dụng paracetamol, có thể áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như chườm mát, lau người bằng nước ấm,... để hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết.
Trong điều trị sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất để hạn chế biến chứng là tuân thủ sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp các phương pháp truyền miệng, thiếu khoa học, thậm chí là hoang đường, được cho là có thể điều trị sốt xuất huyết nhanh chóng.
Thực tế, có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết trong tình trạng bị dao lam rạch vào da dẫn tới nhiễm trùng nặng. Đây là hậu quả của việc 'cắt lễ' để lấy bớt máu độc trong cơ thể bằng cách sử dụng dao lam rạch vào các nốt xuất huyết dưới da.
Không nên áp dụng các phương pháp điều trị sốt xuất huyết chưa được kiểm chứng (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, còn một số phương pháp được cho là có khả năng điều trị sốt xuất huyết như bắt gió, nặn chanh, dùng rượu chà xát khắp cơ thể,... Hiệu quả điều trị của các phương pháp này hoàn toàn chưa được kiểm chứng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ như ngộ độc rượu, nhiễm trùng,...
Truyền dịch trong điều trị sốt xuất huyết thường chỉ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện bỏ ăn uống, khó nuốt, cơ thể bị mất nước, nôn nhiều,... Hơn nữa, việc truyền dịch cũng phải được giám sát bởi những người có chuyên môn.
Do đó, tự ý truyền dịch khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà là hoàn toàn không nên. Tự truyền dịch tại nhà có nguy cơ dẫn đến tình trạng sốc, phù phổi,...
Thực tế, bệnh sốt xuất huyết không thực sự khỏi sau đợt sốt nhiều ngày trước đó. Thậm chí, đây mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh với nguy cơ cao xảy ra các biến chứng như suy đa tạng, giảm tiểu cầu, chảy máu nội tạng,...
Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan trước các biểu hiện lạ của bệnh nhân sau cơn sốt như vật vã, lừ đừ, chân tay lạnh, nôn hoặc đi ngoài ra máu, mạch nhanh, huyết áp không ổn định,... Khi có các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện để kiểm tra, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.
Việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà có thể đạt được hiệu quả cao, bệnh nhân mau chóng hồi phục nếu tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mọi biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị sốt xuất huyết đều cần được lưu tâm để đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho bệnh nhân.