Điều trị sốt xuất huyết: Nên kiêng những điều dưới đây

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Điều trị sốt xuất huyết: Nên kiêng những điều dưới đây
Mùa hè là thời điểm phù hợp để bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh nhất. Trong thời điểm này, nhiều bệnh viện bị quá tải khiến cho việc điều trị sốt xuất huyết càng trở nên khó khăn. Do đó, người bệnh cần lưu ý tránh làm những điều dưới đây

1. Những điều kiêng kỵ khi điều trị sốt xuất huyết

- Không tự ý dùng thuốc hạ sốt: 

Sốt xuất huyết thường có biểu hiện đầu tiên là những cơn sốt cao (trên 39 độ) không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, khi chưa xác định được nguyên nhân sốt, người bệnh tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt bừa bãi. Thuốc hạ sốt có chứa aspirin, analgin hoặc ibuprofen có thể khiến người mắc sốt xuất huyết bị chảy máu nội tạng, tan máu hoặc làm bệnh tình trầm trọng hơn. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc hạ sốt, chỉ nên sử dụng các loại thuốc chứa paracetamol theo liều lượng không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên khi có biểu hiện sốt cao bất thường, người bệnh cần đi khám sớm nhất có thể để xác định nguyên nhân và điều trị chính xác.

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm sẫm màu

Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, bệnh nhân không nên ăn các loại thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen. Lý do là việc này có thể gây khó khăn trong việc quan sát nước tiểu và chất bị nôn ra để đề phòng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hoá. Người bệnh ăn các loại thực phẩm sẫm màu có thể gây nhầm lẫn và khó phân biệt với máu khi thải ra ngoài.

- Không ăn trứng

Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể người bệnh vốn dĩ đã cao hơn mức thông thường. Việc ăn trứng gà sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên và không thể phát tán ra ngoài. Vì vậy, khi điều trị sốt xuất huyết, người bệnh, đặc biệt là trẻ em không nên ăn trứng.

- Hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ

- Không để muỗi cắn (đốt)

Muỗi là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, khi điều trị sốt xuất huyết, người bệnh bị muỗi chứa virus dengue cắn có thể khiến bệnh tình nặng hơn. Ngoài ra, việc để muỗi cắn khi chưa khỏi bệnh tức làm tăng nguy cơ lây lan sốt xuất huyết đến những người xung quanh.

- Không uống trà, cà phê, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga

Người mắc sốt xuất huyết thường có những biểu hiện như vật vã, bồn chồn, dễ kích động,... Việc sử dụng các loại đồ uống trên có thể mệt mỏi hơn, não luôn ở trạng thái bị kích thích và huyết áp tăng cao. Ngoài ra, việc uống nước chè đặc hoặc nước ngọt có ga khiến cơ thể khó hạ sốt hơn, gây khó khăn trong việc điều trị sốt xuất huyết.

- Không ăn đồ ăn cay nóng

Khi bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể sẽ bị yếu đi, đồng thời năng lượng tiêu hao cũng nhiều hơn. Do đó, việc ăn các loại đồ ăn cay nóng có thể cản trở quá trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân.

- Không nên tắm nước lạnh hoặc đi ra gió

Khi bị sốt ở nhiệt độ cao, người bệnh tuyệt đối không nên để cơ thể bị nhiễm lạnh. Khi tắm nước lạnh hoặc ra gió, người bệnh có thể bị co mạch ngoài da nhưng lại giãn mạch nội tạng, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, người bệnh nên nghỉ ngơi, sử dụng nước ấm để lau người và tránh để nhiễm lạnh.

2. Không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Sốt xuất huyết khác với các loại sốt thông thường, có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm kể cả khi bệnh nhân không còn sốt cao. Do đó, bênh cạnh việc phòng tránh sốt xuất huyết, cũng cần chú ý tới các biểu hiện lạ của cơ thể. Khi có những dấu hiệu của sốt xuất huyết, cần tới ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.

Việc điều trị sốt xuất huyết được thực hiện càng sớm thì càng đạt được hiệu quả cao và hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng: xuất huyết dạ dày, đường ruột, não,... thậm chí có thể dẫn đến tử vong,


Tác giả: Bùi Thảo Ngân