Điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không?

Điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không?
Bệnh nhân sốt xuất huyết có cần nhập viện điều trị hay không, khi nào cần nhập viện,... là những câu hỏi thường được đặt ra. Bởi nhập viện điều trị muộn ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khác nhau, tăng khả năng biến chứng của bệnh hoặc thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm rất thường gặp trên thực tế, lây lan nhanh và dễ trở thành dịch trên diện rộng. Tuy nhiên, đôi lúc sự nguy hiểm của căn bệnh này vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ, đặc biệt phải kể đến là việc liệu người bệnh điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không.

1. Bệnh nhân sốt xuất huyết có cần nhập viện không?

Như đã nói, bệnh nhân sốt xuất huyết có cần được nhập viện không thực sự là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Nhất là trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây, với số bệnh nhân đang gia tăng mạnh ở nhiều khu vực.

Trước tiên ta cần biết rằng, sốt xuất huyết là căn bệnh do virus sốt xuất huyết dengue gây nên, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là loài muỗi. Khi bệnh xảy ra, nó được chia làm nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào sự biểu hiện triệu chứng và nguy cơ xuất hiện biến chứng, bao gồm ba loại là sốt xuất huyết dengue, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.

Trong đó sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng là hai mức độ bệnh mà bệnh nhân dễ bị gặp phải các biến chứng nguy hiểm như cô đặc máu, xuất huyết, suy đa phủ tạng, sốc sốt xuất huyết dengue,... Do đó, việc nhập viện theo dõi và điều trị ở những bệnh nhân này là một chỉ định y tế bắt buộc.

Còn đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết đơn thuần, bệnh nhân vẫn có thể được điều trị ngoại trú mà không cần phải nhập viện trong một số các trường hợp nhất định. Tuy nhiên, vấn đề tiên quyết mà bệnh nhân phải đáp ứng được đó là khả năng theo dõi bệnh hằng ngày và xử lý ngay lập tức nếu có các biến chứng của bệnh xảy ra.

Vì vậy có thể thấy, nhập viện là cần thiết đối với hầu hết các bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết. Chỉ trừ một số trường hợp bệnh nhẹ và thỏa mãn các yêu cầu chăm sóc y tế nhất định mới có thể được chỉ định điều trị ngoại trú.

Điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không? - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có cần nhập viện không là điều khiến nhiều người băn khoăn - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Đã có trẻ bị sốc sốt xuất huyết: Đưa trẻ vào viện kể cả trong đêm nếu có các dấu hiệu sau!

Tự ý dùng ibuprofen hạ sốt khi bị sốt xuất huyết: sai lầm chết người khi dịch gia tăng!

2. Tiêu chuẩn nhập viện và xuất viện ở bệnh nhân sốt xuất huyết

2.1. Tiêu chuẩn chỉ định nhập viện

Theo các hướng dẫn y tế đang được áp dụng trong chăm sóc sức khỏe ở nước ta hiện nay, bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định nhập viện nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Đối với sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng: Bệnh nhân bắt buộc phải nhập viện điều trị.

- Đối với sốt xuất huyết thông thường: Bệnh nhân được chỉ định nhập viện khi có một hoặc một số các đặc điểm như bệnh nhân sống một mình hoặc sống ở xa cơ sở y tế, trẻ nhũ nhi (dưới 24 tháng tuổi) hoặc người già, bệnh nhân béo phì, người có thai hoặc có các bệnh lý nền mãn tính.

Khi không có các đặc điểm nêu trên và không có các dấu hiệu cảnh báo hay dấu hiệu nặng, thì bệnh nhân sốt xuất huyết có thể được cho điều trị tại nhà. Nhưng bệnh nhân cần phải được theo dõi bằng thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm thường quy đánh giá hằng ngày.

Nếu có các dấu hiệu bất thường mới xuất hiện cho thấy bệnh đang diễn tiến từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng thì bác sĩ có thể yêu cầu nhập viện để tiếp tục điều trị, theo dõi bệnh.

* Các dấu hiệu cảnh báo trong bệnh sốt xuất huyết:

- Bệnh nhân vật vã, lừ đừ, li bì.

- Đau bụng nhiều, đau bụng liên tục hoặc đau bụng ở vùng hạ sườn phải.

- Có các biểu hiên của tình trạng xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi cầu phân đen, nôn ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường,...

Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác có thể kể đến như gan to, xét nghiệm máu có tăng hct hoặc giảm số lượng tiểu cầu nhiều, tăng men gan, tràn dịch màng phổi hoặc màng tim.

2.2. Khi nào bệnh nhân sốt xuất huyết được xuất viện

Đối với các bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị, các bác sĩ có thể xem xét chỉ định cho người bệnh ra viện nếu thỏa mãn các yêu cầu như sau:

- Bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống bình thường bằng đường miệng.

- Cắt sốt ít nhất 48 giờ kể từ cơn sốt cuối cùng được ghi nhận.

- Các chỉ số sinh tồn như mạch và huyết áp ổn định ở mức bình thường, người bệnh không khó thở.

- Các thông số xét nghiệm có xu hướng quay trở về mức bình thường như men gan và chỉ số hct giảm dần, số lượng tiểu cầu tăng dần.

3. Bệnh nhân sẽ được điều trị những gì khi nhập viện?

Do bệnh sốt xuất huyết gây nên bởi nguyên nhân virus, nên vấn đề điều trị của bệnh ít tập trung vào điều trị nguyên nhân gây bệnh. Thay vào đó, bệnh nhân sẽ chủ yếu được theo dõi, điều trị giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và giải quyết các biến chứng của bệnh nếu có.

3.1. Điều trị triệu chứng bệnh

- Hạ sốt: Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể được hạ sốt bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả dùng thuốc và không dùng thuốc. Tuy nhiên, chỉ khuyến khích sử dụng dùng thuốc hạ sốt nếu bệnh nhân có sốt cao trên 38,5 độ C. Còn với các trường hợp sốt nhẹ có thể cho hạ sốt bằng các biện pháp vật lý như nới lỏng quần áo, lau mát,...

Điều trị sốt xuất huyết có cần nhập viện không? - Ảnh 2.

Điều trị giảm triệu chứng ở bệnh nhân sốt xuất huyết cần được tiến hành bằng biện pháp thích hợp - Ảnh: Internet

- Bù dịch: Bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết được tiến hành thông qua hai con đường là đường uống và đường tĩnh mạch.

Nếu bệnh nhân còn khả năng ăn uống được và không có các chỉ định truyền dịch bắt buộc thì bù dịch bằng đường uống phải được ưu tiên. Thông thường, dung dịch điện giải Oresol hay được sử dụng để bù dịch, bù điện giải cho người bệnh.

Lạm dụng truyền dịch quá mức có thể giảm đáp ứng của cơ thể với truyền dịch trong các trường hợp phải truyền dịch cấp cứu như sốc sốt xuất huyết,...

3.2. Điều trị biến chứng bệnh

Bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng hết sức nguy hiểm như xuất huyết, suy phủ tạng, hội chứng não gan, sốc sốt xuất huyết,... Mỗi biến chứng của bệnh đều cần phải được phát hiện sớm và điều trị bằng các biện pháp đặc hiệu.

Chẳng hạn có thể kể đến như truyền máu hoặc truyền tiểu cầu cho bệnh nhân có tình trạng xuất huyết nặng, bù dịch và sử dụng các loại thuốc vận mạch cho người bệnh bị sốc sốt xuất huyết,...

Trên đây là câu trả lời sơ lược cho vấn đề bệnh nhân sốt xuất huyết có cần nhập viện hay không, cũng như các điều trị cơ bản dành cho bệnh nhân khi nằm viện. Nếu còn có thêm thắc mắc liên quan đến căn bệnh này, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải thích đầy đủ và cụ thể hơn.


https://suckhoehangngay.vn/dieu-tri-sot-xuat-huyet-co-can-nhap-vien-khong-20220623025345007.htm
Tác giả: QN