Có nên điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y hay không?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Có nên điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y hay không?
Việc lựa chọn điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y hay Tây y đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trong mùa dịch, nhiều bài thuốc được cho là có công dụng chữa bệnh tuyệt vời đã ra đời. Vậy thực hư câu chuyện này là gì?

1. Những bài thuốc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y trôi nổi trên mạng xã hội

Mọi bài thuốc Đông y trong điều trị các loại bệnh đều được xuất phát từ cơ sơ lý luận chặt chẽ trong Y học cổ truyền và đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ. Mỗi vị thuốc trong một thang được kê có nhiệm vụ hỗ trợ, kết hợp với nhau để tạo ra hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý lo lắng của nhiều người trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, nhiều "bài thuốc Đông y điều trị sốt xuất huyết" chưa được kiểm chứng đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Đây hầu hết là các kinh nghiệm chắp vá, các bài thuốc không đây đủ nhưng lại được thổi phồng như thần dược để điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y.

Tiêu biểu là các bài thuốc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y được chia sẻ rầm rộ như sắc ống tre, xoa lông gà, uống cỏ mực, nhai đỗ xanh,... Tuy nhiên, các bài thuốc này hầu hết là không đầy đủ hoặc không chính xác.

Ví dụ, cỏ mực ( lá nhọ nồi) có khả năng cầm máu, hạ sốt, nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng. Thai phụ bị sốt xuất huyết sử dụng nguyên liệu này có thể gây ra sảy thai hoặc dẫn tới tử vong.

Việc sắc ống tre làm nước uống không chỉ mất thời gian, công sức mà còn có thể dẫn đến tình trạng hạ natri trong máu, khiến bệnh thêm trầm trọng. Ngoài ra, các nguyên liệu như trắc bách diệp, hoa hòe, có khả năng cầm máu nhưng lại gây giãn mạch khiến tình trạng thoát dịch, tụt huyết áp và sốc ở người bệnh sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn.

Đây chỉ là một trong nhiều bài thuốc được cho là có khả năng điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y. Tuy nhiên, việc sử dụng các bài thuốc này lại có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe dọa sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

2. Điều trị sốt xuất huyết dưới góc nhìn Đông y

Sốt xuất huyết có khởi nguồn từ vùng Bắc Phi và Trung Đông. Bệnh chỉ thực sự được lan truyền tới các nơi khác trên thế giới vào sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Một số thư tịch đời Tần ở Trung Quốc có nhắc tới bệnh "Thủy độc" do côn trùng bay, được cho là các bệnh lý do virus gây ra, được lây truyền qua côn trùng.

Theo Y học cổ truyền, các biện luận triệu chứng của sốt gây dịch do virus nói chung được quy vào nhóm Ôn dịch. Các giai đoạn của bệnh thường có diễn biến: Bệnh vào Vệ (niêm mạc, da), Khí (đường hô hấp), Dinh và Huyết.

Khi so sánh với bệnh học nhiễm virus ngày nay, giai đoạn viêm long đường hô hấp tương đương với giai đoạn bệnh vào Vệ, Khí. Giai đoạn nhiễm virus huyết tương ứng với giai đoạn bệnh vào Dinh; giai đoạn gây ra rối loạn cân bằng chất điện giải, rối loạn đông cầm máu hoặc tổn thương cơ quan đích tương đương với khi bệnh vào Huyết.

3. So sánh việc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y và Tây y

Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra. Có 4 típ virus Dengue gây bệnh là D1, D2, D3, D4. Khi bị nhiễm virus Dengue típ D1, bệnh nhân thường chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, việc điều trị sốt xuất huyết theo đó cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên, khi người bệnh nhiễm 1 trong các type virus còn lại, các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn và việc điều trị sốt xuất huyết cũng khó khăn hơn.

Nếu đem so sánh các triệu chứng của bệnh với góc nhìn Đông y với nhóm bệnh Ôn dịch, virus Dengue được truyền thẳng vào máu gây ra sốt xuất huyết (vào thẳng Dinh, Huyết) chứ không trải qua giai đoạn bệnh vào Vệ, Khí.

Đối với nhóm bệnh này, cách điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y khá giống với Tây y hiện đại, đó là thanh nhiệt và dưỡng tâm, tương tự như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau và chống sốc trong Y học hiện đại.

Khi bệnh vào Huyết, nguyên tắc điều trị sẽ phụ thuộc vào tổn thương phủ tạng: Nếu nhiệt bức huyết vọng hành (tình trạng Hạ tiểu cầu, rối loạn đông máu nhẹ) thì sử dụng các bài thuốc có chức năng cầm máu.

Ở thể Can nhiệt động phong ( tình trạng sốt cao co giật, hạ canxi huyết), các bài thuốc hạ sốt, chống co giật sẽ được sử dụng. Nếu là thể Huyết nhiệt thương âm hay Vong âm thất thủy (tình trạng thiếu dịch) thì sử dụng các bài thuốc Tư âm, trong Y học hiện đại thì chỉ cần sử dụng Oresol để bù nước.

Tóm lại, việc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y hay Tây y đều có thể đạt được hiệu quả khi được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi lựa chọn sử dụng phương pháp Đông y, không nên dựa hoàn toàn vào các bài thuốc được chia sẻ rầm rộ trên mạng để tránh tình trạng "tiền mất tật mang". Đôi khi, việc sử dụng thuốc Tây lại là lựa chọn tiết kiệm thời gian, chi phí và an toàn hơn cả.


Tác giả: Thảo Ngân